Siết danh mục, giám sát chặt chẽ mua bán doanh nghiệp

18/05/2020 06:25 GMT+7

Bên cạnh việc đảm bảo thu hút vốn FDI, nhiều quốc gia kiểm soát chặt, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến năng lượng, tài chính , an ninh quốc gia để hạn chế làn sóng thâu tóm của các DN nước ngoài.

Mới đây, Nhật Bản đã lên một danh sách 518 DN bắt buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn về đầu tư nước ngoài. Đây là những DN được coi là trọng yếu đối với an ninh quốc gia, hoạt động trong 12 lĩnh vực, từ dầu mỏ, đường sắt, đến viễn thông và an ninh mạng… Theo đó, thay vì 10% như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần mua từ 1% cổ phần trở lên tại các DN Nhật Bản thuộc 12 lĩnh vực quy định phải chịu sàng lọc về nguyên tắc mới được phép sở hữu cổ phần.
Ở Tây Ban Nha, kể từ ngày 17.3 nhà đầu tư bên ngoài EU phải được chính phủ nước này phê duyệt nếu muốn kiểm soát hơn 10% cổ phần một công ty địa phương trong các lĩnh vực chiến lược. Chính phủ Tây Ban Nha áp dụng chính sách hỗ trợ và bảo vệ các công ty trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, quốc phòng và công nghệ cho đến hết năm nay để giúp họ duy trì hoạt động, tránh nguy cơ bị thâu tóm. Ba Lan, Đức và Ý cũng có chính sách gần giống Tây Ban Nha.
Trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag (Đức) ngày 17.5, ông Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện Châu Âu, kêu gọi EU ban hành lệnh cấm 12 tháng đối với nhà đầu tư TQ muốn mua lại công ty châu Âu.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết Bộ KH-ĐT đã có báo cáo lên Chính phủ về nguy cơ thâu tóm DN nội, sau khi đã kịp thời nghiên cứu, tham khảo các biện pháp mà nước ngoài đang áp dụng để bảo vệ DN nội địa. Bộ cũng làm việc với các bộ, ngành để có những biện pháp cụ thể hạn chế thâu tóm, chuẩn bị nội dung tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Theo ông Hoàng, với những DN hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn, cần phải có sự kiểm soát.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, với các dự án liên quan tới an ninh quốc gia như năng lượng, tài chính thì một mặt khuyến khích thu hút đầu tư khơi thông vốn, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, Chính phủ cần lập danh sách lĩnh vực trên, giám sát chặt các thương vụ mua bán, sáp nhập với tỷ lệ khoảng từ 5 - 10%.
Báo cáo một số nội dung lớn của dự án luật Đầu tư sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 9 tới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Dự thảo luật cũng đưa ra điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài gồm: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; hình thức đầu tư; phạm vi hoạt động đầu tư; năng lực của nhà đầu tư…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.