Sớm định danh Uber, Grab để có khung pháp lý trong cạnh tranh thời 4.0

27/03/2018 18:52 GMT+7

Theo các chuyên gia, dịch vụ vẫn luôn là đối tượng khó kiểm soát và điều chỉnh, áp dụng pháp luật, nhất là trong nền kinh tế số mà câu chuyện quản lý Uber, Grab đang là bài học nóng hổi.

Ngày 27.3, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học khung thể chế cho nền kinh tế số. Trong đó, câu chuyện của Uber, Grab lại được dẫn ra như những ví dụ tiêu tiểu để gợi lên vấn đề: kinh doanh theo phương thức công nghệ số là hiện tượng khách quan, làm thay đổi cách làm truyền thống, vì thế tư duy và triết lý quản lý cũng phải thay đổi.
PGS -TS Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, cho rằng trong nền kinh tế số, “điểm mấu chốt chính là kết nối và chia sẻ dữ liệu, do vậy, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về những chủ thể kinh doanh có khả năng kết nối thông tin và nắm bắt cũng như chia sẻ thông tin một cách an toàn”. Hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, mà cả với các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, “thay vì phản đối các hình thức kinh doanh có ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp truyền thống nên có thái độ tiếp nhận và thay đổi chính mình để tạo ra khả năng cạnh tranh. Cần coi những khó khăn trong điều kiện kinh doanh mới không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thay đổi phương thức kinh doanh, tự cải tiến và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, PGS-TS Phát nhấn mạnh.
Trường hợp các hãng taxi truyền thống muốn cạnh tranh với Grab, Uber đã tính đến các khả năng hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ tới hành khách một cách thuận tiện hơn là một ví dụ. Theo đó, những yếu tố được coi là then chốt để có thể cạnh tranh với các dịch vụ vận tải có ứng dụng số này là giá thành dịch vụ và sự tiện lợi trong việc cung cấp dịch vụ.
TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bổ sung rằng những biến đổi trong cách mạng 4.0 diễn ra rất nhanh nhưng phản ứng trong chính sách của Nhà nước khá chậm và Chính phủ cần phải thích nghi nhanh hơn để bảo vệ cạnh tranh.
Chia sẻ nhận định này, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết Singapore đã có chiến lược cho cuộc cách mạng 4.0 trong khi Canada đang tính sửa luật cho taxi không người lái. “Tất nhiên rất đau đầu là vì cái mới có thể gây thiệt hại cho cái cũ, nhưng tôi cho rằng chúng ta rất chậm ứng xử với cách mạng 4.0", ông Hiếu bày tỏ.
Trình bày bài nghiên cứu cùng TS Nguyễn Đình Cung, Ths Nguyễn Thu Dung (CIEM) cho rằng, trong những năm qua, hoạt động trung gian kết nối trên nền tảng số đã nổi lên với nhiều lợi ích và được đánh giá là phù hợp với điều kiện của các nước khởi nghiệp công nghệ, như một hệ quả của sự ủng hộ và thúc đẩy cách mạng công nghệ 4.0. Do vậy chính quyền cần có thái độ phù hợp với việc định danh các mô hình kinh doanh mới.
Dẫn chứng phán quyết của Toà án công lý châu Âu cuối năm 2017 đã đưa ra phán quyết rằng dịch vụ do Uber cung cấp phải được phân loại là một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải, song bà Dung nhấn mạnh: “Với phán quyết mở như vậy, Uber có phải là taxi hay không là điều tôi không có quyền khẳng định, nhưng không phải vì thế mà chúng ta gán ghép cho nó là taxi”.
“Việc định danh các dịch vụ mới cũng cần đến một cuộc cách mạng đối với các quan điểm lỗi thời và trì trệ, dập khuôn trong tư duy quản lý Nhà nước. Sự khoan dung của chính quyền đối với các dịch vụ mới sẽ tạo điều kiện cho các khởi nghiệp công nghệ còn ít kinh nghiệm, vốn có thể tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia…”, bà Dung nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.