Qatar mất hơn 38 tỉ USD dự trữ vì căng thẳng ngoại giao

15/09/2017 15:24 GMT+7

Ba tháng sau khi bị các nước láng giềng cô lập, Qatar bắt đầu ước tính thiệt hại kinh tế.

CNN trích đánh giá của hãng Moody’s cho hay quốc gia giàu khí đốt tiêu tốn 38,5 tỉ USD trong dự trữ hồi tháng 6 và tháng 7. Hiện không có dấu hiệu cho thấy tranh chấp giữa các nước Ả Rập sẽ được giải quyết sớm.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo căng thẳng sẽ tồn tại, có thể còn leo thang. Tranh chấp có mức độ nghiêm trọng chưa từng có”, hãng Moody’s viết. Hôm 5.6, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt toàn bộ quan hệ ngoại giao và vận tải với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Qatar phủ nhận quan điểm trên.
Qatar từng phụ thuộc nhiều vào Ả Rập Xê Út và UAE trong việc nhập khẩu, trong đó có nhập khẩu 1/3 lượng thực phẩm cần thiết. Nước này cũng nhập khẩu nhiều vật liệu xây dựng từ hai quốc gia trên. Giờ đây, Qatar phải dựa vào các nguồn cung ứng thay thế như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trả nhiều tiền hơn để nhập thực phẩm, thuốc men.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao gây áp lực lên tiền tệ Qatar. Nước này bị buộc phải dùng tiền dự trữ để vực dậy giá trị đồng riyal so với đô la Mỹ. Nhà phân tích Alexander Kuptsikevich tại FxPro cho hay: “Tỷ giá hối đoái có biến động tăng đáng kể từ tháng 6. Chuyện khủng hoảng ngoại giao tiếp diễn khiến nhiều người nghi ngại về khả năng duy trì của chính quyền trong tương lai gần”.
Qatar đã và đang bơm tiền vào các ngân hàng để bù đắp dòng vốn thoái lớn trong tháng 6 và 7. Moody’s ước tính rằng khoảng 30 tỉ USD đã chảy khỏi hệ thống ngân hàng trong hai tháng trên và nhiều khả năng dòng vốn thoái sẽ gia tăng.
Bộ Tài chính Qatar chưa trả lời yêu cầu bình luận. Dù gặp khó, Qatar vẫn có nguồn lực tài chính mạnh nhờ giàu có về mặt năng lượng. Đây là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, là nơi cung ứng khoảng 30% nhu cầu khí tự nhiên toàn cầu. Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là ba trong số các khách mua lớn nhất của Qatar.
“Nguy cơ căng thẳng leo thang vẫn còn, dù nó có thể được giảm thiểu bởi mạng lưới các liên minh của Qatar và tầm quan trọng của nước này trong thị trường khí tự nhiên toàn cầu”, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho hay trong báo cáo tháng trước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng giữ nhận định tích cực về Qatar khi cho rằng nước này đang điều chỉnh trước cú sốc và hệ thống ngân hàng vẫn đang khỏe với chất lượng tài sản cao và vốn lớn. Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về tác động kinh tế trong trường hợp căng thẳng kéo dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.