'Sở hữu chéo ở các ngân hàng VN như ma trận'

28/10/2014 05:00 GMT+7

Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện giám sát về hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề nổi bật về tình trạng sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Thanh Niên đã phỏng vấn TS Trần Hoàng Ngân, thành viên ủy ban, xung quanh vấn đề này.


Ông Trần Hoàng Ngân - Ảnh: M.Q

* Sở hữu chéo ở các ngân hàng hiện có những vấn đề nghiêm trọng gì, thưa ông?

 

Ở các nước họ có nhưng tỷ lệ SHC ở NH nào của họ cũng công khai, có luật định rõ ràng. Còn ở ta, do chưa rõ nên bây giờ phải thể chế hóa. SHC là phải minh bạch nhưng ở ta nó thắt lại, rối lên, kèo cưa qua lại, như ma trận

- Việc xử lý tình trạng sở hữu chéo (SHC) cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH). Nhà nước cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều chính sách để xử lý vấn đề này. Trước mắt, chúng ta vẫn phải tập trung xử lý các NH yếu kém. 3 năm qua, việc loại bỏ ra khỏi hệ thống 7 trong số 40 NH là một bước đi quan trọng.

Trong hệ thống NH, đồng ý là có tình trạng SHC khá phức tạp nhưng không phải cái nào SHC cũng là tội cả. Có những cái chéo là đương nhiên trong kinh tế thị trường. Nhưng quả thật, có những SHC xoắn lại, thắt lại với nhau, không lành mạnh thì phải tìm cách tháo gỡ. Và hợp nhất, sáp nhập NH là một cách xử lý đã thực hiện. Trong thời gian tới, tôi nghĩ, sẽ phải làm nữa.

* Một loạt vụ việc sai phạm vừa qua xảy ra ở các NH, trong đó có nhiều lãnh đạo NH bị truy tố cũng phản ánh phần nào hệ quả của tình trạng để SHC trong hệ thống quá lâu?

- Thực ra, một khi sản xuất kinh doanh khó khăn, bất động sản đóng băng, nợ xấu vỡ ra… thì tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến tiền, đến NH. Cố gắng làm sao để minh bạch trong việc xử lý, đảm bảo an toàn của hệ thống. Nhưng tôi cũng mong là tránh hình sự hóa những việc không đáng hình sự hóa để nhân sự ngành NH làm việc tích cực hơn, không sợ rủi ro quá lớn trong hoạt động.

Ngay cả với vụ việc xảy ra ở OCEAN Bank thì tôi thấy bước đi, cách xử lý của NHNN là tốt vì nói chung, cần phải xử lý các NH yếu để đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống NH thì tình hình càng tốt lên thôi. Như vừa qua, xử lý 7 NH rồi nhưng trong và sau khi xử lý, hệ thống vẫn được đảm bảo và thực chất là đã ổn định, lành mạnh hơn trước. Khách quan mà nói, trong xử lý NH, chúng ta đang đi “đúng bài”. Tất nhiên, có một số NH sau khi sáp nhập hoạt động chưa được tốt lắm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và cần xử lý tiếp. Tình hình kinh tế hiện nay còn khó khăn nên câu chuyện còn phức tạp, nhưng tôi tin khi kinh tế phục hồi thì hoạt động, hệ thống NH cũng sẽ tốt lên.

* Một số tập đoàn, tổng công ty lớn đã thành lập, tham gia vào quá trình thành lập các NH, huy động vốn để tài trợ cho các dự án, chương trình đầu tư của họ và cũng là một tác nhân làm phức tạp tình trạng SHC ở các tổ chức tín dụng VN?

- Có tình trạng đó nên mấy năm qua, nhà nước đã phải xử lý bằng việc buộc nhiều tập đoàn phải tập trung thoái vốn. Nhưng việc này làm cũng chậm, như năm nay phải thoái 22.000 tỉ đồng nhưng đến nay mới thoái được 2.000 tỉ đồng thôi. Cái này là một yếu kém trong tái cơ cấu mà Quốc hội sắp tới cũng có một ngày thảo luận về chuyện này, tôi cũng sẽ có ý kiến cụ thể.

* Theo ông, SHC ở các NH VN có khác gì với SHC ở các NH ở nước ngoài?

- Ở các nước họ có nhưng tỷ lệ SHC ở NH nào của họ cũng công khai, có luật định rõ ràng. Còn ở ta, do chưa rõ nên bây giờ phải thể chế hóa. SHC là phải minh bạch nhưng ở ta nó thắt lại, rối lên, kèo cưa qua lại, như ma trận. Nên mới phải tháo dần từng bước.

Sở hữu chéo “méo mó” gây nhiều hậu quả

SHC là biện pháp thông thường ở NH các nước, nó hỗ trợ cho nhau trong hoạt động ở các NH. Tuy nhiên, ở ta SHC trong hệ thống NH có những thời điểm, có những vấn đề méo mó, lệch lạc. Chủ yếu do có những NH lợi dụng SHC để tạo nên yếu tố làm lợi cho mình, lợi ích cục bộ cho NH mình và thậm chí của một số cá nhân lãnh đạo NH. Cho nên, đôi khi có những vấn đề vi phạm pháp luật trong vấn đề SHC.

Tình trạng SHC ở các NH, các tổ chức tín dụng méo mó như vậy đã gây những hậu quả nhất định. Thứ nhất là nó làm cho dòng vốn NH nó méo mó đi, bị lợi dụng, không phát huy tác dụng trong huy động và sử dụng vốn. Thứ hai là nó làm cho quyền lợi không công bằng, làm cho một số người làm giàu, thu lợi bất chính. Thứ ba, làm cho khách hàng, doanh nghiệp mất lòng tin khi dòng vốn nó chỉ chảy vào một số lĩnh vực thôi. Việc lãnh đạo một số NH vừa qua có vi phạm pháp luật, phải xử lý cũng bộc lộ chỗ hổng của chúng ta trong kiểm tra, kiểm soát; có những vấn đề còn lỏng lẻo để người ta vượt qua khuôn khổ và vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, cũng đã có những động thái, có những chính sách để uốn nắn, chấn chỉnh vấn đề SHC ở khối NH. Nhưng theo tôi, cần làm cơ bản, hệ thống hơn. Luật pháp phải quy định rõ hơn về SHC, những việc được làm, những việc không được làm… Thứ hai, phải có quá trình kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những hoạt động đi ngoài quy định đó. Thứ ba, do liên quan đến nhiều NH, lĩnh vực, phải có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý NH, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu làm được cả 3 điều này, sẽ đưa hoạt động SHC giữa các NH theo đúng được quy định, đúng thông lệ quốc tế, giảm dần các rủi ro và khống chế được những vấn đề tiêu cực nảy sinh do việc SHC không đúng chuẩn mực gây ra.

Đại biểu QH Cao Sĩ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN

Mạnh Quân
(thực hiện)

>> Buộc ngân hàng lên sàn để giảm sở hữu chéo
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để sở hữu chéo, sân sau lũng đoạn ngân hàng
>> “Vòi bạch tuộc” lũng đoạn thị trường - Kỳ 4: Vốn ảo từ sở hữu chéo
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.