Siêu thị tóc, cửa hàng thú cưng... lên sàn gọi vốn: Cảnh giác lãi suất cao

Mai Phương
Mai Phương
28/08/2018 11:14 GMT+7

Một số công ty giải thích trả lãi cao gấp nhiều lần lãi suất tiết kiệm trong ngân hàng là nhằm "gom" đủ số lượng nhà đầu tư để trở thành công ty đại chúng, niêm yết lên sàn chứ mục tiêu lớn nhất không phải là... vốn.

Một số dự án gọi vốn đưa ra cam kết trả lãi cho nhà đầu tư từ 22 - 35%/năm theo số tiền và thời gian góp.
Lãi suất 35%/năm
Công ty cổ phần Tập đoàn Vsetgroup (trụ sở tại TP.HCM) đang chào bán 1.000 cổ phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng/cổ phiếu nhằm mục tiêu huy động vốn 10 tỉ đồng. Theo giới thiệu, toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ này sẽ được dùng để xây dựng trụ sở mới cho công ty. Trước đó, vào tháng 6.2018, công ty cũng đã thực hiện huy động 10 tỉ đồng bằng cổ phiếu với thông tin phát hành tương tự nhưng để bổ sung vốn lưu động vào việc thực hiện các dự án.
Trao đổi qua điện thoại với một nhân viên tư vấn trên T. của Vsetgroup, chúng tôi được nhấn mạnh nếu đầu tư 1 tỉ đồng hằng tháng sẽ nhận được mức lãi 28 triệu đồng; nếu nhận lãi theo quý thì nhận được 89 triệu đồng (3 tháng). Nếu để nhận lãi cuối năm thì tổng số tiền lãi là 350 triệu đồng, tương ứng 35%/năm. Gói đầu tư tối thiểu cho một nhà đầu tư là 30 triệu đồng. Sau 2 năm, công ty sẽ hoàn trả lại vốn cho nhà đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận cổ phiếu. Dự kiến sau đợt phát hành này, công ty sẽ tiếp tục đợt huy động vốn thứ 3 vào cuối năm nay. Nhưng khi đó chắc chắn mức lãi sẽ thấp hơn nhiều, chỉ còn khoảng 50% so với hiện nay. Tham gia góp vốn nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua cổ phiếu và sau đó được cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần. Mức cổ tức cam kết trên cũng được ghi rõ trong hợp đồng.
Khi chúng tôi thắc mắc, để trả nhà đầu tư mức lãi suất  “khủng” như vậy, sao doanh nghiệp không vay vốn từ ngân hàng sẽ rẻ hơn? Công ty có nguồn thu từ đâu để đảm bảo trả lãi suất cho nhà đầu tư? Nhân viên T. nhấn mạnh: Công ty mong muốn sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng hiện nay chưa đủ điều kiện về số lượng cổ đông tham gia (công ty lên niêm yết phải là công ty đại chúng với lượng cổ đông tối thiểu 100 người - PV). Vì vậy việc phát hành cổ phiếu ưu đãi lãi suất như trên là nhằm mục tiêu thu hút được số đông nhà đầu tư tham gia. Hiện Vsetgroup có nguồn thu từ dự án phát triển thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt hộp đen cho khoảng 2.000 xe vận tải và mức phí khu được khoảng 20 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, công ty con là Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Gia Khang quản lý 15.000 đầu xe để cấp phù hiệu và doanh thu được khoảng 15 tỉ đồng/năm. Sắp tới tập đoàn sẽ khai trương Công ty xây dựng Trương Gia nên nguồn thu sẽ ngày càng gia tăng.
“Nhà đầu tư đến với công ty để tạo niềm tin. Sau này còn có những dự án lớn hơn sẽ cùng nhau họp lại và mức lợi nhuận được chia sẽ lớn hơn nhiều. Công ty không phải huy động vốn nên không quan trọng là đầu tư ít hay nhiều. Đợt 1 phát hành đã có 46 cổ đông tham gia và đợt 2 này vẫn chưa nhiều vì do là tháng cô hồn nên nhiều nhà đầu tư chưa góp vốn…”, nhân viên T. cho biết.
Tương tự, dự án “Sàn kết nối tài chính Việt” được giới thiệu trên sàn gọi vốn do Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư S86 trụ sở tại Hà Nội công bố cần huy động 25 tỉ đồng để xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu đến với nhiều đối tượng khách hàng trên toàn quốc. Đây là công ty vận hành website cho vay ngang hàng (P2P) với doanh thu kế hoạch 1 tỉ đồng/tháng và tỷ suất lợi nhuận trung bình 25%/tháng.

Thử hỏi ngân hàng đang cho vay với lãi suất 11 - 12%/năm mà các doanh nghiệp vẫn kêu khó thì sao có công ty lại đi huy động vốn với lãi suất lên 35%/năm? Kiểu cho vay tín chấp lãi suất cao này quá rủi ro cho người tham gia

Chuyên gia Đinh Thế Hiển

Trong phần quyền lợi của nhà đầu tư, công ty này cũng cam kết trả lãi suất cố định từ 20 - 35%/năm tùy thuộc vào số tiền và thời gian góp vốn. Đầu tư tối thiểu 30 triệu đồng và thời gian từ 9 tháng trở lên. Ví dụ đầu tư 500 triệu đồng trong thời gian 9 tháng, nếu nhận lãi hằng tháng thì nhà đầu tư được trả 22%/năm; nếu nhận lãi cuối kỳ sau 9 tháng thì được trả 28%. Cùng đầu tư 500 triệu đồng nhưng thời gian lên 18 tháng thì nhận lãi hằng tháng là 26%/năm và mức lãi cuối kỳ lên đến 35%/năm.
Trả lời nghi vấn xoay quanh mức cam kết lãi suất và khả năng mất chi trả của công ty, nhân viên tư vấn của sangoivon.vn khẳng định khi tiếp nhận các dự án, phía sàn đã có thẩm định kỹ. Tuy nhiên, mọi thỏa thuận và hợp đồng giữa nhà đầu tư với công ty nhận vốn hoàn toàn do hai bên thực hiện, đơn vị trung gian kết nối ở giữa không chịu trách nhiệm? “Dự án này khả thi vì công ty đã hoạt động và có một số nhà đầu tư đã tham gia. Mức lãi suất cho vay khá cao như cho vay 1 triệu đồng có lãi 2.000 - 3.000 đồng/ngày (tương ứng 9%/tháng - PV) nên lợi nhuận cao, dư sức trả lãi cho nhà đầu tư”, nhân viên tư vấn này cho biết thêm.
Quá rủi ro
Chuyên gia đầu tư Phan Dũng Khánh tỏ ra khá ngạc nhiên với việc cam kết lãi suất lên đến 35%/năm của các dự án trên. Đặc biệt theo ông Khánh, với hoạt động của lĩnh vực như gắn thiết bị định vị, camera, cấp phù hiệu… trên xe tải, xe hơi như Vestgroup thì ngay cả những đơn vị hoạt động lâu năm cũng cho biết khó có thể đạt được mức lợi nhuận như trên. Hay việc cho vay P2P cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về việc người vay không trả nợ, người cho vay bị phá sản. Do vậy việc cam kết lãi suất cao chỉ là “lời hứa trong tương lai” và người bỏ tiền cho vay phải chịu mất tiền nếu chủ dự án không có tiền trả lãi. “Nghe lời hứa lãi suất cao sẽ khiến nhiều người thấy mê nhưng phải tự hỏi có dám đưa tiền cho công ty đó không? Ban lãnh đạo công ty có biết là ai không? Cần suy nghĩ kỹ để tránh mất tiền”, chuyên gia Phan Dũng Khánh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích thêm: Việc gọi vốn đầu tư mà cam kết lãi suất cố định ở mức cao giống như “chơi hụi”. Bản thân các ngân hàng khi cho vay đều yêu cầu người đi vay phải đưa ra tài sản thế chấp và đồng thời chứng minh được thu nhập để phòng ngừa rủi ro nợ xấu. Vì vậy khi góp vốn vào các dự án này thì tài sản thế chấp là gì? Nếu cho vay bằng niềm tin thì những người chơi hụi, tham gia góp vốn chỉ thực hiện với những người thân quen mà đôi khi cũng mất tiền rồi không biết kêu ai.
“Trong giai đoạn khi một số kênh đầu tư đang gặp khó và nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tìm kiếm một kênh sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng thì hoạt động gọi vốn đầu tư sẽ phát triển. Thử hỏi ngân hàng đang cho vay với lãi suất 11 - 12%/năm mà các doanh nghiệp vẫn kêu khó thì sao có công ty lại đi huy động vốn với lãi suất lên 35%/năm? Kiểu cho vay tín chấp lãi suất cao này quá rủi ro cho người tham gia”, chuyên gia Đinh Thế Hiển khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.