Rộng đường đi lao động châu Âu

Thu Hằng
Thu Hằng
11/01/2019 06:56 GMT+7

Việc VN vừa ký thỏa thuận về hợp tác lao động và an sinh xã hội với một số nước châu Âu mở rộng con đường đưa lao động tới các thị trường này trong 5 năm tới.

Cụ thể, sau chuyến thăm và làm việc tại Bulgaria và Rumani tháng 12.2018, Bộ LĐ-TB-XH đã ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bộ Lao động và chính sách xã hội Bulgaria; ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội với Bộ Lao động và công bằng xã hội Rumani. Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Nhu cầu hàng trăm ngàn lao động

Tay nghề của lao động có thể nâng cao, nhưng ý thức kỷ luật quyết định chất lượng công việc. Chủ sử dụng khó mà chấp nhận nếu lao động ý thức đạo đức kém, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp
Ông Đào Công Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH, Rumani đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt trong một số ngành nghề như: hàn, xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động VN sang làm việc.
Với thị trường Bulgaria, phía bạn nêu rõ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người lao động VN sang làm việc trong một số ngành nghề, như: nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, sản xuất chế biến, lái xe. VN có thể cung ứng 50.000 lao động các lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Mức lương cơ bản từ 600 - 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề; thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn).
“Nhu cầu tiếp nhận lao động của 2 nước Đông Âu là rất lớn vì kinh tế ở các nước này đang tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, do già hóa dân số và phần lớn lao động Rumani, Bulgaria di cư sang các nước Tây Âu làm việc, nên lao động trong một số ngành nghề ở các nước này đang thiếu hụt trầm trọng. Việc ký kết thỏa thuận giữa VN với cơ quan chức năng hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả XKLĐ và đào tạo nghề”, ông Nam nói.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết hiện mỗi năm có khoảng 150.000 lao động VN đi làm việc ở nước ngoài, trong đó việc khai mở thị trường châu Âu được Bộ LĐ-TB-XH đặc biệt chú trọng. Dự báo trong những năm tới, các doanh nghiệp phía bạn cần nguồn cung lên tới hàng trăm ngàn người. “Chúng tôi nhận thấy Rumani và Bulgaria là thị trường tiềm năng có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn; các ngành nghề phù hợp với người lao động VN; chủ sử dụng không đòi hỏi quá cao về kỹ năng nghề; mức lương và thu nhập của người lao động được đảm bảo. Với sự nỗ lực của các bên, trong tương lai sẽ có nhiều lao động VN có cơ hội sang làm việc hợp pháp tại hai quốc gia Đông Âu này”, Bộ trưởng LĐ-TB-XH nhận định.
Rộng đường đi lao động châu Âu
Nguồn: Cục quản lý lao động ngoài nước - Lao động VN chuẩn bị xuất cảnh sang Rumani Ảnh: H.Bình - Đồ họa: Phúc Hải

Lương cao, chi phí “mềm”

Phạt 80 - 100 triệu đồng nếu bỏ trốn

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, phá hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động thì căn cứ vào Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng; đồng thời bị buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm.
Trong tháng 11 - 12.2018, Công ty XKLĐ Việt Thắng thông báo 3 đợt tuyển dụng lao động sang thị trường Hungary với số lượng lên tới gần 300 người. Trong đó, ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất là xây dựng. Mức thu nhập chủ sử dụng lao động đưa ra đối với lao động có tay nghề thợ mộc, thợ xây, thợ sắt 900 - 1.000 USD (20 - 22 triệu đồng); y tá công trường 1.600 USD (35 triệu đồng). Đối với những lao động có trình độ cao như kỹ sư trắc địa lương từ 1.800 - 2.200 USD/tháng (40 - 48 triệu đồng); kỹ sư xây dựng lương 3.100 - 3.600 USD/tháng (68 - 80 triệu đồng).
Dù mới đưa vào khai thác thị trường châu Âu từ cuối năm 2017, nhưng ông Nguyễn Viết Xuân, thành viên HĐQT Công ty Việt Thắng, cho hay đến nay công ty đã đưa được khoảng 800 lao động sang các nước khu vực này. “Phía đối tác đang cần tuyển dụng lao động xây dựng với số lượng lớn cho một dự án hợp tác với Hàn Quốc. Do đó, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những lao động có tay nghề xây dựng, lắp đặt đường ống thoát nước và từng làm việc tại nước ngoài. So với mặt bằng chung, mức lương ở các nước châu Âu tương đối hấp dẫn, hợp đồng ổn định, chế độ đãi ngộ tốt. Ngoài thị trường Hungary, công ty cũng có nhiều đơn hàng tuyển lao động sang Rumani, Bulgaria… với mức thu nhập trên dưới 1.000 USD/tháng. Chúng tôi đang chuẩn bị nguồn đưa lao động sang Ba Lan vào năm 2019”, ông Xuân cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hán, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân, thị trường châu Âu có nhiều thuận lợi với lao động VN, như: nhân quyền tốt, thời tiết khí hậu không quá khắc nghiệt, đặc biệt là mức lương cao hơn khoảng 20% so với các thị trường Trung Đông, Bắc Phi. “Hầu hết chủ sử dụng lao động trực tiếp tuyển người. Tiêu chuẩn tuyển dụng lao động không quá khắt khe; lao động từ 22 - 45 tuổi, ngoài tay nghề thành thạo, phải biết đọc bản vẽ; có thể giao tiếp tiếng Anh ở mức cơ bản. Đối với những lao động là kỹ sư, đốc công yêu cầu tiếng Anh chuyên sâu”, ông Hán chia sẻ.
Về chi phí xuất cảnh, theo các công ty XKLĐ, tùy từng đơn hàng nhưng nhìn chung chi phí khá “mềm”, trên dưới 50 triệu đồng. “Hợp đồng lao động ký kết 2 năm; ăn, ở do chủ sử dụng chi trả; tiền lương hằng tháng chuyển về gia đình tại VN. Chủ sử dụng cung cấp vé về khi người lao động kết thúc hợp đồng. Người lao động nếu có nhu cầu vay vốn đi XKLĐ, công ty cũng cung cấp đầy đủ hồ sơ và hướng dẫn thủ tục vay vốn tại ngân hàng”, ông Xuân nói.

Siết chất lượng lao động

Theo ông Tống Hải Nam, Bulgaria và Rumani là thị trường mới ở châu Âu nhưng chưa tham gia Hiệp ước Schengen nên việc cấp visa cho người lao động VN khá thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chất lượng lao động có đáp ứng được tác phong công nghiệp khi làm việc tại châu Âu hay không.
Ông Đào Công Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhận định: “VN giữ được thị trường này hay không phụ thuộc rất lớn vào người lao động”. “Trước đây nhiều doanh nghiệp tuyển lao động tự do, đào tạo không bài bản dẫn đến đánh mất nhiều thị trường tiềm năng. Thị trường châu Âu có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm ý thức của người lao động. Tay nghề của lao động có thể nâng cao, nhưng ý thức kỷ luật quyết định chất lượng công việc. Chủ sử dụng khó mà chấp nhận nếu lao động ý thức đạo đức kém, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp”, ông Hải nói.
Đại diện một doanh nghiệp XKLĐ khai thác thị trường Rumani từ năm 2017 cũng cảnh báo: “Nhiều lao động, nhất là các bạn trẻ dưới 25 tuổi, có xu hướng đứng núi này trông núi nọ. Người lao động phải làm việc thực sự mới được trả lương cao”. Ông này cho biết doanh nghiệp đã đề nghị Bộ LĐ-TB-XH được hợp tác với các trường nghề đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn, đào tạo lao động về tay nghề, ngoại ngữ trước khi xuất cảnh; tác phong, kỷ luật lao động, ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài...
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN, nếu so sánh với thị trường lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, mức lương tại các nước châu Âu không hề thua kém. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt, con người và khí hậu khá thuận lợi cho lao động VN. Tuy vậy, ông Tân cũng bày tỏ lo ngại khó quản lý lao động nếu các doanh nghiệp đưa người lao động đi châu Âu ồ ạt: “Trước đây, các lao động đi XKLĐ ở các nước Đông Âu có tư tưởng vừa đi làm, vừa đi buôn. Chúng ta đã ký kết hợp tác lao động với một số nước; việc đi lại giữa các nước ở châu Âu khá thuận lợi; chưa xảy ra các sự cố lao động bỏ trốn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các thị trường khác, không nên chủ quan; cần thận trọng, không nên đưa đi ồ ạt mà phải thí điểm trước”.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho rằng ngoài chuẩn bị tài liệu, giáo trình hướng dẫn, Bộ LĐ-TB-XH nên thành lập các ban quản lý thị trường giống như ở: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Các ban này có nhiệm vụ trao đổi thông tin thường xuyên giữa các doanh nghiệp, người lao động để ngăn chặn rủi ro. Về phía doanh nghiệp, cần phải tìm hiểu kỹ đối tác, hợp đồng cung ứng lao động, đặc biệt chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh lao động bỏ hợp đồng.

Muốn sang châu Âu làm việc,  cần điều kiện gì ?

Hiện các doanh nghiệp tuyển lao động sang châu Âu chủ yếu tuyển dụng lao động nam làm việc trong ngành xây dựng, mộc, hàn, may công nghiệp... Một số ngành nghề như: may mặc, chế biến thực phẩm... tuyển dụng lao động nữ. Ưu tiên cho những người lao động đã có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài với công việc đăng ký tham gia.
Điều kiện tuyển dụng là người lao động phải có chứng chỉ tay nghề, trình độ học vấn từ THPT trở lên, nằm trong độ tuổi từ 21- 45 và có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngành nghề tham gia. Người lao động phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt, không mắc các bệnh viêm gan B, C, HIV, giang mai, hoa liễu; tiền sử bệnh não, tim, gan, bệnh mãn tính; tư cách đạo đức tốt, không tiền án, tiền sự, trung thực, đạo đức tốt.
Ngoài mức lương được hưởng, người lao động còn được chủ sử dụng đóng bảo hiểm, chăm sóc y tế; có phương tiện đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; miễn phí chỗ ăn, ở. Thời gian làm việc: 8 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần. Thời gian làm thêm từ 2 - 4 giờ/ngày.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.