Rủi ro gian lận từ thế 'kẹp' Trung - Mỹ

Anh Vũ
Anh Vũ
07/10/2019 06:21 GMT+7

9 tháng đầu năm 2019, VN nhập siêu và đón nguồn vốn FDI lớn nhất từ Trung Quốc , nhưng cũng lọt vào tốp 6 quốc gia xuất siêu, thâm hụt thương mại cao nhất với Mỹ.

Số liệu trên cùng một loạt vụ gian lận xuất xứ thương mại vừa qua cảnh báo rủi ro ở thế “kẹp” giữa hai siêu cường đối với VN là vô cùng khó lường.

VN đứng thứ 6 về xuất siêu sang Mỹ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019, xuất siêu của VN sang Mỹ đạt con số kỷ lục tăng tới 50% so với cùng kỳ, đạt 34,2 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến lên 27,7 tỉ USD. Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính; dệt may; giày dép; sản phẩm gỗ. Trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu; điện tử, máy tính, linh kiện; máy móc và thiết bị phụ tùng; vải; sắt thép…
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến VN trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các DN Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào VN, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm VN vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê)
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nhập siêu của Mỹ từ VN tăng khá mạnh từ năm 2014 đến năm 2018, từ mức hơn 24,8 tỉ USD năm 2014 lên gần 39,5 tỉ USD năm 2018. Năm 2018, VN trở thành quốc gia xuất siêu lớn thứ 6 vào Mỹ, còn Trung Quốc đứng đầu với 419,5 tỉ USD.
Ngoài cán cân thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào VN đang có sự thay đổi nhanh chóng. FDI từ các quốc gia truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần bị thay thế bởi Trung Quốc. Chỉ trong vòng 1 - 2 năm trở lại đây, Trung Quốc trở thành quốc gia đứng thứ 2 về vốn đăng ký, số lượng dự án FDI tại VN. 9 tháng năm 2019, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số dự án đăng ký mới. Trong đó, Hàn Quốc có 819 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỉ USD; Trung Quốc có hơn 400 dự án, tổng vốn đăng ký mới hơn 2 tỉ USD.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Những đợt áp thuế liên tục của Mỹ đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc đã tạo thuận lợi cho hàng hóa của VN xâm nhập thị trường Mỹ. Song, nó cũng gây ra nhiều lo ngại về tình trạng hàng Trung Quốc “đột lốt” hàng Việt. Trên thực tế, lo ngại này là hoàn toàn có thật.
Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết thời gian vừa qua, cơ quan này phát hiện một loạt vụ việc gian lận xuất xứ thương mại. Điển hình, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trần Vượng trong tờ khai hải quan có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100% có xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro, trên thùng carton có ghi tiếng Việt, nội dung loa NANOMAX của CTCP xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở tại TP.HCM, hàng Made in VN.
Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thành Quý và Công ty TNHH thương mại Aeolus Henan cũng đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan, nghi hàng giả nhãn mác. Công ty TNHH H.T khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc, nhưng qua kiểm tra phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in VN” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Cơ quan hải quan cũng xác minh làm rõ nghi vấn việc đưa hơn 1 triệu tấn nhôm hình, có xuất xứ (C/O) Trung Quốc, gửi hàng kho ngoại quan ở tỉnh này.

Những cảnh báo từ Mỹ

Xuất siêu vào Mỹ gia tăng là tín hiệu tích cực, nếu nhìn trên số liệu và hàng hóa mang xuất xứ hoàn toàn từ VN. Tuy nhiên, nếu là hàng Trung Quốc đeo mác Việt, hậu quả sẽ rất khó lường, một khi Mỹ phát hiện và đánh thuế.
Ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, lo ngại nguy cơ gian lận xuất xứ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã phải liên tiếp ban hành văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thực tế, một số mặt hàng của VN đã bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, như thép cán nguội và thép chống ăn mòn của VN sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc đã bị Hải quan Mỹ áp dụng mức thuế hơn 400%. Nhiều mặt hàng khác cũng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, như: pin năng lượng mặt trời, xe đạp, tôm, xe tay nâng… Các nước điều tra chủ yếu là Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Không chỉ tìm đường “vượt biên” vào VN để xuất sang Mỹ, hiện tại, đang có khá nhiều lo ngại về tình trạng hàng Trung Quốc lập “cứ địa” ngay tại VN, khi dòng vốn FDI từ quốc gia này bỗng tăng đột biến, vươn lên tốp đầu sau nhiều năm. Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), thừa nhận VN đang đối mặt với một số thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn từ 2 nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông. Trong đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc có thể khiến VN trở thành “cứ điểm” hàng hóa của các DN Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa vào VN, rồi xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Điều này có thể vô tình làm VN vi phạm các cam kết về xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá.
Trao đổi với Thanh Niên, một quan chức của Chính phủ tỏ ra vô cùng lo ngại về tình trạng này, ông cảnh báo: “Áp lực lớn nhất hiện nay chính ở chỗ chúng ta nằm ở thế kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu không quản lý được gian lận xuất xứ, không giữ được chính sách tiền tệ ổn định, để Mỹ liệt vào quốc gia thao túng tiền tệ, hỗ trợ cho thâm hụt thương mại với Mỹ, hậu quả rất khó lường. Mỹ sẽ gia tăng đánh thuế, lập hàng rào kỹ thuật... hàng Việt sẽ hết cửa vào Mỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.