Quyết liệt dẹp nạn sim rác

08/12/2016 09:00 GMT+7

Các nhà mạng đang khẳng định quyết liệt thu hồi sim rác cũng như chặn tin nhắc rác nhưng vấn nạn này vẫn chưa dứt hẳn.

Hàng triệu sim cần truy quét
Sáng 7.12, khi ghé vào một số cửa hàng điện thoại trên đường 3 Tháng 2 (TP.HCM) hỏi mua sim, ngay lập tức chúng tôi được cung cấp danh sách gần 500 sim của cả ba nhà mạng lớn nhất hiện nay là Viettel, MobiFone và Vinaphone. Trong số đó có khoảng một nửa là những sim đã được kích hoạt sẵn với giá bán từ 140.000 đồng trở lên và trong tài khoản đã có sẵn tiền khuyến mãi từ 30.000 - 100.000 đồng.
Khi được hỏi sim này khi nào hết hạn, chủ cửa hàng cho biết chỉ cần trong vòng 2 tháng có sử dụng là được. Theo quy định, sim chỉ sử dụng được sau khi đăng ký thông tin. Nhưng khi chúng tôi mua và gắn sim vào máy thì sử dụng được ngay mà không cần phải cung cấp thông tin. Dù vậy chủ cửa hàng này cũng thừa nhận, trong danh sách hiện tại, đã có một phần bị nhà mạng khóa trong đợt rà soát thu hồi sim rác vừa qua.
Tương tự, tại “phố sim” Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội, đại lý số 182 vẫn công khai bán sim rác. Trong vai khách hàng hỏi mua sim, nhân viên cửa hàng nhiệt tình mời chào: “Anh mua sim có hay không có 3G. Nếu có 3G giá 100.000 đồng tài khoản có 330.000 đồng, dung lượng 12 GB, miễn phí 300 phút và 300 tin nhắn nội mạng”. Khi được hỏi sim đã kích hoạt chưa, nếu dùng liệu có bị khóa không, nhân viên này đáp: Bọn em kích hoạt sẵn rồi, anh cứ lắp vào máy dùng bình thường, nhưng 3G miễn phí trong tháng này thôi, nếu dùng phải đăng ký lại. Tại cửa hàng Quỳnh Anh cũng trên phố này, nhân viên nữ nhanh như cắt đưa ra một tập sim đã kích hoạt sẵn từ MobiFone, Vinaphone đến Viettel với đủ các loại số cho khách hàng lựa chọn và cho biết cửa hàng đã kích hoạt sẵn rồi. Cô nhân viên cẩn thận dặn, trước ngày 21 hằng tháng nhà mạng "soi" xem sim hoạt động thường xuyên không để cắt nên phải ra đăng ký lại để không bị khóa.
Quyết tâm khóa sim kích hoạt sẵn của nhà mạng đã mang lại hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, việc các cửa hàng, đại lý vẫn công khai bán sim rác cho thấy còn rất nhiều việc phải làm. Tại cuộc họp của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ngày 6.12, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, đến ngày 2.12, đã có hơn 12 triệu sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn, sau khi bị xử lý có hơn 600.000 thuê bao đã đăng ký lại thông tin. Như vậy, có hơn 11 triệu sim bị khóa tài khoản, trong đó có 3,8 triệu sim của Vinaphone, 3,7 triệu sim của Viettel và 3,3 triệu sim của MobiFone. Cho đến thời điểm này, các nhà mạng bắt đầu tiến hành giai đoạn 2 thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối.
Còn ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT), cho biết thêm trong tháng 10 Viettel đã kích hoạt 4,2 triệu sim, trong đó số sim phải chặn là 2,2 triệu; Vinaphone kích hoạt 2,8 triệu sim và phải chặn khoảng 1 triệu sim; MobiFone đã kích hoạt 1,8 triệu sim và phải chặn 500.000 sim… Đây là số lượng sim rác các nhà mạng vẫn phải tiếp tục chiến dịch truy quét trong thời gian tới.
Chưa hết nạn tin nhắn rác
Theo Bộ TT-TT cũng như các nhà mạng, việc xử lý quyết liệt sim rác nhằm mục tiêu từ đó xóa bỏ được tin nhắn rác. Thế nhưng, ông Nguyễn Khắc Lịch cũng cho biết, trong tháng 11 vừa qua, tổng đài ghi nhận phản ánh tin nhắn rác do VNCERT quản lý đã ghi nhận 14.961 lượt, trong đó nhà mạng Vinaphone chiếm 50,3%; giảm 29% so với tháng trước; MobiFone chiếm 41,8%, tăng 13,8%; Viettel chiếm 6%, giảm 25,3%; Vietnamobile chiếm 1,7%, tăng 50%. Bản thân Viettel cũng cho biết đã chặn tổng cộng 157 triệu tin nhắn rác trong 11 tháng của năm 2016 và chặn 9,5 triệu tin nhắn rác chỉ riêng trong tháng 11.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, cho biết bản thân ông hằng ngày vẫn liên tục nhận được các tin khuyến mãi, chào mời từ các tổng đài. Ngay cả việc áp dụng các phần mềm lọc tin nhắn rác cũng không thể ngăn chặn hết. Theo ông Vũ, chặn sim rác chỉ mới là một giải pháp để hạn chế tin nhắn rác vì tất cả các sim còn hoạt động đều có thể sử dụng để nhắn tin cho người khác. Do đó bên cạnh việc xóa bỏ sim rác, các nhà mạng phải xem xét lại dịch vụ cho một sim cùng lúc gửi tin nhắn nhiều người với cước phí rất thấp. Có nhà mạng đưa ra dịch vụ chỉ với 2.000 đồng một khách hàng có thể nhắn tin không giới hạn số lượng trong một ngày… Những chính sách này đã tiếp tay cho những kẻ cố tình bỏ “bom” tin nhắn rác cho người dùng điện thoại. Đồng thời, nhà mạng phải quản lý chặt hơn nữa các tổng đài kinh doanh qua đầu số bởi đây cũng là những đối tượng chính phát tán tin nhắn rác hằng ngày.
Tương tự, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Công ty an ninh mạng BKAV, cho biết tính từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 vừa qua theo hệ thống đo đếm của công ty này thì lượng tin nhắn rác vẫn ở mức gần 14 triệu tin nhắn rác dội “bom” khách hàng mỗi ngày. Trong đó, nguồn phát tán từ sim rác chỉ là một phần, còn đa số đến từ các đầu số dịch vụ và các tin nhắn mang thương hiệu công ty. Do đó ngoài việc xử lý nạn sim rác, nhà mạng phải mạnh tay xử lý các đầu số và dịch vụ tin nhắn mang thương hiệu công ty vì gần đây, các loại tin nhắn này khá nhiều. Chỉ khi đó mới hy vọng tin nhắn rác giảm bớt so với tình trạng phổ biến như hiện nay.
Trước đó, chỉ đạo tại cuộc kiểm tra thu hồi sim kích hoạt sẵn đăng ký sai thông tin thuê bao, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn yêu cầu các nhà mạng phải vào cuộc quyết liệt với vấn đề xử lý sim rác, để từ đó xóa bỏ được tin nhắn rác. Việc này theo ông Tuấn có thể ảnh hưởng lợi ích của nhà mạng, của đại lý và của cả người tiêu dùng nhưng phải kiên quyết làm để tránh lãng phí tài nguyên kho số, và quan trọng hơn là để đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội. Ông cũng yêu cầu Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT-TT thường xuyên kiểm tra công tác xử lý sim đăng ký sai quy định, các doanh nghiệp viễn thông cũng cần thường xuyên kiểm tra lẫn nhau chứ không chỉ làm theo từng đợt thanh tra. Đồng thời khẳng định, nếu đơn vị nào xảy ra sai phạm sẽ xử lý người đứng đầu đơn vị đó, nhất là đối với các đơn vị trực thuộc ngành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.