Siết chặt quản lý về an toàn điện, giảm tai nạn đáng tiếc

29/06/2016 10:21 GMT+7

Mặc dù Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) luôn tăng cường siết chặt quản lý nhưng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vẫn đang là một thực trạng nhức nhối tại 21 tỉnh, thành phía Nam.

Khi an toàn lưới điện bị xem thường
Theo thống kê của EVN SPC, năm 2015 vừa qua, tình hình sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân diễn biến khá phức tạp. Có đến 78 vụ sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp gây ra; trong đó lưới điện 110 kV 16 vụ, lưới điện 22 kV 62 vụ. Đặc biệt, tình hình tai nạn điện cũng nhức nhối không kém. Tại 21 tỉnh, thành phía Nam đã xảy ra 145 vụ, làm chết 114 người và bị thương 40 người, tập trung nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre.
Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết nguyên nhân các vụ tai nạn điện chủ yếu do người dân chủ quan, xem nhẹ việc chấp hành quy định về an toàn điện dẫn đến vi phạm HLATLĐ cao áp, như: lắp đặt ăng ten tivi, bảng hiệu quảng cáo; xây dựng, cải tạo nhà ở; thi công công trình; chặt cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện và sử dụng điện không an toàn ở các khu vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; sử dụng điện để rà cá, bẫy chuột...
Trước thực trạng này, ngay từ đầu năm 2016, EVN SPC đã tăng cường phối hợp với Sở Công thương và UBND 21 tỉnh, thành phía Nam ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và tuyên truyền an toàn điện. Nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, cố gắng kéo giảm số vụ vi phạm HLATLĐ cao áp đã được thực hiện như tuyên truyền đến từng hộ dân, kiểm tra phát quang, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình vi phạm HLATLĐ cao áp và tai nạn điện vẫn xảy ra nhiều. Từ tháng 1 - 5.2016 đã xảy ra 43 vụ sự cố điện do vi phạm HLATLĐ cao áp, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015.
Thả diều trên đường phố rất dễ xảy ra tai nạn điện
Siết chặt quản lý
Cũng theo ông Ái, hiện tại EVN SPC đang tích cực triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm quản lý tốt HLATLĐ cao áp, giảm sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân. Ngoài giải pháp như chủ động phối hợp chính quyền địa phương, ban ngành, các công ty điện lực địa phương đều phải xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể triển khai phối hợp với các đơn vị để xử lý vi phạm HLATLĐ cao áp; tuyên truyền hiệu quả (có kiểm tra, đánh giá) nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn điện, nhất là tại các tỉnh thường xảy ra tai nạn điện như Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre.
Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền phù hợp theo đối tượng tuyên truyền, kể cả các hộ dân chưa có điện hoặc dùng điện câu đuôi sau điện kế, tuyên truyền theo mùa như mùa đốt rẫy, đốt đồng, thả diều, mùa cưới, tuốt lúa, mùa mưa bão, lũ… nhằm ngăn ngừa các hoạt động có khả năng gây sự cố lưới điện. Cuối cùng là việc kiểm tra chặt chẽ hành lang lưới điện, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm. Thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc quản lý HLATLĐ cao áp, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình, phát quang cây trong và ngoài HLATLĐ cao áp; xử lý dứt điểm các công trình, nhà ở chưa đủ điều kiện tồn tại trong HLATLĐ cao áp, không để phát sinh số vụ vi phạm mới.
“Để kéo giảm sự cố lưới điện và tai nạn điện trong dân, EVN SPC rất cần sự quan tâm phối hợp từ các địa phương, ban ngành trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và tuyên truyền an toàn điện, xử lý vi phạm đúng quy định đối với các trường hợp để xảy ra sự cố, tai nạn điện để tránh những tai nạn đáng tiếc tiếp tục xảy ra”, ông Ái nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.