Phát triển nhà ở xã hội để vực dậy thị trường BĐS

14/12/2012 16:35 GMT+7

(TNO) Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với TP.Hà Nội cùng một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường.

(TNO) Đây là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong buổi làm việc với TP.Hà Nội cùng một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ngày 13.12, để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường.

>> Bộ Xây dựng đề xuất: Xây dựng nhà ở xã hội diện tích 25 m2
>> Nhiều kiến nghị về phát triển nhà ở xã hội
>> Nhà ở xã hội, ước mơ không còn xa xỉ
>> Gần 400 công nhân được mua nhà ở xã hội

Theo Bộ trưởng Dũng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhằm giải quyết một cách cơ bản nhu cầu nhà ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thời gian qua việc phát triển nhà ở cho đại bộ phận người dân thu nhập thấp ở đô thị còn manh mún, tự phát. Do đó, thời gian tới, chiến lược phát triển nhà ở xã hội sẽ là tổng thể, khoa học. Theo đó, sẽ phân biệt rõ thị trường nhà ở hàng hóa và nhà ở phi hàng hóa. Định rõ 8 nhóm đối tượng cần thiết được ưu tiên: nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, công chức, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang…

Bộ trưởng Dũng cho rằng thị trường BĐS hiện nay bị “đóng băng” sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Tín dụng hiện tại liên quan đến BĐS khoảng 1.500.000 tỉ đồng, nợ xấu ảnh hưởng đến tín dụng, kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, vấn đề tháo gỡ cho thị trường BĐS đang rất bức thiết, cần làm càng sớm càng tốt.

nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới - Ảnh: Lê Quân

Bộ trưởng Dũng nhận định, với khối lượng các dự án BĐS trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay, nếu tất cả đều hoàn thành thì nhu cầu phải rất nhiều năm nữa mới tiêu thụ hết. Do vậy, cần phải kiểm soát phát triển, phải rà soát, đánh giá lại thị trường để có kế hoạch đầu tư phù hợp. Hiện nay, để tháo gỡ thị trường BĐS, hướng đi phát triển nhà ở xã hội đang là hướng đi tốt nhất. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đây là thời cơ để các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng sang phát triển nhà ở xã hội, vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, cũng chính là tự cứu doanh nghiệp, thể hiện phong cách kinh doanh một cách chuyên nghiệp cũng như trách nhiệm đối với xã hội.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng nhất trí với chủ trương phát triển nhà ở xã hội để cứu thị trường BĐS đang "đóng băng".

Ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex cho biết, tại khu đô thị Bắc An Khánh (Hà Nội), Vinaconex có 18,5 ha đã được chấp thuận chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Hiện đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, phương thức thực hiện, dự kiến sẽ khởi công vào quý I năm 2013. Ngoài ra, nếu được TP.Hà Nội chấp thuận, Vinaconex sẽ triển khai tiếp dự án 50 ha tại khu đô thị Đại Áng (H.Thanh Trì) rất thuận tiện về giao thông, hạ tầng, phát triển theo mô hình đô thị nhà ở xã hội.

Ông Phong cũng cho biết thêm, Vinaconex sẽ thí điểm làm nhà ở xã hội cho thuê để thu hút nhóm người trẻ có thu nhập trung bình nhưng chưa đủ tích lũy để mua nhà…

Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho biết, dự án đô thị mới Tây Nam Linh Đàm (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) mà HUD đang thực hiện theo quy hoạch có 49 ha, trong đó 19 ha phát triển nhà ở, chỉ có 2,4 ha làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện HUD đang điều chỉnh, chỉ dành 10 ha làm nhà ở thương mại để có vốn hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu đô thị, còn lại dành khoảng 9 ha làm nhà ở xã hội.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Nam Cường cho biết, đang lập dự án khu đô thị 140 ha tại Đại Mỗ (Hà Nội). Trong đó, có khoảng 40 ha diện tích đất ở. Nam Cường dự kiến sẽ dành 10 - 15 ha để làm nhà ở xã hội.

30.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội

(TNO) Ngày 14.12, Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Theo đó, hai bên đã ký kết Thỏa thuận phối hợp triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2015 với doanh số cho vay lên tới 30.000 tỉ đồng.

Theo đó, đối với chủ đầu tư thực hiện dự án, doanh số cho vay tối đa là 10.500 tỉ đồng (chiếm 35% gói tín dụng); mức cho vay tối đa là 70% trên tổng mức đầu tư của dự án; lãi suất cho vay bằng lãi suất của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); thời gian cho vay tối đa 5 năm.

Đối với người mua nhà, doanh số cho vay tối đa là 19.500 tỉ đồng (chiếm 65% gói tín dụng); mức cho vay tối đa là 85% trên giá trị căn nhà; lãi suất cho vay thấp hơn 10% (tức chỉ bằng 90%) so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân các tổ chức tín dụng (mức lãi suất có thể thấp hơn trong trường hợp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ); thời gian cho vay tối đa 15 năm.

Bộ Xây dựng và Ngân hàng BIDV cũng thống nhất sẽ thành lập nhóm công tác để điều phối hoạt động của chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, để chương trình hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Thanh Xuân - L.Q

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.