Quảng cáo trên xe buýt: Mới mẻ gì mà ‘thí điểm’ !

27/08/2014 09:00 GMT+7

Trong khi Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đã làm nhiều năm qua, thì TP.HCM lại cấm và đến nay mới bắt đầu lập đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt.

Quảng cáo trên xe buýt: Mới mẻ gì mà ‘thí điểm’ !
Xe buýt có quảng cáo của tỉnh Long An chạy tuyến Chợ Lớn - Long An, hằng ngày vẫn lưu thông trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại cuộc họp hồi tháng 6, ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đề án quảng cáo (QC) trên xe buýt sẽ được thí điểm trên 156 chiếc của 10 tuyến, thông qua đấu giá cạnh tranh,  chọn đơn vị có mức giá tốt nhất, tạo nguồn thu để giảm mức trợ giá cho xe buýt. Sau 1 năm thí điểm, Sở GTVT sẽ đánh giá sơ kết, báo cáo UBND TP, xin phép cho thực hiện đại trà. Đến đầu tháng 8 này, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thí điểm QC ngoài trời trên xe buýt.

 

Quảng cáo trên xe buýt là một việc hết sức bình thường, không có lý do gì để phải làm thí điểm. Vấn đề hiện nay là làm sao để cho quảng cáo trên xe buýt thật hợp lý

Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM

Không có lý do gì để phải "thí điểm"

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM, cho rằng không nhất thiết phải thí điểm, vì sẽ mất thời gian, gây chậm trễ. Hơn nữa, việc QC trên xe buýt sẽ do khách hàng - những nhà QC quyết định lựa chọn tuyến nào, xe nào “chứ không phải mình muốn cho QC tuyến nào là được đâu”.

Cũng không đồng tình với việc thí điểm, ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hội QC TP.HCM cho rằng “không nên quá dè dặt đến như vậy”. Bởi từ năm 2001, về mặt pháp lý, nhà nước cho phép QC trên xe buýt, nhưng riêng TP.HCM thì lại cấm. Lúc đó, Hội QC thành phố cũng đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này nhưng cũng chưa có sự phản hồi chính thức nào. Hội cũng đã có những lần tiếp xúc với báo chí, đại biểu HĐND TP, ai cũng thắc mắc tại sao không cho QC trên xe buýt, trong khi trên thế giới và các tỉnh, thành phố khác trong nước đều làm, nhất là trong bối cảnh ngân sách TP phải bù lỗ cho xe buýt.

"QC trên xe buýt là một việc hết sức bình thường, không có lý do gì để phải làm thí điểm. Vấn đề hiện nay là làm sao để QC thật hợp lý. Chúng tôi đã có phát biểu nhiều lần là QC trên xe buýt phải dựa trên thực tế nhu cầu của thị trường. Thị trường có cung, có cầu. Nhu cầu cần bao nhiêu thì khách hàng QC sẽ quyết định", ông Cáp nói.

Nên mở theo luật

Theo chủ trương thí điểm, UBND TP đã giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu hình thức, nội dung và màu sắc của QC, đảm bảo tính thẩm mỹ, không gây phản cảm và ảnh hưởng đến tầm nhìn của hành khách. Việc tuyên truyền, quảng bá, phục vụ các đợt cổ động chính trị thì thực hiện bên trong xe buýt. Tuy nhiên, nội dung chỉ QC về hàng Việt và thể hiện bằng tiếng Việt.

Quảng cáo trên xe buýt: Mới mẻ gì mà ‘thí điểm’ !
Quảng cáo trên xe buýt ở Hà Nội - Ảnh: Diệp Đức Minh

Về vấn đề này, ông Phùng Đăng Hải cho rằng: "Không cho QC nhãn hàng nước ngoài trên xe buýt là sai lầm, bởi vì nếu chỉ dành cho nhãn hàng trong nước thì số lượng khách hàng QC sẽ rất thấp, khi đó mục tiêu thu về khoảng 100 tỉ đồng từ việc này e rằng không bao giờ mơ thấy được". Theo ông Hải, chỉ nên hạn chế QC những nhãn hàng có thể làm mất mỹ quan hoặc nhạy cảm như đồ lót chẳng hạn; còn các sản phẩm bình thường thì không nên cấm để không bị giảm nguồn thu.

Ông Nguyễn Quý Cáp cũng góp ý, tỷ lệ QC trên xe buýt nếu chỉ cho 50% mặt ngoài 2 bên hông xe thì chưa hấp dẫn và hiệu quả của QC sẽ không cao. Ở Singapore, Hồng Kông và nhiều nước, QC có thể trùm lên cả chiếc xe để tăng sự hấp dẫn và khi đó mới tính được giá cao với khách hàng.

"TP.HCM hãy cứ mạnh dạn cho QC trên xe buýt một cách bình thường vì luật QC cũng đã có những quy định rõ ràng rồi. Hơn nữa, khi thực hiện việc QC trên xe buýt còn có sự kiểm soát của nhà nước, nên không ngại gì về nội dung QC. Còn nếu lo rằng việc QC sẽ gây chú ý của những người đi đường, sẽ dẫn đến tai nạn giao thông, thì tại sao cả thế giới đều làm, các tỉnh, thành phố khác trong nước cũng đều làm mà không ngưng lại vì lý do này?", ông Nguyễn Quý Cáp đặt vấn đề.

Đừng áp đặt từ trên xuống

Ông Nguyễn Quý Cáp cũng nêu thắc mắc: Khi triển khai lập đề án QC trên xe buýt, Hội QC TP.HCM chưa được thảo luận và chưa được mời để có ý kiến đóng góp. Hội chỉ nghe thông tin trên báo chí là TP sẽ cho thí điểm QC trên 156 chiếc xe buýt trước khi làm đại trà. Việc này, Hội QC TP.HCM góp ý, khi ban hành một chủ trương hay đề án về QC trên xe buýt, thì nên thảo luận với Hội QC, nơi đại diện của các nhà QC, để nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu và các nhu cầu khác, để đề án thiết thực hơn. Đừng áp đặt từ trên xuống, phải làm theo thế này, thế kia, để rồi các nhà QC, các công ty dịch vụ QC không thể làm theo, không mua QC. Và như thế, những quy định được ban hành ra sẽ chẳng có giá trị gì hết.

Khách đi xe buýt sẽ được giữ xe miễn phí

Ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho biết trung tâm đang chuẩn bị thực hiện thí điểm giữ xe 2 bánh phục vụ hành khách đi xe buýt tại Ga hành khách xe buýt Sài Gòn (khu B công viên 23 Tháng 9, Q.1), Ga hành khách xe buýt Q.8 và Bến xe buýt Bình Khánh, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè. Hiện TP mới chỉ có 1 điểm giữ xe máy cho người đi xe buýt tuyến 35 (vòng quanh Q.1) ở đầu đường Hoàng Sa. (Đình Mười)

Mai Vọng

>> TP.HCM sẽ cho quảng cáo trên xe buýt
>> TP.HCM khởi động đề án quảng cáo trên xe buýt
>> Cho phép quảng cáo trên xe buýt từ 2010
>> TP.HCM tiếp tục cấm quảng cáo trên xe buýt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.