Phá nát vịnh Nha Trang - Kỳ 3: Bất chấp luật Di sản

18/07/2013 11:00 GMT+7

Bằng đủ cách lý giải, tỉnh Khánh Hòa cố thực hiện cho kỳ được một loạt công trình làm phá vỡ cảnh quan vịnh Nha Trang, bất chấp cả luật Di sản.

>> Kỳ 2: Môi trường biển bị tàn phá
>> Kỳ 1: Phá nát vịnh Nha Trang

Cái gì cũng muốn

Nha Trang vốn nổi tiếng là nơi có bờ biển đẹp, một vịnh biển khá yên bình và nên thơ. Tận dụng ưu thế trời cho này để “làm kinh tế” là điều mà bất cứ một nhà quản lý nào của tỉnh Khánh Hòa cũng nhắm đến.

 Phá nát vịnh Nha Trang
Một trong 4 dự án ngầm phía đông đường Trần Phú đã che khuất tầm nhìn ra vịnh Nha Trang - Ảnh: Hiền Lương

Cơ hội vàng ấy cũng đã tới, khi năm 2005, vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Tỉnh Khánh Hòa đã lập tức đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận vịnh Nha Trang là danh thắng cấp quốc gia, sẵn dịp ra mắt luôn với khách thập phương nhân Festival Biển năm 2007. Bộ VH-TT-DL đã không ngần ngại “bút phê” cho lời đề nghị rất chính đáng của tỉnh Khánh Hòa.

 

Lẽ ra tỉnh nên để cho các nhà chuyên môn của tỉnh có sự phản biện trước khi triển khai những công trình ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Rất tiếc là Hội Kiến trúc sư chưa được tham gia ý kiến 

Ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa

Tuy nhiên, khi được công nhận là “người đẹp” rồi, tỉnh Khánh Hòa mới giật mình nhận ra rằng, một khi đã được công nhận là danh thắng cấp quốc gia thì nhất cử nhất động gì trên vịnh cũng đều phải tuân thủ theo luật Di sản. Một vị lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa khi ấy ví von rằng, khi vịnh Nha Trang được công nhận là danh thắng cấp quốc gia thì danh hiệu ấy chẳng khác nào như chiếc vòng kim cô đang quàng lên đầu địa phương này, vì muốn triển khai một công trình nào trên vịnh cũng đều phải xin phép ngoài trung ương, xem thử có đụng vào di sản hay không! Vừa muốn được công nhận là danh thắng cấp quốc gia nhưng cũng muốn tự mình quyết định xây dựng các công trình trên vịnh mà không phải xin phép một cấp nào, đó là điều mà các nhà quản lý tỉnh Khánh Hòa luôn mong muốn. Vì vậy, đã có ý kiến là muốn… rút khỏi danh hiệu là danh thắng quốc gia cho vịnh Nha Trang để khỏi “vướng” khi muốn triển khai một dự án nào đó.

Vượt rào

Dù sao thì việc vịnh Nha Trang được công nhận là danh thắng quốc gia cũng đã mang lại cho Khánh Hòa không chỉ niềm tự hào “suông” mà có cả nguồn đóng góp cho ngân sách không nhỏ mỗi năm. Khách du lịch đổ về thành phố biển này ngày một đông hơn. Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế cũng đã xem Nha Trang như một điểm đến lý tưởng với họ. Sân bay Cam Ranh nhộn nhịp khách quốc tế, mở hẳn đường bay trực tiếp đến Cộng hòa LB Nga là một ví dụ. Tuy nhiên, ngần ấy không thôi vẫn chưa đủ cho một số nhà quản lý địa phương trong việc mong muốn biến bờ biển Nha Trang thành nơi “hái ra vàng”.

Những cao ốc chọc trời phía tây đường Trần Phú ngày càng dày hơn. Thế nhưng, phía đông con đường này mới là vị trí đắc địa nhất. Tuy nhiên, đụng đến phía đông con đường đẹp nhất Nha Trang này là đụng đến luật Di sản.  

Rất âm thầm, không cần khoa trương rộn ràng, đùng một cái, đầu năm 2013, cả 4 dự án ngầm ở phía đông đường Trần Phú được cấp phép mà không cần phải trưng cầu ý kiến của các nhà chuyên môn. Những cây dương cả trăm năm tuổi bị bật gốc để nhường cho những khối bê tông, bờ biển thông thoáng ngày nào nhường cho hệ thống nhà kiên cố…

Ông Lê Đức Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời tại cuộc họp báo ngày 21.1.2013 rằng, 3 trong 4 công trình ngầm dọc bờ biển Nha Trang thì không cần phải thỏa thuận với Bộ VH-TT-DL. Cái lý là, ranh giới của vịnh Nha Trang chỉ tới… mép nước, còn rừng dương phía đông đường Trần Phú nằm trên bờ nên không thuộc vịnh!

Nhà thơ Giang Nam, người từng giữ vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói: “Lý lẽ kiểu này thì không còn gì để nói nữa”. Còn ông Bùi Dũng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa thì cho rằng: “Lẽ ra tỉnh nên để cho các nhà chuyên môn của tỉnh có sự phản biện trước khi triển khai những công trình ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Rất tiếc là Hội Kiến trúc sư chưa được tham gia ý kiến. Trong khi đó, tỉnh lại mời một số đơn vị tại TP.HCM thiết kế kiến trúc phát triển cho bờ biển Nha Trang. Nhưng thiết kế theo yêu cầu những gì đang xây dựng, theo ý nhà đầu tư”.

Chính vì “vượt rào” nên bây giờ phải tháo dỡ. Một trong 4 công trình ngầm hiện đã xây lố chiều cao, buộc phải “đẽo chân cho vừa giày”. Các công trình “vượt rào” này, sau khi bị tuýt còi nên còn chờ kết luận của Thủ tướng. Tuy nhiên, dù có cắt gọt gì đi nữa thì bờ biển Nha Trang cũng đã mất đi vẻ đẹp vốn có của nó như nó đã từng tồn tại lâu nay. Không một du khách nào đi trên đường Trần Phú có thể “nhìn xuyên tường” để thấy được vịnh Nha Trang nếu các công trình ngầm này hoàn chỉnh.

Ai quản lý vịnh Nha Trang?

Trên danh nghĩa, vịnh Nha Trang được Ban Quản lý vịnh Nha Trang trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, ban này chỉ mang cái danh thế thôi, mọi việc đều do tỉnh Khánh Hòa quyết. Ông Trương Kỉnh, Trưởng ban Quản lý cho rằng, đơn vị ông có tên là ban quản lý nhưng không có chức năng quản lý. Có nhiều ý kiến của ban đề xuất lên các cấp về các giải pháp bảo vệ vịnh Nha Trang, nhưng vẫn không được phản hồi. “Ở biển San Francisco của Mỹ, họ có một bộ phận tư vấn miễn phí cho chính quyền địa phương. Mỗi khi có dự án đầu tư vào vịnh, đội tư vấn chính là những người thẩm tra và họ cho ý kiến sau khi chủ đầu tư đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, cảnh quan. Còn ở vịnh Nha Trang, điều đó đi ngược lại hoàn toàn”, ông Kỉnh nhấn mạnh.

Một điều khó hiểu là, vịnh Nha Trang đã được công nhận là danh thắng cấp quốc gia, nghĩa là mọi sự can thiệp của con người như xây dựng các công trình tại đây đều không được vì vi phạm luật Di sản. Vậy mà không ít chủ đầu tư không biết xoay xở kiểu gì mà vẫn có giấy phép hẳn hoi, như chủ đầu tư công trình Nha Trang Sao chẳng hạn. Vì vậy, đặt câu hỏi “Ai quản lý vịnh Nha Trang hiện nay?” thì cũng chỉ để mà hỏi thế thôi!

Tr.Đăng - H.Lương - Ng.Chung

>> Khói bụi xuất hiện ở Nha Trang
>> Ngang nhiên đào, lấp vịnh Nha Trang
>> Bãi biển Nha Trang có xà bần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.