Ra khỏi phòng tắt điện, che chắn cửa sổ

Đình Sơn
Đình Sơn
06/04/2021 20:00 GMT+7

Đó là lời khuyên của chuyên gia tại buổi tọa đàm về sử dụng điện mùa nắng nóng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 6.4.

Giải đáp các câu hỏi của bạn đọc, TS Nguyễn Dáo, thuộc khoa Điện - Điện tử ĐH Tôn Đức Thắng đã có những chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm điện vào mùa hè này, đặc biệt là khu vực miền Nam. Theo ông ai cũng suy nghĩ đồng tiền thì có hạn, tiêu pha sao cho tiết kiệm, hợp lý, cuộc sống ai cũng muốn hoàn thiện cho nên điện lạnh khu vực miền Nam trở thành một nhu cầu không thể thiếu.
Nếu phụ tải một tòa nhà thì thường 50-60% là điện lạnh, thậm chí đường lạnh có đường dây đi riêng, không đi chung với các thiết bị khác bởi nó tiêu thụ lượng điện rất lớn, vào mùa nắng nữa thì điều đó càng cấp bách hơn.

TRỰC TUYẾN: Sử dụng điện mùa nắng nóng hiệu quả, tiết kiệm, an toàn

"Vậy dùng điều hòa như thế nào và để điều hòa 26 độ thì nếu tăng, giảm 1 độ sẽ tiết kiệm như thế nào?- một bạn đọc hỏi. TS Nguyễn Dáo trả lời : Các hãng sản xuất máy điều hòa nhiệt độ đều có dán nhãn ghi rõ nhiệt độ ngoài trời là 35 độ, trong nhà là 27 độ, nếu tăng hoặc giảm nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến công suất lạnh của máy.
“Về máy móc có quy định: nếu nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ thì công suất lạnh giảm 1,5%. Máy đáng lẽ chạy 2 kw điện lạnh thì không được như thế nữa, tức công suất máy tự nhiên nhỏ lại. Nếu nhiệt độ trong nhà là 27 độ, đưa xuống 26 độ là công suất lạnh sẽ giảm đi 4%, tức mất 4% của 2 kw điện”, TS Dáo cho biết và dẫn chứng, ví dụ nhiệt độ bên ngoài đang 40 độ, tức chênh 5 độ so với công suất xuất xưởng của máy, vậy chúng ta mất 7,5% công suất. Tức máy 2 kw chỉ còn 1,8 kw. Nếu đặt nhiệt độ trong nhà giảm đi 1 độ nữa là 26 độ, thì sẽ mất thêm 4% nữa là mất tới 12% công suất.
Cũng theo TS Dáo, việc liên tục thay đổi nhiệt độ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới máy lạnh, làm tiêu tốn điện năng. Bởi cơ chế hoạt động của máy lạnh là không liên tục, chạy rồi dừng theo nhiệt độ bên ngoài nên nếu để chạy thiếu công suất liên tục như vậy thì càng ngày điện năng tiêu hao càng nhiều hơn. Vì chạy lâu máy nóng, giải quyết không được việc làm mát cho máy thì chu trình làm việc của các mô chất trong máy sẽ không ổn định nữa. Tức chạy nhiều sẽ tổn hao năng lượng càng nhiều.
Theo tiến sĩ, không nên đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp, điều kiện sống thích hợp của con người khoảng từ 23-26 độ, mùa hè nên đặt tối đa là 26 độ, không nên hạ thêm vì sẽ làm giảm công suất máy theo.
Tiến sĩ Nguyễn Dáo cũng lưu ý người dân cần đặc biệt chú ý che chắn cửa sổ, vì đây là nơi nhận trực tiếp 100% năng lượng mặt trời vào phòng, điều này sẽ làm máy lạnh tiêu tốn thêm điện năng để làm mát phòng. Chỉ cần che chắn năng lượng mặt trời qua cửa sổ có thể tiết kiệm 50% điện năng.
Ngoài ra, không nên cho quá nhiều gió tươi vào phòng, bao gồm cả việc mở cửa và sử dụng quạt hút vì gió bên ngoài mang nhiều hơi nóng, khi vào phòng sẽ không thể thoát ra và làm căn phòng trở nên nóng hơn, điều này cũng kéo theo tiêu tốn thêm điện năng để làm mát lại căn phòng. Bảo dưỡng máy lạnh thường xuyên cũng là vấn đề then chốt trong việc tiết kiệm điện.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Độc Lập

Về đầu tư các trang thiết bị tiết kiệm điện trong chung cư, tiến sĩ cũng lưu ý nhiều điều như nhất thiết khi ra khỏi phòng phải tắt điện, che chắn cửa sổ. Đặc thù chung cư à càng lên cao không khí càng mát, gió càng nhiều nên việc tận dụng những luồng khí tự nhiên này cũng giúp cải thiện đáng kể mức tiêu hao điện năng.

Không mua đồ cũ, hại điện

Về mua sắm thiết bị điện, TS Nguyễn Dáo nhấn mạnh không được mua đồ cũ vì các thiết bị cơ khí hoạt động không trơn tru làm tiêu tốn điện năng. Thứ hai phải mua hàng tại những hãng uy tín, có chu trình sản xuất và kiểm định kỹ càng.
“Mua 1 cái máy điều hòa không khó vì nó có hơn chục triệu, nhưng nếu dùng máy đó 1 tháng trả 1 triệu tiền điện thì 10 tháng là hoàn vốn. Cho nên đừng tiếc tiền mua máy tốt, thậm chí máy đắt gấp đôi cũng đáng vì điện năng tiêu tốn chỉ bằng 30% máy cũ”, TS Nguyễn Dáo chia sẻ.
Với thắc mắc nên rút các phích cắm các thiết bị điện để tiết kiệm điện hay không. Các căn hộ thường ra ngoài sẽ sập cầu giao tổng nhưng lại vướng tủ lạnh, vậy có cách nào giải quyết hay không? TS Nguyễn Dáo cho rằng, nên tắt hoàn toàn công tắc điện dẫn vào thiết bị, ví dụ như tivi khi tắt bằng điều khiển thì vẫn còn một số bộ phận hoạt động tiêu tốn năng lượng. Nên bố trí công tắc ngắt điện thay vì cứ rút ra rút vào phích cắm. Bàn là cũng vậy, khi gần là xong thì nên tắt điện, để phần còn lại nhiệt dùng thêm một lúc nữa.
Ông cũng khuyến cáo, nên dùng thiết bị nào tắt thiết bị đó chứ không nên tắt cầu dao toàn bộ ngôi nhà vì dính tủ lạnh. Với những tòa nhà, chung cư, cơ quan là sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm. Nếu sử dụng máy điều hòa trung tâm, các hệ thống kiểm soát nhiệt độ đặt nhiều chỗ nếu một chỗ để nhiệt độ quá thấp sẽ kéo cả dàn lạnh chạy theo nhiệt độ đó, điều này làm tiêu tốn điện năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.