'Sức khỏe' ngành sản xuất Việt dẫn đầu khối ASEAN

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/12/2018 16:06 GMT+7

Bảng xếp hạng Chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI vừa được Nikkei và HIS Markit công bố hôm nay (3.11) cho thấy, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN.

Theo Nikkei, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng từ 53,9 điểm vào tháng 10 lên 56,5 điểm trong tháng 11, giúp PMI Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực. Điều này cho thấy, “sức khỏe” các nhà sản xuất Việt Nam đang được cải thiện mạnh mẽ. Đây là mức cao kỷ lục đối với ngành sản xuất Việt Nam trong vòng 7 năm trở lại đây, tính từ thời điểm tháng 3.2011.
Khảo sát của Nikkei cũng cho thấy, trong khi sản xuất Việt Nam tăng mạnh thì trong khu vực ASEAN có chỉ số PMI tăng khá khiêm tốn, từ 49,8 điểm trong tháng 10 lên 50,4 điểm trong tháng 11, thấp hơn Việt Nam đến 6,2 điểm tại cùng thời điểm.
Ngoài Việt Nam, những quốc gia trong khu vực cũng có chỉ số PMI tương đối cao trong tháng 11 này như Philippines có PMI 54,2; Myanmar 51,3; Indonesia 50,4. Tuy nhiên, một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Singapore lại có dấu hiệu sản xuất sụt giảm, chỉ số PMI 3 quốc gia này thứ tự là 49,8 - 48,2 - 47,4.
Chỉ số PMI là thước đo để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế sản xuất. Trong đó, các tiêu chí để được tính toán gồm: số lượng đơn đặt hàng, sản lượng, tạo công ăn việc làm, thời gian giao hàng và số tồn kho của sản phẩm đầu vào.
Khảo sát của HIS Markit cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới của Việt Nam trong tháng 11 tăng mạnh, khiến mức lạc quan của doanh nghiệp tăng cao hơn so với tháng 10, lạc quan cao nhất tính từ tháng 2.2016. Chuyên gia khảo sát đánh giá, có những dấu hiệu cho thấy năng lực sản xuất Việt Nam tăng mạnh trở lại do khối lượng công việc tăng, khiến các chủ doanh nghiệp tăng tuyển dụng để hoàn thành khối lượng đơn hàng đang tăng.
“Nhằm đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn, các công ty sản xuất nhanh chóng tuyển thêm nhân viên, giúp tốc độ tạo công ăn việc làm mới đạt mức kỷ lục”, báo cáo nhận xét.
Tuy nhiên, chuyên gia của HIS Markit cũng lưu ý với ngành sản xuất Việt Nam về giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 11 với mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng gần đây. Điều này sẽ khiến chi phí nhà sản xuất tăng hơn, theo đó, giá bán sản phẩm cũng phải tăng theo tỷ lệ thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.