Sắp trình lại đề án dành làn ưu tiên cho xe buýt

23/10/2019 17:01 GMT+7

Đề án xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ được chạy thử nghiệm, mô phỏng trước khi lấy ý kiến rộng rãi và đưa vào thí điểm.

Xe buýt "song kiếm" cùng xe đạp công cộng

Sáng 23.10, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết Trung tâm đang phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn tiến hành chạy thử nghiệm mô phỏng giao thông khi đưa vào triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu (quận 3).
Việc dựa trên những số liệu khảo sát chi tiết thực tế, thử nghiệm mô hình sẽ giúp định hình bức tranh, đánh giá tác động giao thông cụ thể và xác định tính khả thi của đề án. Dự kiến trong tuần này, việc chạy thử mô hình sẽ hoàn thành và đưa ra được kịch bản tổ chức giao thông hợp lý nhất. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hoàn thiện báo cáo gửi Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP góp ý, sau đó trình UBND TP xem xét và thưc hiện các bước tiếp theo.
Cũng theo ông Trung, song song với việc tiến hành nghiên cứu triển khai làn đường ưu tiên cho xe buýt, Sở GTVT mới trình UBND TP đề án triển khai thí điểm sử dụng xe đạp công cộng hỗ trợ đưa khách từ nhà trong các ngõ, hẻm ra tới trạm xe buýt. Theo đó, khoảng 800 xe đạp công cộng sẽ được bố trí tại khoảng 80 vị trí bãi đỗ tại quận 1 và ưu tiên trên trục 2 tuyến đường triển khai làn ưu tiên cho xe buýt. Bên cạnh đó, hệ thống nhà chờ, trạm dừng cũng sẽ được chỉnh trang, ưu tiên sử dụng vé điện tử thông minh.
"Làn ưu tiên cho xe buýt khi đưa vào thí điểm không chỉ với mục tiêu duy nhất là cải thiện tốc độ cho xe buýt mà còn phải để người dân thấy được nhiều dịch vụ cùng tham gia để thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng bởi sự tiện lợi, nhiều tiện ích " - ông Trung thông tin.

Chỗ nào tắc thì phải khơi thông  

Theo đề án vừa báo cáo Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ thí điểm tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ, dài 3,6 km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2 km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 giờ cao điểm buổi sáng và 3 giờ cao điểm buổi chiều các ngày trong tuần. Mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25 m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm. Ngoài xe buýt, xe công an, xe cứu thương, cứu hỏa, xe mini buýt, xe khách từ 12 chỗ trở lên cũng được lưu thông vào làn đường dành cho xe buýt.
Đề án xuất hiện đang vấp phải tranh cãi giữa hai luồng quan điểm: Một bên cho rằng Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu hiện là 2 tuyến đường có mật độ phương tiện rất lớn, việc dành riêng làn ưu tiên cho xe buýt trên hai tuyến này không những chưa thể thu hút người dân mà còn nguy cơ tăng ùn tắc, dẫn đến thí điểm thất bại, gây phản cảm, khó để triển khai nhân rộng tại các tuyến đường khác.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học khẳng định xe buýt phải được chạy ưu tiên, có làn đường riêng, tách khỏi dòng xe cá nhân thì mới có thể hoạt động hiệu quả và phát triển. Nếu thí điểm ở các làn đường rộng, lưu lượng thoáng, ít xe cộ thì không cần ưu tiên xe buýt vẫn có thể chạy được. Tuyến đường càng huyết mạch, càng đông đúc càng cần làm phép thử.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Chí Trung khẳng định tuy có nhiều quan điểm nhưng đầu tiên cần xác định rõ mục tiêu tại sao phải có đường ưu tiên cho xe buýt. Hiện nay xe buýt bị "ghẻ lạnh" lý do lớn nhất là tốc độ chậm, thời gian di chuyển kéo dài. Phương tiện cá nhân chiếm dụng quá nhiều diện tích đường, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ.  
"Việc bố trí đường dành riêng cho xe buýt ở những tuyến đường có mật độ giao thông cao, hay xảy ra ùn tắc nhất, thì người dân mới thấy ngay được hiệu quả trong việc tăng tốc độ di chuyển của xe buýt. Từ đó góp phần thúc đẩy họ sử dụng xe buýt nhiều hơn” - ông Trung nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.