Qua mặt Bộ Công thương và VCCI, ‘cấp’ gần 400 C/O cho hàng xuất khẩu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/07/2020 17:58 GMT+7

Những giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) này được một doanh nghiệp làm giả và cấp cho những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, đồ gỗ, thép, thuốc thú y… trị giá hơn 600 tỉ đồng.

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) mới đây thông tin, cơ quan này đang phối chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra - C03 (Bộ Công an) điều tra Công ty Cổ phần giám định Đại Minh Việt về hành vi cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp khi không có… thẩm quyền.
Doanh nghiệp này chỉ là hội viên của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu cùng với Bộ Công thương. Theo Tổng cục Hải quan, đây là thủ đoạn mới và được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam.
Kết quả điều tra cho thấy, trong thời gian từ ngày 1.1.2018 đến nay, qua các đơn vị môi giới hoặc chính các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, công ty này đã tự thiết kế mẫu C/O, rồi nhận thông tin về các lô hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp cung cấp, phát hành tổng cộng 392 C/O cho 33 doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã dùng C/O này để xuất hàng đi. Giả mạo số C/O trên, Công ty Đại Minh Việt thu phí từ 300.000 - 1 triệu đồng cho một C/O. Tổng số tiền thu về khoảng trên 300 triệu đồng.
Trong 33 doanh nghiệp “mua” C/O từ Đại Minh Việt, có 1 doanh nghiệp đã được “cấp” đến 102 C/O, dùng xuất 196 lô hàng với tổng trị giá hàng hóa lên đến 161 tỉ đồng. 32 doanh nghiệp còn lại được “cấp” 290 C/O sử dụng cho 385 tờ khai xuất khẩu. Hàng hóa 33 doanh nghiệp nói trên thuộc nhiều loại, tập trung chủ yếu các mặt hàng như: thép, nông sản, thủy sản, đồ gỗ, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đồ gia dụng… Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nói tên ước tính trên 600 tỉ đồng và được xuất đi đến 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trả lời cơ quan điều tra, Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt thừa nhận hành vi phát hành C/O của mình là trái quy định của pháp luật.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, ngành đã phát hiện, bắt giữ 8.681 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.685 tỉ đồng. Trong đó, 128 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, 108 vụ ma túy, 12 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả, 8.433 vụ vi phạm hành chính. Đến nay, cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 56 vụ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.