Quảng Nam có thể thu 5 triệu USD mỗi năm nhờ bán tín chỉ carbon rừng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
05/06/2021 14:41 GMT+7

Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng.

Ngày 5.6, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh Quảng Nam vừa nhận được công văn từ Văn phòng Chính phủ về việc Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) tại Quảng Nam. Thời gian thí điểm 5 năm (2021 - 2025).

Cây gỗ bơ mu cổ thủ hàng trăm năm tuổi ở huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam).

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Theo ông Bửu, sau khi được sự đồng ý từ Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đang tiến hành khẩn trương làm các thủ tục. Sau khi hoàn thành các thủ tục để lập dự án sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế và mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

“Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon…”, ông Bửu nói.

Trước đó, cuối tháng 3.2021, UBND tỉnh Quảng Nam trình Thủ tướng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng thông qua REDD+. Hầu hết bộ, ngành T.Ư đều ủng hộ cho Quảng Nam thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng trên thị trường quốc tế.

Theo tính toán, nếu đề án phê duyệt, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ carbon rừng.

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO2e được tạo ra từ hoạt động REDD+.

Theo đó, chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+.

UBND tỉnh Quảng Nam dự tính sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn thí điểm (2021-2025). Ðề án được triển khai hiệu quả cũng sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113 ha, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021-2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025; sản lượng 50.864 ha thực hiện trồng rừng, phục hồi rừng và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu m3 gỗ vào năm 2030; giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

Ngoài ra, sẽ nâng thu nhập từ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư lên gấp 2 lần hiện nay do được chi trả tiền bán tín chỉ carbon rừng, tạo được việc làm ổn định thông qua quản lý, bảo vệ rừng.

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.