Ra mắt sách về phát triển nông nghiệp công nghệ cao

07/11/2019 20:24 GMT+7

Nông nghiệp công nghệ cao đang là chủ đề thời sự hiện nay.

Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và cả nông dân đang trăn trở đi tìm câu trả lời “làm sao phát triển được nông nghiệp công nghệ cao?” hay “làm sao nâng cao năng suất, chất lượng và giải quyết đầu ra cho nông sản?”.
Vấn đề này phần nào sẽ được giải đáp trong cuốn sách mới ra “Hoạch định phát triển nông nghiệp công nghệ cao” của chuyên gia Marketing - tiến sĩ Lê Đăng Lăng và Phó giáo sư Lê Tấn Bửu cùng nhóm nhà khoa học do Nhà xuất bản Kinh tế TP.HCM phát hành.
Cuốn sách bắt đầu với Phần 1 trình bày cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm phân tích tình hình nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của một số quốc gia trên thế giới như Israel, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc... và tại Việt Nam; trong đó, nhóm tác giả đã tổng hợp, đúc kết và đề xuất cách hiểu về nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng thị trường cho phù hợp đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Điểm đặc biệt của phần này có lẽ nằm ở Chương 2 khi trình bày sự ảnh hưởng của môi trường vĩ mô với một nghiên cứu cơ bản đề xuất mô hình đo lường khái niệm hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sự tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội, pháp luật, công nghệ và tự nhiên.
Kết thúc phần này, nhóm tác giả cũng đã trình bày những chủ trương, chính sách pháp lý liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở để các địa phương, chuyên gia và nhà đầu tư tìm hiểu, phân tích nhằm hoạch định hướng đi riêng cho phù hợp.
Phần 2 của cuốn sách trình bày thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Các tác giả đã chỉ ra thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại một số địa phương, đặc biệt nhấn mạnh một số tỉnh Tây nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông. Với những biểu đồ và số liệu cụ thể, cuốn sách đã chỉ ra những thành tựu và tồn đọng của nền nông nghiệp.
Đặc biệt, phần này đã trình bày chi tiết thái độ của nông dân đối với vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù dữ liệu chỉ được khảo sát tại tỉnh Đắk Nông, nhưng cũng đã cung cấp cho người đọc có cái nhìn tổng thể về thực trạng suy nghĩ, tâm tư của bà con nông dân đối với vấn đề này.
Kết thúc Phần 2, cuốn sách đã trình bày thị trường tiêu thụ một số nông sản chính của Việt Nam; trong đó, các tác giả đã đưa ra một số dự báo về thị trường xuất khẩu hồ tiêu, cà phê với những cảnh báo và giải pháp thực hiện.
Phần 3 cũng là phần cuối của cuốn sách là tình huống vận dụng với việc hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho một địa phương. Phần này đã trình bày cấu trúc của một chiến lược bao gồm cơ sở hoạch định, mục tiêu phát triển và chiến lược, giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao với những loại cây trồng, vật nuôi cùng năng suất được hoạch định cụ thể.
Đặc biệt, phần này đã gợi ý một số giải pháp công nghệ chính nên được quan tâm, vận dụng, bao gồm công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ khí, thêm vào đó là những mô hình tổng hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cuốn sách về chủ đề có tính thời sự, từ một công trình khoa học đã chuyển giao cho địa phương, được tiến sĩ Lê Đăng Lăng và Phó giáo sư Lê Tấn Bửu cùng một số nhà khoa học viết tỉ mỉ, chỉnh chu, sách bìa mềm, in màu, khổ lớn, dàn trang khá bắt mắt, được bán tại một số nhà sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.