“Siết” phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
30/01/2021 06:15 GMT+7

Theo một số nghị định vừa được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 thì việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn.

Tăng trưởng cao

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2020 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành thành công là 368.000 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Các tổ chức tín dụng (TCTD) và công ty bất động sản vẫn là 2 loại hình có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất, tương ứng khoảng 84.000 tỉ đồng và 71.000 tỉ đồng, chiếm lần lượt 34% và 29% tổng giá trị phát hành năm 2020. Năm 2020, ngoài nhóm các doanh nghiệp (DN) bất động sản, các DN còn lại nhìn chung đều có khối lượng trái phiếu huy động giảm so với 2019. Tính từ tháng 1 - 11.2020, có 3 đợt phát hành TPDN ra nước ngoài thành công với tổng giá trị 185 triệu USD với kỳ hạn bình quân là 5,81 năm.

Cấp tín dụng tạm thời theo quý

Trước thông tin NHNN cấp hạn mức tín dụng cho các TCTD theo quý, đại diện NHNN cho hay việc cấp tín dụng cho các ngân hàng thương mại quý 1 ở mức 3 - 4% chỉ là tạm thời khi chưa tính được tín dụng cả năm ở mức nào là hợp lý.
Thời gian qua, các ngân hàng liên tục được cảnh báo kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đặc biệt những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Do đó tốc độ huy động trái phiếu của DN ngày càng mạnh trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN theo Bộ Tài chính đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020. Trong năm 2020, khối lượng phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước tăng 29% so với 2019 đạt khoảng 430.000 tỉ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với 2019. Thế nhưng thị trường trái phiếu những tuần đầu năm 2021 trở nên yên ắng hơn khi các quy định mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.

Quan trọng là minh bạch

Sau nhiều lần cảnh báo, khuyến nghị nhà đầu tư rủi ro khi tham gia vào TPDN trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định quy định liên quan đến TPDN gồm Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của luật Chứng khoán, trong đó có quy định về phát hành TPDN ra công chúng và Nghị định số 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các quy định được đề cập trong nghị định trên tạo khung pháp lý, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn TPDN và có những điều kiện phát hành “gắt” hơn trước.
Chẳng hạn Nghị định 153/2020, đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của luật Chứng khoán. Do đó không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia vào mua TPDN riêng lẻ như trước đây. Theo luật Chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thay vì chỉ có nhà đầu tư tổ chức như trước. Trong đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỉ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế ít nhất 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, DN muốn phát hành TPDN riêng lẻ phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, có báo cáo tài chính năm trước đó được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Trường hợp DN phát hành trái phiếu nhiều đợt, thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên…
Thực tế các TCTD không những là đơn vị phát hành trái phiếu lớn, mà cũng là đơn vị tham gia mua trái phiếu của DN khá nhiều trong thời gian qua. Chính vì vậy năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra dự thảo sửa đổi quy định về việc các TCTD mua bán TPDN theo hướng “siết” hơn. Cụ thể, TCTD không được vay vốn của TCTD khác để mua TPDN, TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của DN phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua - quy định này nhằm hạn chế các TCTD không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành…
Thế nhưng, thông tư sửa đổi này chưa được ban hành. Đại diện NHNN cho biết Chính phủ vừa mới ban hành các nghị định liên quan đến TPDN nên NHNN sẽ rà soát lại các quy định của thông tư sửa đổi phù hợp với những quy định đề cập tại nghị định trước khi ban hành.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO, cho rằng DN vay vốn đã gặp nhiều khó khăn rồi mà trước hàng loạt quy định “siết” phát hành trái phiếu, DN sẽ còn khó khăn hơn. Nền kinh tế phát triển không phải dựa vào vốn vay ngân hàng mà là thị trường tài chính, phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, trong đó cần khuyến khích phát hành trái phiếu. Khi trái phiếu bị “siết”, DN có thể vay những cá nhân, tổ chức khác bên ngoài để huy động vốn. Quan trọng nhất của việc phát triển thị trường TPDN đó là tính minh bạch thông tin chứ đừng sợ DN huy động lãi suất cao. Trong trường hợp DN thông tin không chính xác, có dấu hiệu lừa đảo trong huy động vốn thì xử phạt nặng, có thể hình sự để răn đe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.