Phú Yên đổi thay từng ngày

20/07/2020 08:05 GMT+7

Người dân địa phương và du khách khi đến Phú Yên đều dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rất nhanh ngay sau khi rời khỏi sân bay Tuy Hòa.

Khi về công tác ở tỉnh Phú Yên mới đây, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, bày tỏ sự ngạc nhiên: “Tôi rất ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của tỉnh 5 năm qua, bình quân tới 7,8%. Tỉnh có bước phát triển, thay đổi từng năm, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường, đầu tư”.

Công trình mới ở khắp nơi

Ngay bên cạnh sân bay là Xóm Rớ, TP.Tuy Hòa. Mới vài năm trước đây chúng tôi còn chứng kiến cảnh sóng biển vùi dập nhà dân tan hoang. Nhưng giờ đã có kè và công viên rất đẹp. Các khu dân cư khang trang đang hình thành.
Bà Lê Thị Số chỉ những mái nhà vẫn còn vương vãi bao cát, kể: “Trước đây cứ đến mùa mưa bão thì 200 hộ dân nhà cặp biển phải sống trong lo âu. Hễ có báo động là ôm đồ chạy khỏi nhà. Bây giờ thì sóng biển cỡ nào cũng không qua được bờ kè này”.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến nay tỉnh đã đầu tư 390 tỉ đồng thi công 1,6 km kè chống sạt lở Xóm Rớ; hiện tiếp tục đầu tư 250 tỉ đồng làm tiếp 1,6 km nữa. Năm 2022 sẽ hoàn thành.
Cách sân bay khoảng 2 km, ngay cửa ngõ vào TP.Tuy Hòa là Khu đô thị Nam Tuy Hòa đã làm xong hạ tầng, chỉ chờ dân vào xây dựng nhà. Gần đó là đại công trình kè chống sạt lở bờ tả sông Ba đang hối hả thi công. Công trình này có chiều dài 2.248 m, từ cầu Đà Rằng cũ đến cầu Đà Rằng mới; tổng vốn đầu tư lên tới 954 tỉ đồng. Ngoài việc chống sạt lở và thoát lũ, dự án này còn biến vùng đất hoang sơ trở thành một khu đô thị hiện đại rộng 57 ha ở phía tây TP.Tuy Hòa.
Ông Hoàng Văn Quốc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Thành Trung, cho biết đây là dự án rất quan trọng và cấp bách của tỉnh. Công ty đã huy động hơn 300 công nhân và khoảng 100 phương tiện kỹ thuật thi công khẩn trương để kịp hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.
Theo ông Đặng Khoa Đãm, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, năm 2016 TP.Tuy Hòa bị ngập hai lần do lũ từ thượng nguồn sông Ba tràn về. Vì vậy tỉnh quyết định lập dự án kè sông Ba sớm hơn dự kiến. Ban đầu cũng có một số ý kiến không đồng tình, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn quyết tâm làm để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân. Dự án này chỉ mới phê duyệt cách đây hơn 1 năm, nhưng hiện nay công trình sắp hoàn thành. Đứng từ núi Nhạn nhìn ra đã thấy rõ hình dáng khu một đô thị mới rất hoành tráng.
Địa điểm gây ấn tượng nhất đối với người dân và du khách là tuyến đường ven biển TP.Tuy Hòa. Ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kể: “Mới ba năm trước, khu vực ven biển Tuy Hòa rất hoang sơ. Chiều chiều người dân xuống đó… nhậu. Nhà đầu tư đến nhìn thấy rồi đi luôn. Sau khi đầu tư chỉnh trang tuyến đường này thì hàng loạt nhà đầu tư trở lại. Nhiều dự án khách sạn, resort đẳng cấp mọc lên”.
Đường Phú Yên - Gia Lai ở huyện Đồng Xuân đẹp như tranh vẽ

Đường Phú Yên - Gia Lai ở huyện Đồng Xuân đẹp như tranh vẽ

Ông Đặng Phi Thưởng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên) bảo rằng không chỉ riêng ông mà tất cả người dân đều nhìn thấy sự thay da đổi thịt của quê mình. “Nhiệm kỳ này tỉnh Phú Yên đã phát triển một cách vượt bậc. Sự thay đổi có thể cảm nhận được mỗi ngày. TP.Tuy Hòa là trung tâm của tỉnh, có thể phát triển chưa mạnh, nhưng phát triển đều ở tất cả các mặt. Cái này mình phải thừa nhận. Chúng ta thấy TP.Tuy Hòa như cô gái đang lớn, khoác lên mình một chiếc áo mới rất duyên dáng. Tôi thấy tự hào lắm”, ông Thưởng nói.

Thay đổi từ nhận thức

Vì sao tỉnh Phú Yên có sự phát triển vượt bậc chỉ trong khoảng 4 - 5 năm như vậy? Ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói: “Ngày xưa người ta hay nói nói Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu là có phần đúng. Phú Yên có sự tăng trưởng nhanh là do thay đổi nhận thức từ lãnh đạo và sự đồng lòng của nhân dân”.
Từ một tỉnh thuần nông, nay lĩnh vực nông nghiệp Phú Yên chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,7%; công nghiệp và xây dựng vọt lên 12,6%, dịch vụ chiếm 7,3% và đang tiếp tục tăng. Thu ngân sách, đầu tư cho phát trỉển, thu nhập bình quân đầu người đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2015. Nhiều chỉ tiêu đã vượt xa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra hồi đầu nhiệm kỳ.
“Chúng tôi chủ động đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư thì thích ngay. Ứng xử trân trọng và phục vụ doanh nghiệp chứ không phải chỉ đồng hành. Nhờ vậy thời gian qua Phú Yên thu hút tới 230 dự án đầu tư với số vốn lên tới 30.000 tỉ đồng”, ông Phùng nói.
Đại công trường kè sông Ba	Ảnh: Q.Hoàn

Đại công trường kè sông Ba

Ảnh: Q.Hoàn

Từ một tỉnh nghèo, chỉ trong thời gian ngắn tỉnh đã huy động nguồn lực rất lớn từ người dân để xây dựng được 57/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện đã có 2 huyện Phú Hòa và Tây Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.
Một trong các dự án đặc biệt quan trọng vừa hoàn thành là tuyến đường nối tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai có chiều dài hơn 30 km, vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng. Tuyến này nằm trên địa bàn H.Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), giáp với H.Kông Choro (tỉnh Gia Lai), được xem là cửa ngõ vào Tây nguyên. Người dân địa phương nói bao đời nay quen với cảnh trèo đèo, lội suối, chưa bao giờ dám mơ có con đường bê tông phẳng phiu như vậy.
Theo ông Phan Đình Phùng, đô thị Tuy Hòa phát triển nhanh là đương nhiên, nhưng sự phát triển tại các vùng nông thôn tỉnh Phú Yên bây giờ phải gọi là “thần kỳ” hoặc “cổ tích”. Sở dĩ nguồn lực trong dân được huy động tối đa là do họ tin tưởng đường hướng phát triển và sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Hiện nay hệ thống đường giao thông đã đến được tất cả thôn, xóm. Nhiều nơi người dân còn trồng hoa hai bên đường làm cho bộ mặt nông thôn đẹp như tranh vẽ.
Hiện đang có rất nhiều dự án lớn đang được thi công khẩn trương. Cứ thế, tỉnh Phú Yên tiếp tục đổi thay mỗi ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.