Sẽ xử lý hình sự một số vụ việc liên quan dịch tả lợn châu Phi

Chí Nhân
Chí Nhân
25/05/2019 12:55 GMT+7

Các cơ sở giết mổ heo lậu gây phát tán dịch bệnh tả lợn châu Phi và các vụ việc thả heo bệnh trôi sông ở các tỉnh phía bắc sẽ bị tiến hành xem xét xử lý hình sự.

Sáng 25.5, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì  hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía nam. 
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết : Ổ bệnh đầu tiên xuất hiện ngày 1.2 tại tỉnh Hưng Yên, đến hết ngày 24.5 đã xuất hiện tại 42 tỉnh thành, 265 huyện, 2.904 xã. Tổng số heo bị bệnh hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn buộc phải tiêu hủy.

Diễn biến phức tạp, ĐBSCL nhạy cảm cao

Tại các tỉnh phía nam, bệnh xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang ngày 11.4 đến nay đã lây lan sang 8/18 tỉnh thành. Tuy số lượng heo bệnh phải tiêu hủy không lớn, chỉ hơn 5.000 con nhưng rải rác ở nhiều nơi. Riêng Bình Dương có hộ đàn heo bị nhiễm bệnh trên 900 con.
Ông Cường đánh giá: Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh thành ở khu vực đông và tây Nam bộ là rất cao do miền Nam bước vào mùa mưa, nền nhiệt thay đổi liên tục, thuận lợi cho bệnh dịch tả lợn châu Phi phát triển. Các địa phương ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen khó kiểm soát. Vì vậy mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch trong khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, do ĐBSCL có địa hình thấp nên khi phát hiện dịch bệnh rất khó tìm địa điểm thích hợp để tiêu hủy. Nếu làm không tốt dịch bệnh càng dễ lây lan.
Về những bất cập trong công tác chống dịch tại các tỉnh phía nam, ông Bạch Đức Lữu, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết các hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh tả lợn châu Phi tại đây vẫn chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp về an toàn sinh học để phòng chống bệnh. Đặc biệt, công tác kiểm soát giết mổ vẫn chưa làm tốt, vẫn để tình trạng giết mổ lậu diễn ra thường xuyên. "Có những cơ sở giết mổ lậu chuyên gom heo bệnh chết với giá rẻ, chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg đưa vào các quán ăn tiêu thụ, làm lây lan dịch bệnh".

Xử lý hình sự

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: Đến thời điểm này, các ổ dịch trên địa bàn đã được khống chế và không phát hiện thêm ổ mới.. Công an đã khởi tố vụ giết mổ heo chết nhiễm bệnh tả châu Phi và sẽ vào cuộc xử lý các điểm giết mổ lậu trên địa bàn. Tại Đồng Nai, một trong những ổ bệnh đầu tiên phát hiện cũng do giết mổ lậu.
Chuyên gia cho rằng cần tiếp tục kiểm soát biên giới với các nước có dịch Chí Nhân
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng chống dịch ở các tỉnh phía nam, đặc biệt việc xử lý hình sự các trường hợp, đối tượng cố tình vi phạm. “Ở các tỉnh phía bắc, một số địa phương còn để xảy ra tình trạng vứt xác heo chết xuống sông. Các trường hợp này sắp tới cũng sẽ bị điều tra xử lý hình sự”, ông Tiến nói.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất: Nên giao cơ chế xác định giá thị trường và giá hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng về cho các địa phương. Hiện nay, Trung ương ra giá chung một lần, thay đổi rất khó, mất nhiều thời gian. Giá này không sát thực tế nên nhiều khi người chăn nuôi không tích cực hợp tác, khai báo với ngành chức năng khi phát hiện dịch.

Phải chặn cả thức ăn nhập khẩu từ Trung Quốc

Ông Randolph Reinecker Zoerb, chuyên gia chăn nuôi của Tập đoàn GreenFeed, nêu quan điểm: Các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống dịch song những nỗ lực này có thể trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có một chương trình hành động cấp quốc gia. Để kiểm soát dịch tốt, ở tầm quốc gia phải kiểm soát được việc giao thương vận chuyển qua biên giới bằng cả đường bộ, hàng không; không chỉ heo, thịt mà cả nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ các nước có dịch đặc biệt là Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng việc kiểm soát biên giới là rất quan trọng vì Campuchia cũng đã phát hiện có dịch tả lợn châu Phi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.