Số phận của Grab ra sao từ 1.4?

Mai Hà
Mai Hà
05/03/2020 10:15 GMT+7

Các loại hình xe công nghệ như Grab, Fastgo... sẽ phải lựa chọn mô hình hoạt động theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP . Nhưng ngược lại, doanh nghiệp được phép hoạt động ở các tỉnh thành, không chỉ bó buộc theo điều kiện thí điểm trước đây.

Liên quan đến việc Grab, Fastgo... sẽ được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, doanh nghiệp nào lựa chọn loại hình nào thì hoạt động và đăng ký theo loại hình đó.
Theo ông Đông, Nghị định 10 được ban hành để giải quyết những vấn đề bất cập, như việc các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, nếu chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải thì hoạt động như một doanh nghiệp kết nối vận tải; nếu có thêm các điều kiện như quy định giá cước, quản lý tài xế... thì đăng ký hoạt động như doanh nghiệp vận tải.
Nói cách khác, không có doanh nghiệp nào bị “xoá sổ”, mà doanh nghiệp được lựa chọn rất mở mô hình hoạt động sau khi dừng thí điểm (theo Quyết định 24 và Nghị định 86 trước đây).
Tuy nhiên, với những ứng dụng gây nhiều tranh cãi như Grab, việc Grab lựa chọn mô hình hoạt động nào và tuân thủ các quy định liên quan ra sao được khá nhiều người quan tâm.
Trên thực tế, Grab đang hoạt động tại Việt Nam với tư cách đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Tuy nhiên, trong hoạt động của ứng dụng gọi xe Grab có thêm các chức năng như điều hành phương tiện, lái xe và quyết định giá cước vận tải.
Với quy định mới này, Grab có thể sẽ phải đăng ký kinh doanh như một đơn vị vận tải, nếu muốn tiếp tục các chức năng hiện tại.

Bình đẳng hơn giữa taxi truyền thống và Grab

Đại diện Grab cho biết, doanh nghiệp này đang nghiên cứu các quy định mới của Nghị định 10 và sẽ báo cáo lên Bộ GTVT cũng như chuẩn bị các bước để thực hiện Nghị định.
Trước đó, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp taxi đang chịu tới 13 điều kiện kinh doanh, trong khi Grab hoạt động như doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải nên phải chịu ít điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, cạnh tranh không bình đẳng.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá Nghị định 10 đã “cởi trói” cho taxi truyền thống khi giảm đi rất nhiều điều kiện và giải quyết cơ bản những tranh cãi trước đây. Giữa xe công nghệ và taxi truyền thống hiện đã có sự bình đẳng trong kinh doanh.
Ông Long cho rằng, Nghị định 10 đã quy định khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước… thì được gọi là doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn trên thì được xem là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải.
"Nếu Grab chứng minh được chỉ cung cấp phần mềm kết nối thì sẽ hoạt động như doanh nghiệp phần mềm; nếu có các khâu tính giá, quản lý nhân viên… thì đăng ký kinh doanh vận tải. Theo tôi, điều này không gây sức ép nào lên doanh nghiệp”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.