Sản vật ngày Tết: Dưa hấu hình xe hơi, thỏi vàng và kiểng thú

08/01/2016 11:27 GMT+7

Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến tết, nhiều nông dân miền Tây chọn cho mình cách làm giàu qua việc “nặn” trái cây thành những sản vật độc đáo hoặc biến hóa cây kiểng thành hình con thú.

Năm nào cũng vậy, cứ sắp đến tết, nhiều nông dân miền Tây chọn cho mình cách làm giàu qua việc “nặn” trái cây thành những sản vật độc đáo hoặc biến hóa cây kiểng thành hình con thú.

Sản xuất dưa hấu thỏi vàng phục vụ tết - Ảnh: Công HânSản xuất dưa hấu thỏi vàng phục vụ tết - Ảnh: Công Hân

3 - 4 triệu đồng/cặp dưa hấu
Ông Trần Thanh Liêm là nghệ nhân tạo hình trên dưa hấu ở khu vực 7, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy (TP.Cần Thơ) nổi tiếng khắp miền Tây và cả nước ngoài. Mấy chục năm trước, gia đình ông chuyên trồng lúa và rau màu, chỉ đủ dùng trong gia đình. Đến năm 2000, ông quyết định chuyển qua trồng dưa hấu quanh năm. Năm 2004, tình cờ xem được một tài liệu về trái dưa hấu vuông ở Nhật Bản, ông mày mò nghiên cứu, chế tạo được cái khuôn hình vuông, rồi cho trái dưa còn nhỏ vào để khi phát triển, dưa sẽ định hình theo. Sau nhiều lần thất bại, ông Liêm đúc kết được nhiều kinh nghiệm và tết năm 2005, dưa hấu vuông do ông sản xuất được bán tại siêu thị Metro với giá khá cao. Những năm tiếp theo, ông cải thiện khuôn để dưa đẹp và to hơn. Trên mỗi cặp dưa hấu vuông của ông đều có khắc hình tiên đồng, ngọc nữ và câu “Chúc mừng năm mới”, “Vạn sự như ý”.
Năm nay, ông Liêm cho biết đang chăm sóc ruộng dưa với 700 cặp dưa hấu hình thỏi vàng, xe hơi, hình trái tim có bản đồ VN, bên cạnh đó còn có khoảng 100 cặp dưa hấu vuông phục vụ nhu cầu chưng tết của người dân. Thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn mọi năm, mưa ít, nắng nhiều, tỷ lệ đạt cao là rất khó. Nhưng theo ông Liêm, nếu không trục trặc gì, 8 công dưa (8.000 m2) đang trồng sẽ tung ra thị trường những cặp dưa hấu đặc biệt này, có thể đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Nói về giá cả, ông Liêm cho biết không thay đổi so với năm rồi dù dưa hút hàng. Vụ dưa này, ông Liêm chỉ thay đổi mẫu chữ trên mỗi trái dưa cho đẹp hơn và vẫn giữ nội dung truyền thống “tài - lộc”. Cụ thể, dưa hấu hình thỏi vàng sẽ được phân loại theo trọng lượng, loại 1: 1,2 kg; loại 2 từ 1,3 - 1,4 kg và loại 3 từ 1,5 kg trở lên, giá bán từ 3 - 4 triệu đồng/cặp. Dưa vuông có giá 1,3 triệu đồng/cặp.
Kiểng thú đắt hàng
H.Chợ Lách (Bến Tre) được mệnh danh là “xứ ngàn hoa, vạn kiểng” ở vùng ĐBSCL. Nơi đây cũng được xem là cái nôi tập trung các nghệ nhân hàng đầu của loại hình kiểng thú. Thời điểm này đang vào cao điểm của những nghệ nhân làm nghề kiểng. Các chủ vườn kiểng tất bật uốn, tỉa, ghép hình để tung ra nhiều loại sản phẩm mới nhằm phục vụ thị trường tết. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà các nhà vườn ở Chợ Lách còn xuất khẩu sản phẩm sang các nước lân cận.
Các nghệ nhân Chợ Lách cho biết kiểng thú, kiểng hình đều không đủ hàng để bán. Đại diện cơ sở Đức Huy, xã Hưng Khách Trung B (H.Chợ Lách), cho biết riêng tết Bính Thân năm nay, cơ sở đã chuẩn bị hàng chục cặp kiểng hình khỉ, sẽ thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Để làm một sản phẩm hình con khỉ cao 0,5 - 0,6 m phải tốn đến vài chục nhánh cây gừa tàu rồi trải qua đôi tay khéo léo của nghệ nhân uốn trên khung sắt. Mỗi tác phẩm ra đời họ phải mất từ 4 - 5 ngày. Bên cạnh đó, kiểng cây si cũng rất thuận lợi để uốn hình kiểng thú, vì đây là loại cây phát triển nhanh và rất dễ làm.
Để đáp ứng đủ số lượng đặt hàng, các nhà vườn bắt đầu công việc vô chậu, tạo dáng từ tháng 8 (âm lịch) và đến thời điểm hiện tại thì tiến hành tỉa cành. Ngoài việc làm kiểng thú của năm, nhiều nhà vườn còn tạo dáng hình khác như: rồng, trâu, nai, voi, hồ lô, chậu hoa, nhà mát... Thường kiểng thú có giá cao hơn rất nhiều so với kiểng hình. Cụ thể kiểng voi, rồng... có giá trên dưới 30 triệu đồng/cặp, còn các loại kiểng hình có giá dưới 10 triệu đồng/cặp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.