Sở Giao dịch vàng quốc gia

21/12/2010 00:26 GMT+7

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chính thức đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia. Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, ủy ban cũng đồng tình với đề xuất này và đang kiến nghị Chính phủ nghiên cứu để xây dựng trong 2011.

Sở này hoạt động như thế nào và có vai trò ra sao, thưa ông?

Theo đề xuất của BIDV, sở này sẽ hoạt động như sở giao dịch chứng khoán, đặt tại TP.HCM và Hà Nội. Nhà đầu tư sẽ mua bán vàng dưới dạng chứng chỉ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải lập ra một công ty cổ phần, theo dõi, điều hành các hoạt động của Sở Giao dịch vàng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cao để quản lý hoạt động kinh doanh này một cách chuyên nghiệp, hiện đại.

Việc thành lập Sở Giao dịch vàng sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhu cầu có thể đầu tư vàng một cách chính quy, có sự kiểm soát rủi ro của Nhà nước. Đồng thời, Sở Giao dịch vàng là nơi để cơ quan quản lý có thể thực hiện, giám sát và điều tiết thị trường vàng, có thể can thiệp thị trường.

Được biết, ngoài Sở Giao dịch vàng, Chính phủ đang xây dựng đề án quản lý thị trường vàng, đề án này thực hiện như thế nào?

Đúng thế, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NHNN và các cơ quan có liên quan đang tiến hành họp bàn để nghiên cứu thành lập đề án quản lý thị trường vàng. Hiện nay, vàng đang được điều hành theo cơ chế cấp quota nhập khẩu.

Tuy nhiên, biện pháp hành chính này chỉ có hiệu quả với thị trường có số lượng vàng nhỏ, còn với thị trường quá rộng lớn, lên tới hàng chục tỉ USD thì cơ chế trên có tác dụng rất hạn chế và nó càng làm cho tỷ giá căng thẳng hơn. Bởi vì, giá vàng trong nước luôn có chênh lệch dương so với giá vàng quốc tế, do đó, người ta càng lao vào nhập khẩu vàng để đầu cơ, kéo theo nhu cầu lùng sục ngoại tệ càng dữ dội và gây áp lực mạnh cho thị trường hối đoái.

Thị trường vàng liên thông với thế giới

Chúng ta có thể để thị trường vàng được hoạt động tự do, liên thông với thế giới, thưa ông?

Thị trường tự do, đồng nghĩa với việc ai muốn xuất thì xuất ai muốn nhập thì nhập, và cơ quan quản lý sẽ giám sát bằng cách khác - giám sát như một nguồn vốn từ bên ngoài vào và bên  trong ra. Khi đó sẽ không có sự chênh lệch quá lớn của giá vàng trong nước và thế giới để tạo ra một lợi nhuận hấp dẫn các nhà đầu cơ. Như vậy, các nhà đầu cơ sẽ không có nhu cầu mua vét ngoại tệ để nhập khẩu vàng, làm giảm áp lực với thị trường hối đoái.

Vì sao chúng ta không để thị trường hoạt động tự do, nếu để chúng ta mất gì?

Trước nay chúng ta vẫn phải khống chế, sử dụng quota vì lo ngại xuất - nhập quá thoải mái sẽ mất nhiều ngoại tệ, khó quản lý. Nhưng điều đó theo tôi chưa chắc và cần phải tính toán lại. Cần phải có khảo sát về quy mô thị trường để biết được áp lực vàng lên thị trường hối đoái như thế nào, lớn hay nhỏ. Khi đó, mới khẳng định được áp dụng biện pháp nào hữu hiệu trong ngắn và dài hạn.

Ngoài ra, để thị trường tự do, cơ quan quản lý sợ rằng khó giám sát kinh doanh vàng tài khoản, tức là dựa trên các chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể phát hành chứng chỉ vàng như ở ta nghĩ. Ở các nước, một công ty nào đó phát hành chứng chỉ vàng (vàng trên giấy) phải có vàng bảo chứng. Ngân hàng T.Ư cho phép và nắm được số lượng thực, không bao giờ cho phép phát hành vượt quá vàng bảo chứng.

Trước đây, ông có dẫn một số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, công bố Việt Nam hiện đang là quốc gia sở hữu 1.000 tấn vàng. Cơ sở nào để khẳng định điều này?

Theo quy định của Hội đồng Vàng thế giới, tất cả các quốc gia bán và mua vàng đều phải có hóa đơn. Ở nước ngoài, đó là chuyện bình thường, chỉ cần nhìn vào hóa đơn biết được mua - bán bao nhiêu. Tôi đã gọi điện sang hỏi một lãnh đạo của Cục Thống kê, và họ cho biết số liệu thống kê đó, đây là con số thống kê trên toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam. Theo tôi, nó hoàn toàn có cơ sở, vì vận chuyển vàng có thể lậu, chứ hóa đơn mua - bán thì rất khó.

Ngoài ra, theo điều tra của tổ chức JAICA (Nhật Bản), vào cuối 1990-1991 và 2003, dân chúng VN để tiết kiệm bằng vàng lên tới 45% tổng tiết kiệm của dân cư. Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm có những năm chiếm 37% GDP, 45% của 37% cũng lên tới hàng tỉ USD. Điều tra gần đây nhất của JAICA, tỷ lệ tiết kiệm gửi ngân hàng tăng lên, vàng giảm xuống nhưng vẫn ở mức trên dưới 30% của tổng tiền gửi tiết kiệm, tương đương 10% GDP.

 Cảm ơn ông!

Anh Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.