Siêu cây cảnh” có giá “trên trời”: Ai bán, ai mua?

18/01/2012 12:23 GMT+7

Các chuyên gia Nhật Bản, nơi chơi cây cảnh tinh túy bậc nhất thế giới, khi dự hội thảo về cây cảnh nghệ thuật ở Việt Nam đã choáng váng khi nghe tin có những cây cảnh ở VN được mua bán, định giá  đến cả chục tỉ VND, thậm chí hàng triệu USD.

Rồi chuyện cây cảnh được gạ bán, đổi chác lấy xe hơi, nhà lầu không ít ở VN… Thông tin cứ thế lan truyền, đồn thổi cả trên báo chí - nhất là báo mạng - nhưng thực hư chuyện bán, mua thế nào thì chưa ai tỏ tường. Nhà báo lão thành Đỗ Phượng - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh VN, nghe chuyện này cười nhỏ nhẹ: “Chỉ nghe thế, chứ đã thấy ai bán, ai mua?”.

Thực hư về những “siêu cây cảnh” bạc tỉ

Hai từ “náo loạn” được giới báo chí cho là rất phù hợp, khi mô tả quang cảnh diễn ra quanh “siêu cây sanh” đặt ở khuôn viên Bảo tàng Hà Nội, dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10.2010. Cây sanh có cái tên dân dã mang tính ẩm thực “mâm xôi con gà” này của đại gia Nguyễn Trung Thành, thường được giới chơi cây gọi là Thành “vàng”, bởi ông có một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở TP. Việt Trì (Phú Thọ).

 
Chen nhau chụp ảnh “siêu cây cảnh” - Ảnh: TL

Suốt những ngày diễn ra triển lãm sinh vật cảnh, quanh Bảo tàng Hà Nội kẹt cứng người, lực lượng bảo vệ, công an phải làm việc cật lực mới ngăn được dòng người xô đẩy, mong được vào ngắm cái cây “mâm xôi con gà”. Người ta bàn tán xôn xao, í ới hỏi nhau: “Cái cây 120 tỉ đồng đặt ở chỗ nào?”.

Cách đây vài năm, siêu cây cảnh “mâm xôi con gà” này đã nổi danh thiên hạ, khiến nhiều người choáng váng, khi chủ nhân của nó tuyên bố có người trả 1,2 triệu USD. Với tuyên bố này, cây sanh của ông Thành “vàng” đã lọt vào tốp những cây cảnh bạc tỉ. Khi đó, lắm người ngưỡng mộ vì giá trị của nó, song cũng lắm người mỉa mai: “Cây dát bằng vàng à!”. Chẳng biết giá trị thật của nó thế nào, nhưng cứ có cái con số 1,2 triệu đô treo lơ lửng trên cành, thì người ta ùn ùn đổ về xem.

Mới đây, tên tuổi ông Thành “vàng” Việt Trì lại một dịp nổi lên, khi có thông tin, chủ sở hữu huyền thoại “mâm xôi con gà” lại vừa “xuống tay” gần chục tỉ đồng để đổi lấy hai cây cảnh: cây sanh “ngai vàng” và cây ổi “phượng vũ”. Trong đó, cây ổi được ông mua với giá 2 tỉ đồng bằng “tiền tươi thóc thật”, còn cây sanh “ngai vàng” được ông “sang ngang” sáu lô đất biệt thự ở TP. Việt Trì. Tuy nhiên thực hư giá cả của vụ mua bán này thế nào thì cũng chỉ là từ ông Thành nói thế!

 Từ cách đây vài năm, một “siêu cây cảnh” khác cũng khiến nhiều người choáng, đó là cây tùng có tên “ông Bụt” của anh Phan Văn Toàn cũng ở TP. Việt Trì. Sở dĩ “đại cổ tùng” này có giá 1,2 triệu USD là bởi theo chủ nhân nó thì cây tùng có tuổi tới 500 năm! Chẳng biết cái giá 1,2 triệu  USD kia thật giả thế nào, tuổi tác cây chuẩn xác đến đâu, nhưng với Phan Văn Toàn, một triệu phú đôla Mỹ, mà xứ Việt Trì ai cũng nghe tên, thì “siêu cổ tùng” của anh là vô giá.

Hỏi chuyện, Toàn “đôla” cười sảng khoái bảo: “Đấy là có đại gia trả giá 1,2 triệu đôla, chứ tôi có bán đâu?”. Toàn “đôla” tuyên bố, anh đang có nhiều cây cảnh đắt tiền nhất VN và không có đối thủ chơi cây cảnh nào có thể sánh được, đẹp nhất thì có hai cây, gồm cây tùng “ông Bụt” và cây sanh “dáng làng”. Cây sanh “dáng làng” 200 năm tuổi (cũng là chủ nhân tự nói thế) đã được một đại gia trả tới 22 tỉ đồng nhưng anh chưa bán, bởi anh không cần tiền!

Giới chơi cây cũng râm ran kể chuyện, hồi cuối năm 2006, ông Nguyễn Gia Thọ (Thọ “nhựa”, chủ hãng nhựa Song Long - trụ sở ở Hưng Yên) bí tiền nên đã bán cây tùng La hán độc nhất với giá gần 5 tỉ đồng cho anh Quân “Nghi Tàm” (Hà Nội). Sau khi bán “kỳ mộc” đã gắn bó với mình mấy chục năm trời, đại gia Thọ mất ăn mất ngủ vì… nhớ cây. Cuối cùng, ông đã bỏ thêm tiền để chuộc lại cây tùng La hán này.

Tuy nhiên, đưa về nhà một thời gian, cây héo rũ rồi chết. Giới chơi cây đồn rằng, do ông Thọ “nhựa” bán cây tâm huyết của đời mình, nên bị mất lộc. Rồi chuyện ông Ba Duy (Long Biên - Hà Nội) suýt bán mất cây sanh quý. Một đại gia ở tận Thanh Hóa ra trả giá cây sanh của ông Ba Duy 2 tỉ đồng. Ông Ba Duy đã nhận tiền đặt cọc, nhưng rồi tự ông lại phá hợp đồng, không bán nữa. Không phải đại gia này đòi thêm tiền, mà vì Thanh Hóa xa quá, mỗi lúc nhớ cây muốn đi thăm rất vất vả!

Có rất nhiều những câu chuyện như thế, nhưng vẫn chỉ là lời đồn đại trong giới chơi cây, chứ chưa có gì để chứng minh sự sát thực.

Cây cảnh quý không mang thương mại

Lịch sử chơi cây cảnh lâu đời trên thế giới cho thấy, các cây cảnh cổ, quý không  mang tính thương mại. Ở nước ta xưa cũng vậy, chỉ có hoa và lan là thương mại - có thể mua, bán chứ cây cảnh quý thì không ai bán bao giờ. Trên thế giới người ta chỉ thấy bán những cây cảnh thường (loại từ dăm đến vài chục ngàn USD), chứ các cây cổ, đẹp, quý đều là cây gia bảo – gia truyền thì không ai bán. Đã thành quy định, Hội Cây cảnh ở Nhật Bản (Bonsai Nhật Bản) bao giờ cũng do Nhật hoàng làm Chủ tịch, các cấp phó thì bầu chọn. Các thành viên của họ yêu, chơi, làm cây cảnh để cho mình ngắm, bạn bè thưởng ngoạn chứ không bao giờ đem bán.

 
Một người chơi cây cảnh - Ảnh: hoàng hà

Theo Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Đỗ Phượng, từ năm 2005 - nhân 15 năm thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam - ta tổ chức Festival Hoa Đà Lạt, thì từ đó các cuộc trưng bày hoa, cây cảnh được mở ra thường xuyên hơn, dân chúng quan tâm hơn. Tại các lễ hội, khu vực trưng bày sinh vật cảnh luôn là nơi có đông người tham quan nhất. Trưng bày, từ đó đẻ ra chuyện trao đổi và mua bán cây cảnh.

 Tuy nhiên những cây quý, cây gia bảo thì rất ít người bán. Có những người phải bán là để lấy tiền chi phí cho vận chuyển, chi tiêu vào tham gia triển lãm, nhưng cũng chỉ là bán những cây nhỏ, giá trị không cao. Về chuyện những cây cảnh có giá… trên trời, nhà báo Đỗ Phượng cho rằng có yếu tố tâm lý, do có người mua cây cảnh về chơi thấy từ đó làm ăn, kinh doanh phát đạt, thuận buồm xuôi gió nên có tiền thì sưu tầm, mua tiếp mang về nhà, mong làm ăn phát đạt hơn, lộc đến nhà nhiều hơn.

Thế nhưng số người bỏ tiền tỉ ra mua cây cảnh về chơi thì không nhiều. Rồi cũng theo ông, giá trên trời cũng có cả yếu tố tiêu cực, khi các chủ doanh nghiệp, Cty, nhà hàng, khách sạn, bằng tiền của tập thể, mua cây cảnh trưng bày vừa làm sang cho đơn vị, mà lại còn có thể kiếm chác thêm. Ngoài ra cũng là vấn đề bình thường của xã hội, cây cảnh được nói vống lên, đồn thổi với giá trên trời còn là do thói chơi ngông, khoe khoang khoác lác của một số trọc phú thời nay.

Tuy nhiên thực tế đã và đang có một số người giàu lên mua thêm đất đai, cho con về Hà Nội học, hay sắm được xe hơi, nhà lầu… là nhờ kinh doanh cây cảnh, nhưng họ không thuộc số các đại gia bán cây với giá “trên trời”, họ là những người làm nghề trồng cây cảnh - một nghề đòi hỏi hết sức công phu, cần mẫn, tâm huyết và có văn hóa.

Theo giới sành chơi cây cảnh, để có được một cây cảnh đạt đến độ “chân - thiện - mỹ” có giá hàng tỉ đồng là rất khó, kỳ công và phải qua thời gian dài thậm chí là phải nhiều đời.

Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt chơi hoa - cây cảnh đã có từ ngàn xưa. Đây là một thú chơi tao nhã bậc nhất, từ bác nông dân đến vương hầu khanh tướng, từ kẻ mù chữ đến bậc thức giả, từ lớp trẻ đến những người tuổi đã xế chiều.  Học giả Đào Duy Anh viết: “Cách chơi cảnh cũng là một lối tiêu khiển lý thú. Người ta thường xây bể cạn, đắp non bộ, xung quanh trồng các cây cối cỏ hoa, ở trong chậu sành…” (Việt Nam Văn hóa Sử cương). Nhà nghiên cứu Lê Văn Siêu trong cuốn “Văn minh Việt Nam” nhận định, đây là “cái thú thoát tục, cái thú quên những phiền muộn của cuộc sống hiện tại, quên những ràng buộc vật chất và tinh thần…”.

Giờ thì hình như không thế. Phần lớn không “thoát tục”. Lại cũng chẳng mấy “tiêu khiển lý thú” đúng nghĩa mà rất trần tục, mánh mung, khoe mẽ, ra vẻ “đẳng cấp”…

Thú chơi hoa - cây cảnh đã đầy sự dung tục thị trường của không ít kẻ ô trọc, đại gia thời buổi nhiễu nhương này.   

Y. T

Theo Lao Động cuối tuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.