Siết chặt quản lý sim rác

06/06/2020 06:40 GMT+7

Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông vừa kiến nghị nhiều biện pháp để chặn sim rác, trong đó đề xuất nạp tiền điện thoại phải nhập số chứng minh nhân dân.

Một doanh nghiệp đăng ký gần cả trăm ngàn số điện thoại

Theo kết quả thanh tra trên diện rộng của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) vừa công bố, vẫn còn tình trạng sim rác của các mạng trên thị trường. Đây là sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước, người sử dụng mua được sim này và sử dụng ngay mà không cần đăng ký, khai báo thông tin thuê bao, đặc biệt là tại các điểm ủy quyền của doanh nghiệp (DN). Đoàn thanh tra đã tịch thu 6.900 sim điện thoại đã được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.
Trách nhiệm trong việc ngăn chặn nguồn sim rác phải từ nhà cung cấp, chứ không phải từ phía người dùng, nguồn phát tán ở đâu thì phải chặn ở đó
Ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar
Bên cạnh đó, nhiều nhà mạng như Vinaphone, MobiFone để xảy ra trường hợp cùng ảnh chụp CMND thực hiện giao kết hợp đồng ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhà mạng Viettel thì ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân không phải là nhân viên Viettel để triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông…
Người dân nạp tiền điện thoại có thể sẽ được yêu cầu phải nhắn kèm tên họ, số CMND Ảnh: Ngọc Dương

Người dân nạp tiền điện thoại có thể sẽ được yêu cầu phải nhắn kèm tên họ, số CMND

Ảnh: Ngọc Dương

Trước đó, theo nhận định của Bộ TT-TT, việc người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua sim điện thoại di động để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh. Hiện quy định không giới hạn số lượng sim mà người dân, tổ chức, DN được sử dụng. Lợi dụng quy định này, nhiều tổ chức, DN đã đăng ký thông tin cho hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí vài chục nghìn sim thuê bao điện thoại di động, nhưng không rõ các sim này hiện ở đâu, do ai đang sở hữu, sử dụng. Đồng thời, các DN còn ủy quyền cho các cá nhân không phải là nhân viên để thực hiện việc ký giao kết hợp đồng sử dụng thuê bao di động với tần suất cách nhau 1 - 3 ngày/lần để sử dụng vài trăm sim. Đợt này phát hiện có DN đăng ký sử dụng nhiều nhất là 88.637 thuê bao.
Theo Thanh tra Bộ TT-TT, sở dĩ sim rác vẫn bán công khai trên thị trường, do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất chỉ là các hộ kinh doanh bán sim, thẻ cào, điện thoại di động. Các điểm bán hàng này đã lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều sim, rồi bán sim đã kích hoạt trước. Thậm chí, chủ đại lý còn dùng CMND, thẻ căn cước của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho hàng trăm sim, khi bị kiểm tra thì báo đã bị mất. Ngoài ra, các điểm bán này lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, thậm chí có tình trạng sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp CMND giữa các chủ điểm bán để giao kết hợp đồng...

Chỉ quản phần ngọn

Trước tình trạng sim rác vẫn còn tràn lan trên thị trường, Thanh tra Bộ TT-TT đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP nhằm quản lý chặt chẽ thực trạng sim rác.
Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng từ số thuê bao thoại thứ 4 trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý thuê bao vượt mức, để đảm bảo việc đăng ký thuê bao khống và bán sim rác không còn có lợi nhuận. Để tăng tính chính xác của thông tin thuê bao, bổ sung quy định không cho phép chủ thuê bao tự kiểm tra thông tin thuê bao (thông qua nhắn tin 1414 và qua trang web).
Đặc biệt, khi nạp thẻ vào tài khoản điện thoại yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số CMND hoặc căn cước công dân, hộ chiếu, ngày cấp. Trường hợp các thông tin này trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu của DN viễn thông thì cho phép nạp tiền vào tài khoản. Trường hợp không trùng khớp, nhà mạng nhắn tin thông báo chủ thuê bao đến điểm cung cấp dịch vụ cập nhật lại thông tin thuê bao để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Lần đầu nạp tiền vào tài khoản, nếu thông tin trùng khớp thì các lần nạp tiền sau sẽ không phải khai báo số CMND.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận định sim là do các nhà mạng cung cấp, quản lý và kích hoạt dịch vụ. Đây là đầu mối sản xuất và phát hành sản phẩm này nên cần siết từ gốc. Việc quản lý người dùng là không phù hợp và sẽ không hiệu quả nhiều vì đây chỉ là phần ngọn. Chưa kể việc này lại tăng thêm thủ tục gây phiền hà cho khách hàng. Riêng việc không cho phép người dùng kiểm tra thông tin thuê bao di động cũng chưa hợp lý.
Ông Thắng nêu vấn đề: Trường hợp khách hàng đang sử dụng điện thoại, không nhớ đã cập nhật thông tin chính xác hay chưa thì họ sẽ nhắn tin kiểm tra như hiện nay. Nếu chưa đúng khách hàng sẽ chủ động đi bổ sung thông tin của mình. Nếu không cho kiểm tra qua tin nhắn, đồng nghĩa khách hàng phải bỏ thời gian, công sức ra cửa hàng của nhà mạng để kiểm tra thì quá vô lý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Đức, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar, cho rằng chống sim rác hay tin nhắn rác, cuộc gọi rác thì nhà mạng phải là người chịu trách nhiệm chính. “Trách nhiệm trong việc ngăn chặn nguồn sim rác phải từ nhà cung cấp, chứ không phải từ phía người dùng, nguồn phát tán ở đâu thì phải chặn ở đó”, ông Đức đánh giá và nhận xét nếu vẫn để tình trạng quản lý lỏng lẻo với phát hành sim từ phía các nhà mạng, thì hiện tượng mua sim rác vẫn dễ dàng.

Trách nhiệm thuộc về nhà mạng, đại lý

Theo Bộ TT-TT, tổng số thuê bao trên mạng của 5 DN viễn thông hiện nay gần 130 triệu thuê bao. Hiện dân số cả nước khoảng 97 triệu người và VN được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao nhất thế giới. Việc bùng nổ số thuê bao di động tại VN do một thời gian dài để các nhà mạng chạy đua phát hành, khuyến mãi rầm rộ và không quản lý chặt về việc đăng ký thông tin. Điều này dẫn đến hàng loạt cá nhân và DN đua nhau sử dụng di động để đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo. Đây không phải lần đầu tiên các giải pháp quản lý sim rác từ phía người dùng được nêu ra.
Năm 2015, Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT từng đưa ra đề xuất khống chế tần suất tin nhắn trong dự thảo quyết định về Tiêu chí hướng dẫn phát hiện, ngăn chặn và quy định về xử lý thuê bao phát tán tin nhắn rác. Theo đó đề xuất chặn tin nhắn rác thông qua giải pháp kỹ thuật khống chế tần suất 5 tin nhắn/5 phút, 50 tin nhắn/ngày. Đề xuất này đã vấp phải phản ứng từ chính các nhà mạng và người dân, nên đã không được thực thi…
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM), phân tích theo quy định khi người dùng mua sim điện thoại bắt buộc phải khai báo thông tin là xong. Còn thông tin đó đúng hay sai, bị trùng lắp hay bị sao chép, ăn cắp để đăng ký tiếp cho nhiều sim khác thì trách nhiệm này thuộc về các đại lý và nhà mạng. Tương tự, việc bán sim điện thoại đã kích hoạt sẵn sai quy định là trách nhiệm của cửa hàng và nhà mạng là đơn vị phát hành, kiểm tra và giám sát sau đó cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, không thể quy lỗi sim rác có trên thị trường là do người dùng nên phải đề ra giải pháp quản lý. Thay vào đó, Bộ TT-TT phải xử lý nghiêm các nhà mạng như đã từng yêu cầu trong các năm trước.
“Quan trọng nhất là xử lý từ phần gốc là các nhà mạng”, luật sư Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Để chặn sim rác, một trong những giải pháp mới nhất vừa được áp dụng là hạn chế phát triển thuê bao mới. Ba nhà mạng có thị phần lớn là Viettel, Vinaphone, MobiFone đã cùng cam kết dừng bán bộ hòa mạng (KIT) mới tại các đại lý ủy quyền và dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý ủy quyền từ 0 giờ ngày 1.6. Nhà mạng sẽ chỉ bán sim, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.