Rủi ro của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam đó là tội phạm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
27/04/2021 18:08 GMT+7

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo khoa học quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”.

 

Hội thảo khoa học do Trường đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 27.4. Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng 6 xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu từ năm 2021 - 2030 đó là chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, thay đổi chính sách tiền tệ tài khóa, tài cấu trúc - chuẩn hóa, tài chính xanh và hội nhập quốc tế. Kinh tế Việt Nam hiện bắt nhịp 6 xu hướng chủ đạo trên. Riêng về phát triển tiền kỹ thuật số, Việt Nam thuộc nhóm thận trọng xem xét bởi lo ngại những tác động tiêu cực, rủi ro. Một trong những rủi ro thách thức của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam đó là tội phạm.
Báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Công ty an ninh mạng Viettel cho biết, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam. Trong đó, 4 chiến dịch tấn công phishing khiến 26.000 người dùng ngân hàng bị ảnh hưởng; các hình thức tấn công cũng đa dạng và tinh vi, phổ biến là khai thác web (chiếm 77,6%), mã độc hại (12,1%), vét cạn (3,9%), các loại hình tấn công khác như từ chối dịch vụ, nhắm vào thiết bị di động chiếm 6,5%.  
Liên quan đến tội phạm tài chính, ông Thomas Hung Tran chia sẻ, bên cạnh giới làm ăn phi pháp núp bóng các doanh nghiệp hợp pháp, Việt Nam đang là mục tiêu của nhiều nhóm tội phạm tài chính xuyên quốc gia tìm kiếm miền đất để chuyển hóa nguồn vốn bất hợp pháp. "Không thể phủ nhận các hoạt động kinh tế số đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, với đặc điểm không yêu cầu nhiều sổ sách và chứng từ, kinh tế số đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới tội phạm tài chính, nhất là khi các giao dịch gần như không để lại nhiều dấu vết như kinh tế truyền thống, khung pháp lý và quản lý về pháp luật vẫn đang bỏ ngỏ"- ông Thomas Hung Tran nhấn mạnh.
Theo ông Thomas Hung Tran : Nên thành lập cơ quan chuyên trách về hành vi tài chính. Trong giai đoạn đầu, cơ quan này cần tập trung vào các hành vi dễ bị lợi dụng bởi giới tội phạm tài chính. Về các hành vi khác trên thị trường, như giao dịch và phân phối sản phẩm tài chính và cạnh tranh không lành mạnh, có thể nghiên cứu và đưa vào thực hiện trong tương lai xa. Để hoạt động hiệu quả và nắm bắt được các thông tin quan trọng, cơ quan này cần được Chính phủ trực tiếp phân công chuyên trách về an ninh và tội phạm kinh tế, cũng như với các định chế tài chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.