Rút ngắn một nửa thời gian Hà Nội đi Ninh Bình

30/06/2012 17:42 GMT+7

Dự án cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình (giai đoạn 1) đã được thông xe kỹ thuật sáng nay (30/6). Tuyến đường được thiết kế với tốc độ 100-120km/giờ. Các phương tiện di chuyển từ Hà Nội tới Ninh Bình và ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng 1/2 thời gian.

 Rút ngắn một nửa thời gian Hà Nội đi Ninh Bình - Lễ thông xe dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1)
Lễ thông xe dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) - Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Trần Đại Quang; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành địa, địa phương nơi có tuyến đường đi qua đã tham dự sự kiện này.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam, nối cửa ngõ thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc bộ.

Toàn tuyến có chiều dài 50km, điểm đầu tuyến tại Km 210+00 (Cầu Giẽ), điểm cuối tuyến tại Km 260+030 (Quốc lộ 10). Dự án có tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng.

Tại lễ thông xe kỹ thuật, ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư dự án) cho biết: Do tính đặc thù của dự án, cộng với công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương bị chậm nên dự án đã gặp không ít khó khăn.

Tính đến ngày 30/6 tại thời điểm thông xe kỹ thuật vẫn còn một số đoạn thuộc gói thầu số 5 (48m), số 6 (40m) và số 7 (705m) do chậm giải phóng mặt bằng nên chưa đạt độ lún theo thiết kế. Tuy nhiên, để đảm bảo thời gian đưa dự án vào khai thác toàn tuyến trong tháng 7 này theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các phương án xử lý kỹ thuật

Ngay sau khi phát lệnh thông xe kỹ thuật dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho biết, đường cao tốc Giẽ- Ninh Bình là dự án cao tốc thứ hai của đất nước được đưa vào khai thác và cũng là dự án cao tốc đầu tiên được VEC thu hút đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trong nước.

Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo nhà thầu hoàn thiện những phần còn lại của dự án cũng như đề xuất các giải pháp tổ chức cần thiết để khai thác dự án. Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị các địa phương nơi có tuyến đường đi qua tạo điều kiện giúp đỡ để dự án khi đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả

Để cho việc thụân tiện đi lại, mới đây Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thông qua các phương án phân luồng giao thông.

Theo đó, phương tiện vận tải Bắc- Nam đi Nam Định, Thái Bình (theo QL 21) và ngược lại tiếp cận đường  cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình tại nút giao Đại Xuyên (điểm cuối của tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ) và nút giao Liêm Tuyền (kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình với tuyến tránh Phủ Lý và QL 21) để vào hoặc ra đường cao tốc.

Phương tiện vận tải giữa Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và ngược lại (qua Đồng Văn, cầu Yên Lệnh QL 38) tiếp cận đường cao tốc nút giao Đại Xuyên và nút giao Vực Vòng (giao giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL 38) để vào hoặc ra đường cao tốc

Phương tiện vận tải Bắc Nam, Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình theo QL 10 và ngược lại tiếp cận đường cao tốc tại nút giao Đại Xuyên và nút giao Cao Bồ (giao giữa đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình và QL 10) để vaò hoặc ra đường cao tốc.

Phương tiện Nam Bắc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đi Phủ Lý và ngược lại (qua cầu Yên Lệnh theo QL 38) tiếp cận đường cao tốc cầu Giẽ- Ninh Bình  tại nút giao Cao Bồ và Vực Vòng để ra hoặc vào đường cao tốc

Các phương tiện từ QL 1 tại Cầu Giẽ đi Hà Nội khi đi vào đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ phải lên cầu vượt nút giao Đại Xuyên để vào đường cao tốc.

 Rút ngắn một nửa thời gian Hà Nội đi Ninh Bình
Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa

Theo Quy định của Bộ Giao thông vận tải và để thống nhất với đoạn Pháp Vân- Cầu Giẽ- QL 21 đã được đưa vào khai thác, các phương tiện được lưu thông  trên đường cao tốc bao gồm xe ô tô con, ô tô khách, xe tải, xe container từ 20-40 Fit. Các phương tiện  mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy nổ, xe quá khổ, quá tải không được lưu thông trên đường cao tốc .

Cũng theo ông Trần Xuân Sanh, các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc phải trả phí sử dụng đường  và các phí dịch vụ khác. Mức phí chủ các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc  phải trả tương ứng với chiều dài quãng đường mà phương tiện lưu thông.

Trước đó, để cho dự án vận hành hiệu quả, an toàn,  ngày 15/6, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt và VEC cũng đã ký bản hợp tác.

Theo nội dung, VEC và Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt sẽ phối hợp toàn diện ở các mặt: Tuyên truyền hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ và các quy định đối với người, phương tiện khi tham gia giao thông trên đường cao tốc; Tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT; Nghiên cứu các vấn đề về tổ chức giao thông, ATGT, các giải pháp khắc phục bất cập trên tuyến đường; Chỉ đạo, hướng dẫn công tác điều tra xử lý TNGT, xử lý các tình huống, cứu hộ, cứu nạn, ùn tắc giao thông; Tổ chức vận hành, khai thác, duy tuy, bảo trì thường xuyên, định kỳ để đảm bảo an toàn, thông suốt cho các phương tiện; Phối hợp thực hiện các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo trật tự ATGT trên đường cao tốc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho rằng, với tốc độ khai thác rất lớn trên đường cao tốc thì công tác bảo đảm ATGT luôn phải đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, Công ty vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cũng tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, ATGT trên với công an các huyện, thị trấn, xã có tuyến đường đi qua.

Nội dung phối hợp chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, bảo vệ hành lang đường cao tốc, phòng chống và xử lý các vấn đề liên quan đến ATGT và trật tự an toàn xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Việc ký kết quy chế là cơ sở pháp lý để VEC O&M và công an các huyện, xã, thị trấn nơi có đường cao tốc đi qua quan hệ phối hợp tốt hơn nữa trong việc đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT trên tuyến đường bộ cao tốc đầu tay của VEC.

Việc hoàn thành dự án đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông trên QL 1A, đẩy mạnh giao thương giữa thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận .

Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đã thông xe gói thầu số 3 đường vành đai 3 Thành phố Hà Nội đoạn Thanh Xuân- Bắc Hồ Linh Đàm. Việc hoàn thành gói thầu số 3 trước 6 tháng góp phần đáng kể, giảm ùn tắc giao thông trên cung đường huyết mạch của thủ đô.

Theo Quỳnh Hoa / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

>> Sắp điều chỉnh mức phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
>> Đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
>> Tai nạn trên đường cao tốc
>> Xe chở gạch lật, chắn ngang đường cao tốc
>> TP.HCM xây nút giao thông phía đông, kết nối đường cao tốc
>> Giảm phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
>> Vắng tanh" trên đường cao tốc
>> Quy trình thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
>> 40 ôtô tông liên hoàn trên đường cao tốc
>> Đình chỉ công tác Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
>> Thi công ẩu đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
>> Nhật Bản tài trợ vốn cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
>> Xây đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: 1.200 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư
>> Kiến nghị sớm thành lập cảnh sát đường cao tốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.