Ống tre rừng đến Thụy Điển

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
24/01/2020 08:08 GMT+7

Thoạt nghe tưởng chuyện viển vông, nhưng lại có thật ở vùng cao Quảng Trị. Không ai ngờ có ngày sản phẩm từ cây tre hoang dại trên rừng sâu lại sang tận trời Âu và... mang tiền về cho những người dân ở bản làng xa xôi.

 

Ống tre “sướng” hơn... người

Thôn Chênh Vênh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị như gợi lên sự xa xôi, cách trở của vùng đất ấy. Những ngày mưa lũ lớn vào cuối năm 2019, nhiều người dân bản vẫn đeo gùi lầm lũi vào rừng để thu hoạch thứ mà lâu nay không ai ngờ tới: ống tre rừng. “Cây tre mọc nhiều vô kể trong những cánh rừng ở miền núi Quảng Trị. Trước đây, người Bru Vân Kiều thường chỉ lấy thân tre lớn về làm nhà sàn hoặc đan lát, còn cành tre, cây tre nhỏ chẳng ai buồn nhặt về. Bây giờ những thứ tưởng chừng chẳng có giá trị ấy lại mang về thu nhập cho bà con nơi đây”, ông Phan Ngọc Long, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Phùng, hồ hởi nói.
Chuyện là từ đầu năm 2018, một nhóm khách từ Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tìm đến Chênh Vênh và chỉ cho dân bản cách làm ống hút từ cây tre. Tháng 7.2018, nhóm sản xuất ống hút tre được thành lập với 5 phụ nữ ở thôn Chênh Vênh. Mặt hàng ống hút tre được xưởng thiết kế nội thất Form Studio (trụ sở ở Thụy Điển) cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chị Hồ Thị Thương, một thành viên trong nhóm, tỏ ý “ghen tị” với các ống tre. “Nhiều người trong nhóm chúng tôi thậm chí còn chưa đi khỏi bản làng, còn ống tre lại... sang tận châu Âu. Tre sướng hơn người!”, chị cười.
Tại khu sơ chế ống hút ở trung tâm bản Chênh Vênh, chị Hồ Thị Lý (40 tuổi, trưởng nhóm hộ sản xuất ống hút thôn Chênh Vênh) khoe: “Ống hút tre giờ sản xuất không kịp bán. Làm ra bao nhiêu người ta mua bấy nhiêu”. Do hút hàng nên nhóm sản xuất đã tăng số lượng lên 15 người, có cả đàn ông. Anh Hồ Văn Phon, một thành viên trong nhóm, nói khâu dò dẫm ở các khe suối lởm chởm đá để tìm cây tre có kích thước nhỏ bằng ngón tay xem ra phù hợp với cánh đàn ông. Còn phụ nữ sẽ phụ trách các công đoạn cắt khúc, luộc, lau chùi, phơi khô...
Thường phải mất khoảng 7 - 10 ngày để có được mẻ sản phẩm ống hút tre. Sản phẩm sau đó được đóng gói kỹ càng, có nhãn mác để chuẩn bị cho một hành trình “bay” gần nửa vòng trái đất.

Thông điệp môi trường từ bản làng

Nhóm trưởng Hồ Thị Lý cho hay ban đầu họ làm sản phẩm ống hút tre chủ yếu vì lý do kinh tế, tăng thu nhập. Nhưng càng làm, họ lại càng nghĩ ra những điều mới mẻ khác. “Ngoài nhu cầu thu nhập, chúng tôi say sưa làm ra ống hút tre cũng có ý muốn truyền cảm hứng cho chiến dịch phòng chống rác thải nhựa thông qua sản phẩm thân thiện với môi trường”, chị Lý nói.
“Chúng tôi cũng tự hỏi, sao không làm ống hút tre cho người trong bản, trong xã, trong huyện, trong tỉnh và trong nước mình sử dụng? Sao cứ phải xuất sang châu Âu?”, chị Lý từng đặt câu hỏi này cho các thành viên trong nhóm. Thế là họ mở rộng thị trường. Nhiều du khách trong, ngoài nước khi đến các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn ở miền Trung đã bất ngờ khi bắt gặp những ống tre “made in Chenh Venh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.