Quảng Ngãi điều chỉnh đề án tái cơ cấu để nông nghiệp phát triển mạnh

30/12/2017 05:30 GMT+7

Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 ở Quảng Ngãi đang gặp nhiều trở lực, cần có giải pháp điều chỉnh, bổ sung.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 2015 - 2017 tăng trưởng khá ổn định, mỗi năm tăng bình quân 4,5%. Riêng lĩnh vực trồng trọt, thông qua rà soát, bổ sung cơ cấu lại các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... đã đạt được những kết quả khích lệ.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng 180 cánh đồng lớn, với tổng diện tích gần 3.000 ha. Qua thu hoạch, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha đối với lúa thuần và lúa lai đạt 8,5 tấn/ha, cao hơn so với lúa đại trà từ 0,3 - 0,7 tấn/ha. Toàn tỉnh chuyển đổi 5.356 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang bắp, rau, ớt, đậu phộng. Sau chuyển đổi, giá trị sản xuất cao hơn so với trồng lúa từ 11 - 133 triệu đồng/ha.
Tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ngãi là khai thác thủy sản trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch theo hướng tăng đánh bắt xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90 CV, tăng số lượng tàu có công suất 400 CV trở lên. Ngành nghề khai thác khá đa dạng, hoạt động trên nhiều ngư trường. Do vậy, sản lượng thủy sản đánh bắt liên tục tăng, từ 156.897 tấn (năm 2015) lên 184.456 tấn (năm 2017), mỗi năm tăng bình quân 7,5%.
Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, nhìn nhận cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp Quảng Ngãi có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, song quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nảy sinh nhiều trở lực lớn. Đó là, các địa phương còn lúng túng trong định hướng, xác định cây trồng vật nuôi chủ lực để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và phát triển bền vững; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tạo lập mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nguồn nhân lực cao cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn thiếu và yếu; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt thấp…
“Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi phối hợp với sở, ngành liên quan cùng các địa phương tiến hành điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao”, ông Tô nói.
Theo ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc điều chỉnh, bổ sung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới là hết sức cần thiết, bởi lẽ đề án được xây dựng trước đây đưa ra quá nhiều mục tiêu, lĩnh vực nên mang tính dàn trải, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư, chưa đề cập nhiều đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. 
“Vấn đề quan trọng là làm sao cho ngành nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập của người dân trên cơ sở nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm”, ông Minh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.