Siết chặt sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu

06/08/2013 03:20 GMT+7

Cục An toàn thực phẩm vừa gửi văn bản đề nghị kiểm tra chặt các sản phẩm có chứa Whey protein concentrate nhập khẩu từ New Zealand.

Liên quan đến sự cố sữa Similac GainPlus Eye-Q cho trẻ 1 - 3 tuổi nghi nhiễm khuẩn Clostridium Botulinum, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), thuộc Bộ Y tế, ngày 5.8 cho biết Công ty Abbott tại Việt Nam và Công ty TNHH dinh dưỡng 3A (nhà nhập khẩu) đã thu hồi 10.135 thùng trong số 12.927 thùng Similac GainPlus Eye-Q được đưa ra thị trường. Cùng ngày, Cục ATTP lại có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Danone Việt Nam dừng lưu thông và khẩn trương thu hồi lô sản phẩm được cảnh báo nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clotridium botulinum. Lô sản phẩm này là: thực phẩm công thức dinh dưỡng Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, loại 800 gr. Sản phẩm có số lô 300513R1 sản xuất ngày 30.5.2013 bởi Công ty Danone Dumex (Malaysia).

 Sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu chứa bột Whey protein đang bị siết chặt kiểm tra về chất lượng
Sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu chứa bột Whey protein đang bị siết chặt kiểm tra về chất lượng - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Cục trưởng Cục ATTP Trần Quang Trung, đây là sự cố sữa có số lượng bị thu hồi lớn nhất tại Việt Nam được ghi nhận trong nhiều năm qua. Công ty Fonterra - New Zealand (công ty cung cấp sản phẩm bột Whey protein concentrate bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinums) có thị phần lớn, cung cấp nguyên liệu sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng đến nhiều quốc gia. “Vì vậy không loại trừ khả năng vẫn còn sản phẩm bị nghi nhiễm vi khuẩn độc Clostridium Botulinum được cảnh báo”, ông Trung lo ngại. Để tăng cường kiểm soát chất lượng, Cục ATTP đã có văn bản gửi các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu đề nghị kiểm tra chặt các sản phẩm có chứa Whey protein concentrate nhập khẩu từ New Zealand. Trường hợp phát hiện chỉ tiêu nói trên trong sản phẩm, đề nghị báo cáo ngay về Cục ATTP để  giải quyết kịp thời.

Mẫu sữa Similac GainPlus Eye-Q thuộc lô nghi nhiễm đã được lấy mẫu xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định có hay không tình trạng nhiễm vi khuẩn Clotridium Botulinum. “Nếu phát hiện sẽ nâng mức cảnh báo. Trường hợp xét nghiệm xác định không nhiễm khuẩn, các lô sản phẩm đã bị thu hồi, vẫn dừng lưu hành”, ông Trần Quang Trung khẳng định.

Cục ATTP khuyến cáo Clotridium Botulinum (C. Botulinum) là vi khuẩn cực độc khả năng sống sót cao. Vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố trong điều kiện bảo quản lạnh. Bệnh lý của C. Botulinum gây ra cho người do nhiễm độc của vi khuẩn C.Botulinum với biểu hiện hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp tính; nhiễm độc thần kinh có liệt mềm. Bệnh diễn biến nhanh và có thể tử vong. Vi khuẩn bị diệt ở 60 độ C trong 30 phút và bởi các hóa chất khử trùng thông dụng; để khử độc tố cần đun sôi 100 độ C ít nhất 15 phút; để diệt nha bào (bào tử) vi khuẩn cần đun ở 100 độ C ít nhất 1 giờ.

Fonterra bị tố trì hoãn công bố vụ nhiễm khuẩn

Thủ tướng New Zealand John Key ngày 5.8 cáo buộc Công ty sữa Fonterra đã trì hoãn công bố thông tin thành phần Whey protein nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum. Ông Key lập luận trên Đài phát thanh New Zealand rằng Whey protein “bẩn” được sản xuất vào tháng 5.2012 và kết quả kiểm nghiệm đã cho thấy “có gì đó”, nhưng Fonterra vẫn đưa chúng ra thị trường và đến cuối tuần rồi mới công bố thông tin nhiễm khuẩn. Cùng ngày, Giám đốc điều hành Theo Spierings của Fonterra lên tiếng xin lỗi về vụ việc nhưng bác cáo buộc trên.

Trong khi đó, chi nhánh Coca-Cola tại Trung Quốc đã thừa nhận sử dụng 25 kg Whey protein nhiễm khuẩn để sản xuất nước trái cây Minute Maid, theo AFP. Coca-Cola khẳng định Minute Maid vẫn an toàn cho sức khỏe người dùng vì nó được sản xuất ở nhiệt độ rất cao. Tuy nhiên, công ty vẫn thu hồi sản phẩm bị nhiễm.

Văn Khoa

Liên Châu

 

>> Vụ 'sữa nhiễm khuẩn vào VN': Thu hồi thêm sản phẩm Dumex Gold
>> Vụ 'sữa nhiễm khuẩn vào VN': Đã thu hồi hơn 10.000 thùng
>> Tiếp tục thu hồi sữa nghi nhiễm khuẩn
>> Trung Quốc ngưng nhập bột sữa của New Zealand?
>> Vụ 'sữa nhiễm khuẩn vào VN': Sữa Karicare cũng nhiễm khuẩn
>> New Zealand cảnh báo sữa nhiễm khuẩn vào Việt Nam
>> Fonterra tìm thấy vi khuẩn gây ngộ độc thịt trong thành phần sữa
>> Tăng giá, sữa ngoại đang bắt nạt người tiêu dùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.