Qua miền An Phú Đông

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
04/04/2020 06:33 GMT+7

Con đường ngập nắng, hoa hoàng yến nở vàng và tiếng phà xình xịch trên sông khi tôi về lại miền đất này, sau hơn mười năm còn nghe thoảng vị hoa lài trong đêm trăng. Vùng đất An Phú Đông vẫn niềm nở như ngày nào.

Vườn lài thành vườn mai

Ngày cuối tháng 3, tôi rời nhà đi theo hướng QL1A để về An Phú Đông (thuộc Q.12). Con đường Lê Đức Thọ nối với vòng xoay Tân Thới Hiệp qua chiếc cầu Trường Đai vắng hẳn người. Một vài quán hàng, chủ yếu bán rau xanh nấp dưới bóng những cây sao lâu năm, thảng hoặc lao xao một ít khách. Rồi lặng!
Nhưng khi ra quốc lộ, dòng xe vẫn nối tiếp nhau. Tôi rẽ vào đường Vườn Lài, con đường tinh tươm, chạy một đoạn lại thấy những lùm hoa hoàng yến nhoài ra vệ đường, vàng một sắc dụ dỗ. Tôi đi tìm ông Sáu Vườn Lài, một người quen cũ đã từng cùng ngồi uống rượu ngắm trăng nhiều năm trước. Mới hay vườn lài bừng hương năm nào không còn nữa, ông Sáu cũng đã dạt về phương nào.
Hai người đàn bà ngồi bán cá bên đường chỉ cho tôi một chủ vườn có tiếng ở miệt này. Đó là ông Tám Sết, người nặng nợ với vườn, gắn bó với đất bằng một niềm say mê suốt đời. Chị Bảy, người phụ nữ phúc hậu nói: “Nhưng giờ không có vườn lài nữa đâu à nghen. Cả An Phú Đông này lài đã xa lắm rồi, chỉ còn vườn mai thôi”. Vậy là theo tay chỉ, chạy xe qua chiếc cầu nhỏ rợp bóng mấy cây si, tôi len vào một lối mòn quanh co. Đây rồi, vườn Tám Sết!
Qua miền An Phú Đông1

Con đường nở vàng hoa hoàng yến xuôi về bến phà

Gã đàn ông khoảng trên 50 tuổi đang hí hoáy bơm gì đó cho cây, nghe í ới liền bỏ bình xuống. Bước vô hè mái nhà kho nhỏ, tôi nhác thấy chất đầy phân tro, hột giống và một đám rộng các loại nhánh cây ủ bầu đang ghép. Gã kéo chiếc chậu rỗng, úp lại làm ghế ngồi dựa lưng vô hè, kể: “Lài đã bặt tăm xứ này hơn mười năm rồi. Đất ở đây hạp với 3 loại cây tỏa hương là lài, huệ và ngâu. Hồi ấy trồng lài và ngâu bán cho mấy cơ sở chuyên ướp trà, còn huệ thì “nhập” về chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Chợ Lớn. Thơm lắm, mà rồi sau đó chẳng hiểu vì sao họ ít mua dần. Vậy là dân An Phú Đông chuyển sang trồng mai ghép vô chậu, mai cây bán tết...”.
Nhẩn nha câu chuyện, tôi được biết vùng đất này như bán đảo, bao quanh bởi sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật. Đất phù sa nên thớ đất chặt, dân địa phương kêu là đất thịt như gắn đời chân chất của họ vô đó. Không có nơi nào trồng lài, ngâu và huệ mà thơm được như ở đây, kể cả ở vùng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) hay Chợ Lách (Bến Tre). Lài và ngâu An Phú Đông nổi tiếng đến nỗi, mỗi ngày với 2 thửa vườn gần một mẫu đất, Tám Sết thu hái từ 50 - 70 kg hoa tươi, bán để người ta mua về phơi khô ướp trà. Mỗi vụ hoa cứ khoảng 2 tháng nở một lần, gã thu hoạch 1 tuần, tính ra khoảng 5 - 7 tạ tươi. Chưa kể, các loại cây trái trong vườn dụng công chăm bón hằng ngày, đưa ra các chợ.
Hoài niệm về lài ngâu vừa dứt, gã thoảng tiếng thở dài, nói: “Từ khoảng 30 ha lài, An Phú Đông giờ chuyển hết sang trồng mai. Hai vườn của tui khoảng 800 gốc mai ghép. Vẫn chăm bón thường xuyên, nhưng chẳng hy vọng chi nhiều, năm nay mai tết bị ế là cái chắc. Dịch bệnh kiểu này vài năm kinh tế chưa chắc hồi phục được”.
Qua miền An Phú Đông2

Vườn mai của ông Nguyễn Văn Tám (Tám Sết)

Ảnh: Trần Thanh Bình

Những ngày đưa đò sắp hết

Tôi theo đường Vườn Lài, qua những khúc quanh hướng về bến phà An Phú Đông. Lác đác vài chiếc xe máy dừng lại mua vé xuống phà sang sông để qua hướng chợ Gò Vấp. Đoạn sông Vàm Thuật ở đây rộng khoảng 300 m, gần trăm năm qua là bến đò cho lưu dân tứ xứ và người sở tại, sau “phát triển” thành phà.
Ông Mười, ngồi bịt khẩu trang bán vé thu tiền, nói gọn: “Đi lại ít hơn trước nhiều. Mỗi ngày giờ chỉ vài ba trăm khách. Trước dịch, bến phà này đón hơn 1.000 người”. Tôi hình dung nếu chiếc cầu sắt bắc qua đây theo dự kiến cuối năm xong (đó là vào lúc khởi công tháng 2 vừa qua), nay có thể du di vài tháng vì dịch bệnh phải tạm ngưng, thì tròm trèm qua năm 2021 khi có cầu rồi, phà cũng dẹp.
Cái sự chú ý của tôi bỗng dưng dừng lại ở mấy tấm bảng. Nơi thì ghi thu tiền đò, nơi lại ghi nội quy đi phà. Chỉ với mấy dòng chữ ấy, có thể thấy được cái sự “qua đò” và “đi phà” vẫn cứ lẫn lộn trong tâm thức người An Phú Đông. Vẻ như tiếng gọi đò còn vẳng lại đâu đây hàng chục năm trời, hòa trong tiếng xình xịch hú còi rời bến của tiếng phà hiện tại. Đó chẳng phải là sự nối tiếp của thời gian, qua dấu ấn suy nghĩ và sinh hoạt rất Nam bộ của người miệt này hay sao?
Thấy tôi đưa máy chụp mấy tấm hình phà rời bến qua sông, ông Mười chỉ tay vào bình nước sát khuẩn và bó khẩu trang bọc ni lông từng chiếc đựng trong hộp, có ghi “10.000 đồng/chiếc”, nói kiểu như khoe: “Phà tui nghiêm túc chống dịch à nghe. Đó nữa kìa, phân chia khoảng cách mỗi xe để đừng xích quá gần nhau”.
Tôi nhìn xuống chân mình, chủ phà đã lấy sơn kẻ vạch ra từng ô, cách nhau khoảng 2 m. Mỗi xe dừng lại, phải đứng lọt vào ô đó. Thấy ông Mười như cười sau lớp khẩu trang qua cái nheo mắt hóm hỉnh. Mà nghĩ, mai này chiếc phà sẽ vĩnh viễn rời bến đậu, người qua sông có mấy ai nhớ đến cái... dư vị rất riêng của những chuyến phà.

Mỗi ngày mong một bình yên

Dọc theo bến sông xuôi về khoảng 200 m, lòng sông Vàm Thuật nở rộng ra một chút, chiếc đò máy của một ngư phủ như mới giăng lưới trở về chạy phành phạch băng qua ngôi miếu nổi trên sông, còn gọi là Phù Châu miếu (hay gần gũi hơn là Miếu Nổi). Trời có tụ vài đám mây pha sắc tím bồng bềnh, ngôi miếu phản chiếu xuống dòng sông như một bức thủy mặc.
Đây là ngôi miếu tọa lạc chính giữa sông, được dựng từ vài trăm năm trước để thiện nam tín nữ ngày lành đến viếng, phụng cầu. Từ trên bờ phía xa xa, tôi hướng máy chỉnh khẩu độ ảnh, thấy đôi rồng chầu trước cổng miếu uy nghi, bất động như tự bao đời vẫn thế. Gốc sứ cổ thụ trồng chắc đã nhiều năm đang nở từng chùm hoa, nhìn có vẻ thêm trắng tươi lên một vùng ngang lưng miếu. Lục bình vẫn cứ trôi, bình yên đến nao lòng.
Chụp mấy tấm hình ngôi miếu Phù Châu, nhìn lại chút cái vẻ cổ xưa an tịnh trên dòng sông ít nơi nào có được. Trên đường trở về, bỗng dưng trong tâm tưởng nảy ra chút nghĩ suy rằng, có đôi khi tìm một chút lang thang ra bến sông, vườn ruộng nghe vài câu chuyện của người dân thuần phác, sẽ nhận được chút an nhiên. Như lúc này, trong tôi lại vọng câu nói có đôi phần than thở của người đàn ông có cái tên mộc mạc Tám Sết, và câu nói động viên của tôi, rằng cứ chăm bẵm vườn mai và yêu quý nó, đừng bỏ bê. Biết đâu qua cái đận “tao loạn” do dịch bệnh, khi mùa xuân đến người ta mở lòng hơn với nhau, sẽ yêu và thích hoa bội phần.
Lúc ấy, có lẽ những vườn mai An Phú Đông lại chắp thêm niềm vui cho một bình yên đến với mọi nhà. Nghĩ thế, tôi bỗng như nghe lại tiếng của gã gật gù đồng tình lúc ban sáng: Ừ, chỉ mong là thế!
An Phú Đông là một vùng đất đặc thù thuộc Q.12 (TP.HCM), có diện tích gần 9 km2. Vùng này xưa kia người nông dân chuyên nghề trồng hoa lài và một số khác trồng các loại cây rau màu, cây thuốc nam. Nhìn trên bản đồ, An Phú Đông là một bán đảo, chỉ có phía tây là đi ra hướng QL1A, các hướng khác được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật. Từ khoảng 5 năm trở lại đây, An Phú Đông “thăng trầm” vài cơn sốt đất bởi thông tin về các dự án quy hoạch cầu đường, nhất là kỳ vọng về chiếc cầu bắc qua Q.Gò Vấp. Theo một trang thống kê bất động sản khá uy tín, hiện tại giá đất tại các phường thuộc Q.12 có mức bình quân dao động từ 15 - 39 triệu đồng/m2, thì An Phú Đông có giá đất bình quân là 35,6 triệu đồng/m2, đứng thứ 2 sau P.Thới An, với giá bình quân 39 triệu đồng/m2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.