Sâu trên rau mà chết tươi thì người ăn vào cũng chết từ từ

29/12/2016 13:15 GMT+7

'Bây giờ thế hệ sâu bọ mới ác lắm, càng ngày càng phá dữ dội, nông dân phải xài thuốc xịt vào sâu bọ chết tươi liền thì họ mới hài lòng'.

Đây là lời giải thích của một nông dân được bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kể lại tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai? do Soha.vn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 28.12.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, một thực tế hiện nay là người nông dân làm ruộng mà không có phân đạm và thuốc trừ sâu, họ sẽ không biết làm gì. Có nông dân nói với bà là thế hệ sâu bọ mới bây giờ ác lắm, càng ngày càng phá dữ, cho nên phải xài thuốc gì xịt vào sâu bọ chết tươi liền thì họ mới hài lòng. “Sâu mà chết tươi thì người ăn vào cũng chết từ từ, khó tồn tại được lắm. Nhưng nông dân làm sao làm ruộng nếu không có những thứ thuốc này?”, bà Kim Hạnh nêu vấn đề.
Bà Hạnh cho rằng giữa doanh nghiệp làm thực phẩm và doanh nghiệp làm thực phẩm sạch còn cách xa nhau. Có những người nông dân muốn chuyển mình qua làm nông sản sạch và họ đang đứng trước khó khăn chung. Sau nhiều năm thành công về đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững thành tích về sản lượng, dùng mọi biện pháp kích thích cho đất tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, nông nghiệp Việt Nam với trớn đi như vậy đã dẫn đến bốn vấn nạn. Thứ nhất, chạy theo sản lượng tối đa bất chấp chất lượng, thứ hai giá trị thu vào thấp, ảnh hưởng môi trường, đất, nước; thứ ba môi trường, không khí bị ô nhiễm. Những yếu tố này kéo theo thu nhập, đời sống, sức khỏe người nông dân bị sa sút trong quá trình chúng ta lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu vào sản xuất. Nay chúng ta làm nông sản sạch, nghĩa là đi ngược lại với cái trớn này, là không đơn giản.
Bà Vũ Kim Hạnh phát biểu tại hội thảo Ảnh: H.S
Trong khi đó, người nông dân đang gặp khó đủ đường, cả đầu vào lẫn đầu ra. Khó khăn khi hội nhập, khó khăn khi tuân thủ pháp lý, khó nhất thay đổi thói quen canh tác, kỹ năng, khó vì thị trường và viễn cảnh không sáng sủa lắm cho người nông dân không quyết liệt thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiều cái khó sẽ ập đến trong năm 2017, từ kinh tế vĩ mô, từ thị trường xuất khẩu nông sản, bán lẻ, thay đổi thị hiếu tiêu dùng, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, cách tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng… Nông dân phải tìm cho được thuốc bảo vệ thực vật nào nằm trong danh mục đã được đăng ký lưu hành, rồi phải thực hành các chuẩn VietGap, GlobalGap…, phải ghi chép, làm đủ phương pháp để có thể truy xuất được nguồn gốc nông sản, phải liên kết với nhau theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc…
“Nhưng điều nông dân ưu tư nhất, nói nhiều nhất là làm ra rồi bán đi đâu? Người đô thị có nhu cầu cao về nông sản sạch nhưng không biết mua ở đâu, người nông dân thì làm ra nông sản sạch cũng không biết bán ở đâu. Nhiều khi có nơi bán, thí dụ TP.Cần Thơ nỗ lực cấp cho những người bán nông sản sạch 6 địa điểm để bán giữa lòng thành phố cũng bán không được. Lý do là chính quyền không quảng bá những điểm bán này, chỉ đưa thông tin lên trang mạng một cách im lặng và lạnh lùng, nên người bán và người mua cũng không gặp nhau”, bà Kim Hạnh kể.
Ngoài ra, còn nhiều khó khăn đối với người nông dân từ bất cập quản lý nông nghiệp hiện nay. Chẳng hạn, thị trường tràn lan phân bón và thuốc trừ sâu giả, nhưng nhà quản lý thì không thừa nhận vì cho rằng về lý thuyết họ đã quản lý thị trường rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Điều này cho thấy khoảng cách khá xa giữa quản lý nhà nước và thực tế thị trường.
Thực phẩm sạch hay là chết?
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, đơn vị vừa đạt được Chứng nhận canh tác - chế biến và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU) hôm 6.12, cho biết vào năm 2010, Vinamit đã từng mất sạch 150 tỉ đồng vì không khống chế được sự phát triển của vi sinh vật, vi khuẩn trong sản phẩm. Trước đó, năm 1996, doanh nghiệp cũng mất 500.000 USD vì chuyện tương tự.
Người nông dân cũng gặp khó khăn khi phải chạy theo quản lý của nhà nước. Nông dân không có khả năng tra cứu thông tin theo Thông tư 03 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để lựa chọn đúng loại thuốc đăng ký cho đối tượng cây trồng. Vậy muốn tìm danh mục thuốc tách riêng theo từng nhóm cây trồng thì tìm ở đâu? Hiện nay không có thuốc bảo vệ thực vật cho rau muống. Quy định của nhà nước là phải xài đúng thuốc nhà nước cho đăng ký, mà thuốc này không có thì làm sao? Nông dân hỏi phun thuốc trừ sâu sinh học lên thuốc cho cây khác lên cây rau muống được không? Nhà quản lý trả lời là không được. Vậy là nông dân phải ngồi chờ.
“Việc quản lý phân bón theo danh mục với 7.000 loại và 13 thủ tục rất tốn kém và mất thời gian khảo nghiệm. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập sau, các quản lý này không còn phù hợp, Bộ Nông nghiệp tính sao?”, bà Kim Hạnh đặt câu hỏi.
Đứng ở góc độ người tiêu dùng, MC Phan Anh đã đưa ra thông điệp: “Thực phẩm sạch hay là chết. Tôi chọn sống”. Trong khi đó, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về quản lý chất lượng thực phẩm, cho rằng chỉ có ở Việt Nam mới có khái niệm thực phẩm sạch, còn trên thế giới không có định nghĩa thực phẩm sạch, mà chỉ có thực phẩm lành mạnh. Thực phẩm đã đi ra thị trường thì khó thể nói sạch hay bẩn, bởi bất kỳ thực phẩm nào không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, có nghĩa là nhà sản xuất đó có vấn đề.
“Hiện nay trên thị trường, đa số thực phẩm mập mờ thông tin về thành phần sử dụng, tính năng sản phẩm và loạn chứng nhận, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng”, ông Vũ Thế Thành nói.
Có mặt ở hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng đặt câu hỏi làm sao để người nghèo cũng được dùng thực phẩm sạch. Ông Tám cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát động phong trào thực phẩm sạch với các điểm quan trọng: năm 2018 sẽ hoàn thành luật thủy sản chăn nuôi, trồng trọt; tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm, xử lý chất cấm, vật tư đầu vào, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản sạch từ chế biến, tiêu dùng trong một năm qua, kết nối được sản phẩm an toàn có chứng nhận, tăng cường truyền thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.