Phải bầu người có năng lực vào Ban quản trị

12/03/2021 08:36 GMT+7

Câu chuyện ban quản trị ở các chung cư lộng quyền, tranh chấp lẫn nhau, xung đột với người dân vẫn chưa có hồi kết mà đôi khi chính chủ đầu tư cũng bị “vạ lây”.

Phát biểu tại tọa đàm “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?” do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 11.3, ông Nguyễn Trung Tín, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản An Gia, dẫn chứng: 6 dự án mà An Gia đã bàn giao đưa vào sử dụng và nhanh chóng thành lập ban quản trị (BQT), bàn giao quỹ bảo trì 2%, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do sự hờ hững của người dân khi nhận nhà.
Chủ đầu tư mời tham dự hội nghị chung cư nhưng đa số người dân không tham gia, xem như đó là việc của người khác. Trong thời gian đầu khi chủ đầu tư còn quản lý, hoạt động chung cư rất tốt và người dân thấy hài lòng, như “tuần trăng mật”. Nhưng sau 1 năm, mọi việc bàn giao lại cho BQT, bất cứ khi nào chung cư có vấn đề, cư dân cũng đổ hết lỗi cho chủ đầu tư.
Nhận định BQT một số chung cư hiện chưa đủ trình độ để hiểu về quyền và trách nhiệm của mình, nhiều người lại có tư lợi riêng, ông Tín đề nghị phía chính quyền nên có quy định cụ thể chọn người vào BQT. Đó là người phải đủ năng lực, có trách nhiệm thay vì đa số hiện nay là những cụ về hưu, 1 - 2 thanh niên có công việc tốt, nhưng ứng cử vào để có “tên tuổi” trong tòa nhà. Ngoài ra, cần quy định thù lao phải tương xứng, thật sự cao để họ có trách nhiệm và xem đó là công việc chính thức chứ không phải tham gia cho vui hay vì trách nhiệm. Phải làm sao để họ xem hoạt động của BQT là cái nghề để làm việc tận tâm, chuyên nghiệp và quan trọng nhất là mạnh tay với tiêu cực trong BQT, không coi đó là tranh chấp dân sự.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng BQT nhà chung cư được tổ chức theo mô hình HĐQT trong công ty cổ phần hoặc ban chủ nhiệm hợp tác xã. Do vậy, đầu tiên cư dân phải cố gắng tham gia các hội nghị này để bầu người có năng lực vào BQT. Chẳng hạn trong BQT cũng cần người biết kế toán vì số tiền bảo trì lên đến hàng trăm tỉ đồng; cần có cơ chế giám sát để tránh thành viên BQT “thụt két”, tư lợi. Đồng thời, phải đào tạo cho thành viên BQT về luật có liên quan, về cả quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Đồng tình, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty quản lý vận hành Global Home, nhấn mạnh để một chung cư vận hành ổn định, cần mối quan hệ giữa 5 đối tượng gồm chủ đầu tư, chính quyền địa phương, BQT, ban quản lý vận hành và cư dân. Thực tế, BQT là đối tượng thích nói về luật, nhưng họ lại sai luật đầu tiên. Và khi chính quyền địa phương thiếu sâu sát dẫn đến tạo lỗ hổng cho BQT sai luật, thì dân cư trở thành đối tượng bị đàn áp. Vị này kiến nghị cần quy định BQT phải tham gia lớp Đào tạo Ban quản trị trong chung cư. Khi chính quyền công nhận BQT thì cần quy định thời gian phổ cập kiến thức.
“Quan trọng, cần tuyên truyền kiến thức pháp luật nhà chung cư cho BQT, cư dân và cả chính quyền địa phương. Một chung cư nếu có chủ đầu tư chuẩn, đơn vị quản lý chuẩn, chính quyền địa phương hiểu luật thì mọi mâu thuẫn sẽ được giải quyết”, ông Thành khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.