Sản vật ngày Tết: Nho kiểng ra thị trường

09/01/2016 06:56 GMT+7

Không cầu kỳ như bonsai nhưng nho kiểng lại là sản vật lạ, độc đáo được ông Nguyễn Trường Lang, TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tung ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Không cầu kỳ như bonsai nhưng nho kiểng lại là sản vật lạ, độc đáo được ông Nguyễn Trường Lang, TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tung ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Ông Lang chăm sóc nho kiểng - Ảnh: Thiện NhânÔng Lang chăm sóc nho kiểng - Ảnh: Thiện Nhân
Khu vườn ươm của ông Lang nằm trong con hẻm thuộc kp.2, P.Mỹ Hải, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, trở thành địa chỉ quen thuộc của người trồng nho Ninh Thuận.
Năm 1999, sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cấy ghép, do một tổ chức phi chính phủ tổ chức tại H.Tuy Phong (Bình Thuận), ông Lang tiếp nhận giống nho dại Couderc 1613 đưa về nhân giống và lập trại ươm cung cấp cho các nhà vườn theo phương pháp ghép cành.
Ông Lang cho biết, ưu điểm của nho dại là có sức đề kháng cao, giảm bớt sâu bệnh, cho năng suất vượt trội. Tùy theo sở trường của từng nhà vườn, có thể ghép giống nho xanh (NH01-48) hoặc nho đỏ (Red Cardinal) vào gốc nho dại rồi đưa vào trồng. “Những năm đầu mới triển khai, nông dân còn e dè nên tôi đến từng nhà vườn giới thiệu sản phẩm và trực tiếp hướng dẫn chi tiết từ khâu xuống giống, kỹ thuật ghép cành, chăm sóc... đến khi vườn nho kết trái. Nay thì trở lại các nhà vườn mua những gốc nho tôi đã hướng dẫn họ trồng từ 7 năm trước để làm cây kiểng, như là mối lương duyên giữa tôi với cây nho”, ông Lang tâm sự.
Tuổi thọ cây nho khoảng 25 năm, nhưng người làm vườn chỉ nuôi dưỡng gốc nho trong 6 - 7 năm, sau đó loại bỏ để thay gốc mới. Ông Lang kể, một lần tình cờ đến vườn nho của người bạn, thấy hàng loạt gốc nho “cổ thụ” bị đào bới bỏ lăn lóc bên bờ ruộng, ông nảy ý định tận dụng những gốc nho này đưa vào chậu làm cây kiểng. “Ban đầu tôi trồng thử nghiệm khoảng 10 gốc, đến mùa cắt cành cho trái xum xuê ai nhìn cũng thích nên tôi quyết định đầu tư, mua lại những gốc nho ở các nhà vườn đã đến thời kỳ loại thải để làm cây kiểng”, ông Lang nói.
Theo ông Lang, điểm nhấn của nho kiểng là kỹ thuật tạo cho cây ra trái đúng thời vụ. Gốc nho được đưa vào chậu, nuôi dưỡng trong vòng 6 tháng cho cây đâm chồi, cành lá tươi tốt, sau đó mới tạo dáng. “Đặc điểm của cây nho là trước khi cây ra trái thì phải cắt cành, tỉa lá theo đúng quy trình. Muốn cây ra trái đúng dịp tết thì trước đó khoảng 40 ngày phải cắt cành, tỉa lá, bón phân. Đây là công đoạn khó của người trồng nho kiểng”, ông Lang phân tích.
Sau một năm chuẩn bị, dịp này gia đình ông cung cấp theo đơn đặt hàng cho các đại lý cây cảnh ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Tiền Giang, Bình Dương… hơn 5.000 gốc nho kiểng, giá từ 50.000 - 500.000 đồng/cây. Một gốc nho kiểng có thể ra được từ 2 - 9 chùm nho, nên người mua phải làm thêm giàn bao quanh chậu để giữ cành không bị gãy. Ông Lang cũng khuyên, sau mùa ra trái, người trồng nên đặt chậu kiểng nơi khô ráo, vào mùa nắng chỉ cần tưới nước từ 2 - 3 lần/tuần và bón phân theo định kỳ thì cây phát triển xanh tốt, cho quả vào mùa sau.
Đây là dạng cây kiểng khá lạ, hứa hẹn góp phần làm phong phú thị trường cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.