SCIC 'đau đầu' khi mỗi ngày phải bán được 1 doanh nghiệp

01/04/2015 11:34 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Hội nghị về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay 1.4.

(TNO) Đó là khẳng định của ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Hội nghị về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay 1.4.

Co-phan-hoaCác cảng hàng không đang được cổ phần hóa khá mạnh mẽ - Ảnh: Mai Vọng 

Theo quyết định của Thủ tướng, năm 2015 có 289 doanh nghiệp phải cổ phần hóa (CPH). Cùng với đó, nhiều đơn vị thuộc sở hữu nhà nước đang do SCIC làm đại diện vốn phải thực hiện bán bớt vốn.

Ông Học cho biết, SCIC năm nay phải thoái vốn trên 300 doanh nghiệp, trong đó hơn 100 công ty đại chúng và niêm yết. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2015 mới bán vốn được tại 22 doanh nghiệp. “Từ nay đến cuối năm, mỗi ngày bình quân chúng tôi phải bán 1 doanh nghiệp là nhiệm vụ rất lớn và vô cùng khó khăn”, ông Học chia sẻ.

Có doanh nghiệp chỉ bán được 500 đồng/cổ phần

Về vấn đề cụ thể, ông Học cho biết hiện theo quy định tại Quyết định số 51 của Thủ tướng, SCIC được bán cổ phần tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thấp hơn mệnh giá. Cơ chế này tạo sự linh hoạt, dễ dàng hơn khi bán vốn. Nhưng khó khăn là rất lớn khi có doanh nghiệp, SCIC chỉ bán với giá có 500 đồng/cổ phần.

Một vướng mắc khác, theo lãnh đạo SCIC, hiện theo quy định, Thủ tướng yêu cầu SCIC mua lại cổ phần của các doanh nghiệp hoặc mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện để mua lại khi doanh nghiệp bán đấu giá không được, bán thỏa thuận không xong. Thứ hai, chỉ mua lại khi Ngân hàng Nhà nước không xử lý được, không nhận về và không bán chỉ định cho ngân hàng thương mại nào được.

“Thủ tướng yêu cầu xem xét mua theo tinh thần đầu tư kinh doanh vốn phải có hiệu quả, có lãi. Nhưng SCIC phải mua sau khi nhà đầu tư khác không mua, đây là vướng mắc lớn”, ông Học nói.

Trước đó, báo cáo về công tác CPH, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, ông Hoàng Văn Phu, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2015 có 289 doanh nghiệp phải CPH, 3 tháng đầu năm CPH được 29 doanh nghiệp và 9 tháng cuối năm 2015 phải thực hiện CPH 260 doanh nghiệp.

Tính đến ngày 24.3, cả nước thoái vốn hơn 4.900 tỉ đồng, thu về hơn 6.000 tỉ đồng, bao gồm cả phần thoái vốn của SCIC. Riêng lĩnh vực bất động sản thoái 2.690 tỉ đồng, thu về hơn 3.000 tỉ đồng, chiếm 40% tổng giá trị thu về từ thoái vốn, lĩnh vực bảo hiểm và tài chính thoái vốn 613 tỉ đồng…

Số lượng doanh nghiệp còn lại nhiều, nhưng khó khăn nhất để thực hiện CPH, thoái vốn, theo ông Phu, phần lớn là các công ty mẹ trong các tập đoàn kinh tế. Do đó, tính chất CPH khá phức tạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.