Sao Việt khai thuế thu nhập ra sao?

21/08/2018 06:47 GMT+7

Thông tin một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỉ đồng từ Facebook, YouTube... bị ngành thuế truy thu khiến nhiều người đặt câu hỏi:

Vậy các nghệ sĩ Việt hạng “sao” có thu nhập cực khủng từ nhiều nguồn đã đóng thuế ra sao? Ngành thuế có quản được những nguồn thu này?...
Ông bầu của ca sĩ Đan Trường cho biết thực hiện quyết toán thuế không những ở VN mà cả ở Mỹ ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông bầu của ca sĩ Đan Trường cho biết thực hiện quyết toán thuế không những ở VN mà cả ở Mỹ Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mới đây, nghi án trốn thuế của diễn viên Phạm Băng Băng (Trung Quốc) khi sử dụng hợp đồng “âm dương” (hợp đồng khai báo thuế và hợp đồng thực nhận với số tiền chênh nhau rất lớn để trốn thuế) được báo chí nêu ra lại khiến dư luận đặt vấn đề: Liệu ở VN có hay không hợp đồng kiểu này?
Nhiều nguồn thu nhập "khủng"
Để tránh thất thu thuế không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà cả các lĩnh vực khác, không có biện pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TP.HCM

Nhiều diễn viên, ca sĩ, người mẫu tại VN đang có mức thu nhập cao ngất ngưởng. Theo thông tin Thanh Niên có được, cát sê trung bình của một diễn viên hài hạng A tại TP.HCM xuất hiện trong các chương trình giải trí trên các kênh truyền hình ở mức 40 - 50 triệu đồng; tham dự một sự kiện giá không dưới 5.000 USD (tương đương 115 triệu đồng). Cát sê tham dự sự kiện của một diễn viên hạng B cũng khoảng 2.000 - 3.000 USD. Bên cạnh đó, các diễn viên, nghệ sĩ còn có nhiều hoạt động có thu nhập khác. Theo bảng giá của một công ty tổ chức sự kiện cung cấp, chi phí cho một diễn viên hay MC, người mẫu hạng B đăng bài chia sẻ trên Facebook cá nhân dao động từ 35 - 55 triệu đồng. Nếu thực hiện chia sẻ trực tiếp (live stream) qua Facebook thì giá cao hơn. Ví dụ, cặp vợ chồng ca sĩ L.H, người mẫu T.H giá 120 triệu đồng. Với một ca sĩ nổi thì giá cực khủng, như M.T thì một bài chia sẻ trên Facebook cá nhân có thể lên giá 400 - 500 triệu đồng. Chưa kể họ còn nhận được những hợp đồng quảng cáo tiền tỉ.
Chưa hết, với nhiều ca sĩ nổi tiếng, các video được đưa lên YouTube có hàng triệu người xem cũng giúp họ thu được tiền tỉ. Ví dụ video Chạy ngay đi của Sơn Tùng M-TP đến nay sau 3 tháng ra mắt đã thu hút được 91,6 triệu lượt xem. Theo số liệu của Social Blade - trang xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Twitch và Instagram… tính đến nay tài khoản chính thức của Sơn Tùng M-TP trên YouTube với hơn
Ông Hoàng Tuấn (Giám đốc HT.Production, ông bầu của ca sĩ Đan Trường cùng một số chương trình) cho biết: "Hằng năm cứ đến tháng 3 tôi sẽ quyết toán và đóng thuế cho Đan Trường ở VN. Còn tháng 4 sẽ kê khai và đóng thuế tại Mỹ cho Trường. Khi Đan Trường tham gia các chương trình, sự kiện lớn, thường trong hợp đồng nhà tổ chức sẽ tạm đóng thuế cho anh 10% cát sê. Những chứng từ đó là cơ sở để chúng tôi tổng hợp tất cả lại, cùng với các show diễn khác, để quyết toán chung của năm. Đối với những chương trình do công ty chúng tôi tổ chức, tôi luôn làm đúng theo quy định là tạm đóng thuế thu nhập cho ca sĩ, nhạc sĩ, nhóm múa… là 10%”. (Dạ Ly)
29,1 triệu lượt xem trong 30 ngày qua. Social Blade ước tính số tiền kiếm được từ kênh này của Sơn Tùng mỗi tháng từ 7.300 - 116.800 USD. Nếu chỉ lấy con số bình quân, Sơn Tùng đã kiếm được khoảng 600.000 USD/năm, tương đương khoảng 14 tỉ đồng/năm.
Một đơn vị tổ chức chương trình ca nhạc tại Hà Nội, TP.HCM vào cuối tháng 7 tiết lộ cho chúng tôi tiền cát sê của nam ca sĩ hạng A tên N. là 100 triệu đồng, hát 2 bài trong một show. Đơn vị này tổ chức 2 đêm, tổng cộng kinh phí cho nam ca sĩ này 200 triệu đồng.
Còn nhớ sự kiện lễ hội pháo hoa TP.Đà Nẵng năm 2013, đơn vị tổ chức đã cắt phần diễn của một nữ ca sĩ vì cát sê cao quá, lên 6.000 USD/bài. Dù nữ ca sĩ này sau đó phủ nhận thông tin trên nhưng điều này cho thấy thu nhập của giới ca sĩ là rất cao. Nhiều ca sĩ thừa nhận “sống khỏe” khi đi hát hội chợ, hát đám cưới... Mức giá này vẫn chưa ăn thua gì nếu được doanh nghiệp (DN) mời làm đại diện hình ảnh thương hiệu, số tiền sẽ phải tính bằng tiền tỉ.
Né thuế qua… công ty?
Tình trạng khá phổ biến trong những năm qua đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của giới văn nghệ sĩ là “quên” khai thu nhập. Năm 2017, Cục Thuế TP.HCM rà soát tình hình quyết toán thuế TNCN của các cá nhân trên địa bàn, trong số cá nhân chưa thực hiện kê khai đầy đủ thu nhập có 6 văn nghệ sĩ, chủ yếu là ca sĩ hạng “sao” bị truy thu thêm số thuế hơn 5,2 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng 1 ca sĩ nộp thêm thuế lên hơn 1 tỉ đồng (tương ứng mức thu nhập mà ca sĩ này “quên” kê khai lên hơn 3,2 tỉ đồng - PV). Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan thuế phát hiện 2 ca sĩ và thực hiện thu thêm hơn 2,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, so với mức thu nhập thì mức thuế TNCN mà các nghệ sĩ đóng vẫn chưa tương xứng.
Một cán bộ thuế lý giải, việc lập DN có lợi cho giới văn nghệ sĩ bởi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn thuế TNCN rất nhiều, nên nhiều nghệ sĩ đã áp dụng “chiêu” này. Hơn nữa, trước đây giới ca sĩ được trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN nhưng quy định này đã bỏ từ nhiều năm nay nên muốn trừ đi các chi phí quần áo, đi lại…, họ phải có công ty để hợp thức hóa đưa vào chi phí. Với cách này, đã xuất hiện tình trạng DN quản lý ca sĩ thì lỗ, không có lời để nộp thuế TNDN.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, nhận định câu chuyện trốn thuế TNCN ở VN không phải là hiếm. Tuy nhiên, “lách” công khai, đúng luật là chuyển sang thành lập công ty TNHH một thành viên để kê khai hạch toán thuế theo luật DN. Trong quá trình đó thì công ty kê cao chi phí hoạt động dẫn đến lãi thấp hoặc không có lãi, từ đó nộp thuế rất ít hay thậm chí thua lỗ thì không nộp thuế. Hình thức thứ hai là tương tự nghi án mà diễn viên Phạm Băng Băng đã áp dụng, đó là kê khai các hợp đồng biểu diễn với giá trị thấp. Phần chênh lệch còn lại thực tế có khi nhận bằng tiền mặt và không hề công khai.
Cần siết việc trả tiền mặt
Đề cập đến hiện tượng các ca sĩ đi hát đám cưới, xuất hiện trong các live stream quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ, hội chợ… được trả thù lao bằng tiền mặt, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận nếu đưa tiền mặt giữa 2 cá nhân với nhau thì đúng là khó. DN trả tiền mặt hay chuyển khoản cho ca sĩ thì họ vẫn phải đưa vào chi phí nên việc rà soát thu nhập ca sĩ sẽ không giấu được. Khi cá nhân nộp tiền mặt vào tài khoản, cơ quan nhà nước chỉ có thể yêu cầu cá nhân đó chứng minh nguồn tiền trong trường hợp đó là cán bộ nhà nước, việc này nhằm chống tham nhũng. Còn đối với giới văn nghệ sĩ thì khó có thể yêu cầu họ chứng minh nguồn tiền ở đâu mà có. Trong khi ở một số nước, tất cả các thanh toán đều dựa trên tài khoản ngân hàng, trong trường hợp tài khoản có nguồn tiền mặt chuyển vào thì phải chứng minh tiền đó là tiền gì và thực hiện nghĩa vụ thuế chưa. “Nói là khó thu thuế trong việc nhận tiền mặt không có nghĩa cơ quan thuế không thu được. Cơ quan thuế có thể sẽ đối chiếu với người chi trả thu nhập và người nhận thu nhập về khoản cát sê này”, ông Tâm nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TP.HCM, cũng cho rằng đối với những ca sĩ hát đám cưới, chủ nhà trả tiền mặt cho ca sĩ, cơ quan thuế rất khó phát hiện. “Để tránh thất thu thuế không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà cả các lĩnh vực khác, không có biện pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Sơn nói.
 
Khó có hợp đồng “âm dương” ở VN?
Trước câu hỏi có hay không hợp đồng “âm dương” ở VN, ông Trần Ngọc Tâm cho biết hiện cơ quan thuế đã phân cấp quản lý giới văn nghệ sĩ về các chi cục. Giới văn nghệ sĩ hiện nay hiểu về luật thuế này và cũng nghiêm túc tuân thủ quy định. Đa số các văn nghệ sĩ nổi tiếng thường thành lập công ty để thực hiện ký kết các hợp đồng với những đơn vị tổ chức sự kiện. Ông Tâm tin rằng công ty chi trả tiền cát sê cho văn nghệ sĩ sẽ không giấu số tiền này vì đây là khoản chi phí mà DN được trừ ra trước khi tính thuế TNDN. Một số công ty của giới văn nghệ sĩ còn sử dụng đến đại lý thuế trong hoạt động nên việc tuân thủ về thuế cũng cao hơn. Giới văn nghệ sĩ, đặc biệt ca sĩ hạng A, giữ hình ảnh với người hâm mộ nên họ cũng ý thức hơn đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng hợp đồng “âm dương” chỉ có thể xảy ra khi cả đơn vị tổ chức muốn giấu doanh thu, khai doanh thu thấp hơn thực tế. Các DN thuê ca sĩ tham gia các chương trình thường sẽ khai đầy đủ những khoản chi của mình để hợp thức chi phí đầu ra, đặc biệt DN lớn hoặc đài truyền hình. Nên cơ bản họ sẽ không giấu con số đã chi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.