Quyền năng mới có thuộc về chiếc điện thoại thông minh?

21/01/2013 05:00 GMT+7

Bất chấp nền kinh tế suy thoái, kinh tế khó khăn, sự phát triển nhanh chóng về số lượng lẫn mức độ thông minh của chiếc điện thoại thông minh (smartphone) đang tạo nên một xu hướng truyền thông mới đầy quyền năng, cuốn theo sự thay đổi ngoạn mục của các phương tiện truyền thông…

Quyền năng mới có thuộc về chiếc điện thoại thông minh?
Chị Trần Thị Lan Thanh
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông tập trung Mặt Trời Vàng (Goldsun Focus Media) - Ảnh: Nghĩa Phạm

Nhân Diễn đàn Mobile maketing toàn cầu lần đầu tổ chức tại Việt Nam (VN), Thanh Niên đã trò chuyện với 2 phụ nữ có cùng tâm huyết, đam mê và dám tiên phong đối với phương tiện truyền thông mới, quảng cáo trên mobile: Trần Thị Lan Thanh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông tập trung Mặt Trời Vàng (Goldsun Focus Media) và Bùi Nguyễn An Phương, Phó tổng giám đốc Group M.

Trong khi khái niệm quảng cáo trên mobile vẫn còn là khái niệm khá mơ hồ, hầu hết các công ty media vẫn còn tập trung vào quảng cáo trên báo in, ti vi và web… thì Sosmart (dịch vụ chuyên về mobile của Goldsun Focus Media) lại đầu tư không ít tiền để mang Diễn đàn Mobile marketing toàn cầu đến VN. Có quá sớm không?

Quyền năng mới có thuộc về chiếc điện thoại thông minh?
Chị Bùi Nguyễn An Phương
Phó tổng giám đốc Group M

Lan Thanh: Với tốc độ tăng rất nhanh về lượng người truy cập internet từ điện thoại hiện nay, tôi tin rằng mobile sẽ nhanh chóng trở thành kênh truyền thông số 7 trong tương lai rất gần. Sosmart muốn là đơn vị dám tiên phong trong lĩnh vực đầy mới mẻ này.

Từ góc nhìn của những người làm quảng cáo chuyên nghiệp, theo chị thách thức lớn nhất khi dám tiên phong trong lĩnh vực này là gì? 

Lan Thanh: Đầu tư để đón đầu thường chi phí rất lớn, lợi nhuận nhỏ khi thói quen tiêu dùng chưa có. Một cổ đông của chúng tôi nhận định rằng: “Mobile là xây nhà trên đầm lầy!”. Tại sao như thế? Cái nhà dù trên đầm lầy vẫn có thể ở được, nhưng chắc chắn nó sẽ sập để làm nền cho cái nhà kế tiếp và sẽ sập cho đến khi không còn là đầm lầy thì thôi! Tôi thích khái niệm này. Bởi với smart phone, công nghệ thay đổi không ngừng. Chúng tôi đã xây “cái nhà mobile đủ nhỏ để ở” và lúc nào cũng sẵn sàng cho tinh thần nó sẽ sập để làm nền móng cho cái kế tiếp. Thách thức lớn nhất đối với người đi tiên phong là nếu mình thành công, thị trường sẽ có thêm nhiều người thành công, nếu mình ngã thì mình sẽ là chiếc cầu cho người đi sau thành công.

An Phương:  Phần lớn khách hàng đều biết về xu hướng quảng cáo trên mobile nhưng 79% các nhà quảng cáo lớn nhất thị trường chưa có phiên bản  dành cho giao diện mobile. Chỉ mới có khoảng 3% các thương hiệu có thể hiểu được trải nghiệm trên mobile của khách hàng của họ. 90% các thương hiệu Group M phục vụ chưa có mobile site và chưa từng chạy chiến dịch nào trên mobile.

Chị có tin chắc mình thành công, khi thói quen mới chưa hình thành và các phương tiện truyền thống vẫn còn là sự lựa chọn chiếm ưu thế? 

Lan Thanh: Không thể nói chắc mình thành công 100%, nhưng tôi có niềm tin vào đầu tư để tin rằng mình có cơ hội thành công nhiều hơn người khác.

Có ý kiến cho rằng: “Trong 5 năm tới, mobile sẽ có nhiều cải tiến, đổi mới hơn cả 30 năm trước gộp lại”. Hiện có hàng ngàn loại thiết bị và hệ điều hành mobile phát triển chưa có điểm dừng, chị hình dung điểm đến của smartphone là gì?

Lan Thanh: Chắc chắn, tương lai chỉ thuộc về một số ít hệ điều hành thông minh nhất, chẳng hạn hệ điều hành Android hay iOS. Chẳng hạn, thị trường Singapore tập trung iOS, ở Hàn Quốc ưa chuộng Android và Indonesia sùng bái hệ điều hành Symbian… Bạn thấy đó, chiếc iPhone đã làm thay đổi thế giới và thu hẹp khoảng cách các quốc gia.  

Là đại diện quảng cáo dẫn đầu, tập trung phần lớn các nhãn hàng đa quốc gia, chị đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường mobile?

An Phương: Năm 2011, ngân sách dành cho quảng cáo trên mobile đã tăng 121% so với năm 2010 và đã phục vụ tới 6 tỉ lượt hiển thị quảng cáo. Người tiêu dùng sử dụng khoảng 4,5h/ngày cho các phương tiện truyền thông,  trong đó 35% quỹ thời gian là tập trung vào mobile, 25% cho việc xem TV và 18% từ các thiết bị máy tính PC, laptop… Hiện có hơn 45% người sử dụng internet qua mobile trên tổng số người sử dụng internet và tỷ lệ này tiếp tục tăng.

Vì sao với các lợi điểm này, thương mại điện tử trên mobile Việt Nam vẫn chưa phát triển như các nước khác?

An Phương: Tại Việt Nam, mạng lưới wifi, 3G của các đơn vị nhà mạng hiện chủ yếu tập trung chính vẫn là ở các thành phố lớn.

Chị đánh giá thế nào về cơ hội thành công của Sosmart?

An Phương: Mobile là miếng bánh khổng lồ, ai mở được cánh cửa, chạy đến đích trước thì thắng lớn. Nếu đi sai hướng sẽ rơi xuống vực. Nhiều công ty chờ Sosmart khai phá thị trường, nếu Sosmart chiếm được vị trí dẫn đầu thì áp lực tiếp theo sẽ là làm thế nào để bảo vệ cho được thành công đó.

Tại Diễn đàn Mobile marketing toàn cầu, Sosmart kết thúc phần thuyết trình với hình ảnh chiếc điện thoại là cỗ máy kiếm tiền ấn tượng. Thực sự thời điểm này có thể kiếm tiền từ quảng cáo trên moblie chưa?

Lan Thanh: Bây giờ là đúng thời điểm!

An Phương: Xu hướng cổng thương mại điện tử đang rất gần. Các nước quanh ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... đều đang rất thành công. Ở VN, điều này còn tùy thuộc vào các công ty có tính định hướng thị trường như Sosmart và sự phát triển của các nhà mạng .

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Sosmart có giải pháp gì hỗ trợ thêm cho khách hàng?

Lan Thanh: Hiện Sosmart đã xây dựng một hệ thống phân phối quảng cáo trên nền tảng công nghệ hệ thống hóa, phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trên thế giới và Hiệp hội Mobile marketing toàn cầu tổ chức các khóa đào tạo khách hàng… Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng các tiện ích mobile bằng các kênh truyền thông hiện có của Goldsun Focus Media, Sosmart tư vấn từ ý tưởng tới công nghệ triển khai các ứng dụng với nhiều tính năng hấp dẫn trên mobile.

Đâu sẽ là yếu tố thế mạnh cho phát triển ngành quảng cáo trên mobile?

An Phương: Khuynh hướng SOLOMO (social location mobile) đang là thử thách lớn đối với các phương tiện media truyền thống. Với sự phát triển mạnh mẽ về mức độ thông minh,  mobile mở ra một kỷ nguyên mới cho media giá rẻ và nắm giữ quyền năng mạnh mẽ nhất.

Liệu mobile có thể thay thế các phương tiện truyền thông khác như báo in, tivi, web…?

An Phương: Nhiều người lo ngại, mobile sẽ lấy bớt ngân sách quảng cáo của các phương tiện truyền thông khác. Điều này không hẳn đúng. Mobile hoàn toàn không thay thế được các phương tiện truyền thông truyền thống, nhưng nó sẽ là một kênh không thể thiếu đối với chiến lược phát triển tổng thể. Mobile có vai trò kết nối, tích hợp tất cả các hình thức xem, nghe, đọc và tương tác hai chiều. Chính điều này giúp các phương tiện truyền thông khác cùng phát triển.

Những chiến dịch quảng cáo nào trên mobile khiến chị tin vào “sự màu mỡ” của thị trường? 

Lan Thanh: Sosmart đã phối hợp với các công ty truyền thông trong đó có Group M thực hiện các chiến dịch quảng cáo trên mobile  cho một số nhãn hàng lớn như Ford, Heineken, Tiger, Vietnam Airlines, VietjetAir, Sony, Piaggio, Sanyo, VPBank, Vietinbank… Một trong các ứng dụng chúng tôi tâm đắc nhất là đặt vé trên mobile của hãng Hàng không VietjetAir, giúp khách hàng đặt vé nhanh chóng, tức thì. Kế tiếp là chiến dịch ra mắt sản phẩm All-New Ranger của Ford cũng được đánh giá là một trong các chiến dịch sáng tạo và hiệu quả năm 2012 của Ford toàn cầu. Chỉ 6 tuần, Ford đã thu hút  gần 200.000 lượt truy cập và hơn 1.300 người đăng ký lái thử xe trên mobile.

Đam mê với quyết tâm khai phá ngành quảng cáo mobile, đại diện Goldsun Focus Media và Group M đã chuyển tải một thông điệp vô cùng quan trọng của Ashutosh Srivastava, CEO Mindshare ASIA: “Mobile tạo ra thời điểm cho một thế giới mới can đảm và liều lĩnh với những chiến lược truyền thông mới trong một hệ thống rộng mở”. Người có cơ hội thành công không chỉ là người may mắn mà phải là người dám đi trước, dù chỉ là nửa bước.

Thắng Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.