Quảng Ninh chủ động một tầm nhìn

08/06/2018 07:21 GMT+7

Các đại biểu Quốc hội ở kỳ họp lần trước đã rất tâm huyết, trách nhiệm và tích cực khi nghiên cứu để góp ý chỉnh sửa.

Sau đó, đã có nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học, kinh tế, các địa phương có liên quan và cơ quan quản lý thuộc nhiều lĩnh vực ở các bộ, ngành để rồi hoàn chỉnh tiếp. Từ đó mới ra đời được dự thảo Luật như hôm nay.
Tại chương trình nghị sự QH kỳ họp thứ 5 này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại tiếp tục thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của mình tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi để bổ sung trước khi bấm nút thông qua.

Việc Ban soạn thảo tiếp thu sau khi có cân nhắc sẽ tính đến đặc thù cũng như yếu tố địa chính trị của mỗi khu vực được công nhận là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở 3 miền để làm sao uyển chuyển và linh hoạt, vừa tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư tiếp cận nhưng cũng vừa kiểm soát, tránh các rủi ro khác.
Theo chúng tôi được biết, bản dự thảo mới sẽ quan tâm ưu tiên những ngành nghề như tài chính ngân hàng, công nghệ sáng tạo, giáo dục, y tế và quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc để tăng cường trách nhiệm đối với các nhà đầu tư, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân và an sinh xã hội tại các địa phương. Đồng thời cũng phải tăng cường thanh tra, giám sát chuyên ngành, đặc biệt là sự giám sát từ các ủy ban của QH.
Với dự thảo việc cho phép nhà đầu tư được thuê tối đa 99 năm cũng không phải là điều quá đặc biệt so với các nước khác đã làm. Song thể theo nguyện vọng của cử tri và các ý kiến của ĐBQH về nội dung trên, Chính phủ cũng sẽ cùng Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc điều chỉnh cho thích hợp. Nên chăng trước mắt cho phép thời gian cho thuê tối đa là 70 năm; sau này, khi thấy hiệu quả thì chúng ta sẽ tính tiếp. Như vậy, vào thời điểm này, ý Đảng sẽ hợp lòng dân.
Diện mạo khởi sắc từng ngày
Nếu ai có dịp đến Quảng Ninh thời gian gần đây và từng đến Quảng Ninh cách đây dăm bảy năm sẽ thấy được sự thay da đổi thịt từng ngày; tầm vóc của một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp đã nâng lên rất nhiều. Năm 2017, Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu về Cải cách hành chính địa phương (Par Index) và cũng đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Điều đó gián tiếp cho thấy môi trường đầu tư ở Quảng Ninh hôm nay rất hấp dẫn và được các nhà đầu tư hài lòng...
Hiện nay, ngoài khu giải trí cao cấp Sun World Ha Long Park được doanh nghiệp trong nước đầu tư, người dân địa phương và du khách nghỉ tại Bãi Cháy đã có một bãi tắm sạch sẽ dài hơn 3 km nhờ được đổ xuống đây khoảng trên dưới 4 triệu mét khối cát trắng để gia cố cho một bãi tắm đích thực mà chưa bao giờ có được ở TP.Hạ Long. Tất cả đã vì lợi ích cộng đồng, không thu phí. Họ cũng đã thuê phía nước ngoài làm hoàn toàn mới hệ thống kỹ thuật xử lý nước thải ven biển Bãi Cháy.
Trước đây, du khách đi vịnh Hạ Long thường xuất phát từ Bãi Cháy khiến cả một vùng vịnh đẹp là thế nhưng đầy váng dầu nổi trên mặt nước. Chưa nói khi giông bão, tàu trú ngụ không được an toàn. Nay tỉnh đã có Cảng du lịch quốc tế Tuần Châu cũng do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Cách thức hoạt động rất hiện đại với khả năng lưu trú được 2.000 tàu du lịch các loại. Hiện cảng này đang phục vụ 10.000 - 15.000 khách ra vịnh/ngày thường.
"Người đẹp" đang “Tỏa sắc"
Với trên 46.000 dân, huyện đảo Vân Đồn lâu nay cần chi phí từ ngân sách nhà nước khoảng trên 300 tỉ đồng/năm để lo cho mọi hoạt động của bộ máy, cho văn hóa, giáo dục, y tế... Với trên 500 km2 diện tích với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nếu cứ để Vân Đồn vẫn nghèo, đất đai vẫn hoang sơ thì quả là lãng phí!
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kể lại khi người đứng đầu địa phương hồi đó đề xuất ý tưởng xây dựng sân bay tại Vân Đồn theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và tư vấn của Công ty McKenzie (Mỹ) thì đã có nhiều ý kiến e ngại vì vốn đầu tư lớn quá. Trung ương thì không có kinh phí để hỗ trợ. Nhưng theo cách nhìn của các vị lãnh đạo thì cứ có sân bay là sẽ có điều kiện cho các nhà đầu tư vào làm ăn, là sẽ thu được tiền nhờ kinh tế địa phương phát triển... Lần đầu tiên tại VN, một sân bay được DN tư nhân trong nước bỏ vốn toàn bộ, đầu tư cả nhà ga lẫn hạ tầng (đường băng dài 3,6 km đủ khả năng đón những máy bay lớn, hiện đại). Nếu hình dung rằng, khi sân bay này hoàn thành mà trên đảo chưa có các dịch vụ, chưa có đầu tư, thương mại và dịch vụ du lịch khách sạn thì sẽ thế nào? Việc một nhà đầu tư trong nước chấp nhận xây dựng sân bay Vân Đồn lúc đảo còn hoang sơ thế này thì quả là rất đáng ghi nhận. Nhất là khi họ biết sẽ còn có nhiều năm khó khăn phải chịu lỗ, phải lo trả lãi vay... Nhưng sân bay sẽ như cú hích mạnh tạo sự đột phá đi lên cho một huyện đảo nghèo khó.
Cảng hàng không Vân Đồn ở cấp 4E (theo tiêu chuẩn của ICAO - Tổ chức Hàng không quốc tế) được xây dựng. Quy mô đầu tư đến năm 2020 sẽ có công suất 2,5 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến 2030, công suất lên 5 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư của dự án: 7.485 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi cho công tác GPMB gần 734,3 tỉ đồng (tương ứng 9,8%); phần vốn còn lại là của DN trong nước theo quy định hiện hành. Dự kiến đến ngày 10.7 này, ICAO sẽ cho hạ cánh hiệu chuẩn trước khi cho phép khai thác thương mại vào tháng 12 năm nay.
Không dừng ở đó, còn một việc Quảng Ninh đã làm cũng rất đáng ghi nhận. Đó là việc đầu tư làm hạ tầng và vận động các DN tham gia xây dựng cây cầu Bạch Đằng theo quy định của pháp luật; có biểu tượng kết nối bằng 3 chữ "H" làm trụ cầu. Đó là hình ảnh tượng trưng cho liên kết vùng giữa 3 địa phương, là con đường huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Riêng phần xây cầu là hình thức đầu tư BOT nối thông 2 địa phương, giúp cho thời gian đi từ Hà Nội ra Hạ Long chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút. Cầu dài 3,6 km, rộng 25 m, có 4 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 100 km/giờ sẽ được cắt băng khánh thành vào ngày gần đây.
Dự án hợp tác công tư này có một phần là nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Ninh từ việc tiết kiệm chi thường xuyên sau khi tinh gọn bộ máy đảng, nhà nước và các đoàn thể chính trị. Ngay cả khâu làm hạ tầng điện nước ở Vân Đồn cũng do chính quyền cấp vốn đầu tư...
Như vậy, cùng với việc hoàn thành các hạng mục công trình như đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức hợp tác công tư, khi thông đường thì nếu từ đường cao tốc Hà Nội đi Hải Phòng rồi ra đến Vân Đồn sẽ chỉ còn khoảng 2 giờ đồng hồ bằng
ô tô. Rồi cảng nước sâu có khả năng cho tàu có tải trọng 150.000 tấn cập cảng sắp tới sẽ tạo cho đảo Vân Đồn một vị thế mới. Quảng Ninh đang chủ động đón chờ luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ra đời là nhanh chóng triển khai với tâm thế quyết liệt.
Chúng tôi đã cảm nhận thấy được sự bồi hồi, chờ đợi từ những người dân nơi đây khi họ theo dõi truyền hình thấy QH bàn đến chuyện Vân Đồn cùng 2 đơn vị nữa trong cả nước có thể sẽ trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Mặc dù còn không ít khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhưng người đời có câu: “Gần mấy mà không đi cũng không đến, xa mấy ắt đi sẽ ắt đến”. Cũng có thể hình dung sự mong chờ tương tự cùng niềm tin vào tương lai của người dân tại vịnh Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.