Ông Đinh La Thăng: 'Không phải cái gì cũng 'đẩy' cho Thủ tướng được'

16/03/2016 17:12 GMT+7

Sáng 16.3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài. Tại buổi gặp, thuế và hải quan là hai ngành bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài kêu ca nhất.

Ông Đinh La Thăng trao đổi với đại diện một doanh nghiệp FDI tại buổi gặp gỡ - Ảnh: D.Đ.MinhÔng Đinh La Thăng trao đổi với đại diện một doanh nghiệp FDI tại buổi gặp gỡ - Ảnh: D.Đ.Minh
Sáng 16.3, đoàn lãnh đạo TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng dẫn đầu đã có buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài những phản ánh liên quan chính sách, bất cập trong quy định nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, thuế và hải quan là hai ngành bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài kêu ca nhất.
Theo phản ánh của một doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc, doanh nghiệp (DN) đã được cấp phép ưu đãi thuế tại Khu công nghiệp ở Cần Thơ, nhưng Cục thuế TP.HCM vẫn áp dụng mức thu thuế theo luật thuế.
Trả lời vấn đề này, bà Trần Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục thuế TPHCM cho rằng việc Cần Thơ cấp giấy chứng nhận ưu đãi là đúng, nhưng ghi trên giấy phép ưu đãi thuế là không đúng bởi ưu đãi thuế phải tùy theo luật thuế. Bà Nga nói: “Ưu đãi thuế cũng phải theo quy định của luật thuế. Cục thuế TP.HCM cũng đã hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đều cho rằng ưu đãi cũng phải theo luật thuế. Thế nhưng DN không đồng ý. Chúng tôi đang chờ hỏi ý kiến Thủ tướng Chính phủ với trường hợp này…”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói ngay: “Vấn đề là không nên vì những vướng mắc mà ảnh hưởng đến DN, môi trường đầu tư. Ngành thuế phải giải quyết dứt điểm việc này, không làm ảnh hưởng đến tài chính của DN. Đề xuất hỏi ý kiến cấp trên nhưng phải có hướng giải quyết. Các bộ ngành phải chủ động chứ không phải cái gì cũng “đẩy” cho Thủ tướng được”.
Tại buổi gặp gỡ, các DN FDI và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp các nước cũng cho rằng tuy đã điện tử hóa làm thủ tục hải quan nhưng vẫn con gây khó cho DN.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM thông tin, hiện các văn bản dưới luật đã tạo nhiều giấy phép con dẫn đến cơ chế xin cho gây khó cho DN vô cùng.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - Ảnh: D.Đ.Minh
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Bé cho rằng trong 3 năm qua ngành hải quan đã giảm thiểu thời gian gần một nửa, song những văn bản dưới luật “dính” đến 9 bộ ngành tham gia khiến cơ chế một cửa của hải quan điện tử không thể nào hiệu quả.
“Chẳng hạn, DN nhập khẩu thép mà buộc DN phải cắt từng miếng thép để mang đi kiểm định, nhập khẩu hóa chất lại phải đi xin thêm giấy phép con từ Bộ Công thương. Hỏi cơ quan này cho biết để có số liệu mà thống kê. Trong khi ngành hải quan đã thống kê hàng nhập xuất rất chi tiết rồi, sao không lấy số liệu từ hải quan mà phải “đẻ” thêm giấy phép con chỉ để lấy số liệu làm thống kê?”, ông Bé đặt vấn đề và cho rằng chính sách một cửa tại hải quan còn quá nhiêu khê, chưa đúng tinh thần “nhanh gọn” của nó.
Một số DN đến từ Hàn Quốc cũng cho rằng các cơ quan hải quan, thuế cần cắt đặt người lãnh đạo thay thế để giải quyết hồ sơ giấy tờ cho DN chứ nhiều trường hợp DN cần liên lạc với thuế và hải quan, người phụ tránh đi vắng, lại không biết khi nào về. Khiến DN đi lại nhiều lần gây phiền hà và lãng phí.
Nghe những phản ánh này từ phía DN, ông Đinh La Thăng hỏi lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM: “Đã chủ trương hải quan một cửa sao lại thêm mấy cửa phụ là sao?”.
Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM ông Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng việc làm thủ tục hải quan của ngành còn liên quan đến rất nhiều bộ ngành khác nhau. Liên quan đến quản lý hải quan hiện có 256 văn bản chuyên ngành, 20 luật và nghị định… Tuy nhiên, ông Thăng cắt ngang: “DN hỏi gì phải trả lời thẳng vấn đề đó”.
Ông Nghiệp nói tiếp: “Hiện chúng ta đang hội nhập sâu nên có nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Thống kê cũng cho thấy 28% thời gian làm thủ tục của DN liên quan đến ngành hải quan, còn 72% thời gian còn lại liên quan đến các bộ ngành khác. Từ 1.4, sẽ có 6 ngành tham gia kiểm tra tại cảng. Chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách thủ tục… Việc nhập khẩu thép cũng liên quan đến nhiều cơ quan. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thành lập tổ kiểm tra liên ngành tại cảng để thông quan cho DN cho nhanh, đã có kiến nghị rồi nhưng đến nay không phải cơ quan nào cũng hưởng ứng đồng hành…”.
“Nhưng bây giờ DN đề nghị chỉ cần một cửa khai tại hải quan thôi, các bộ ngành khác muốn kiểm tra thì liên hệ với hải quan, như thế mới gọi là một cửa. Làm vậy có được không?”, ông Thăng đặt vấn đề và yêu cầu lãnh đạo hải quan đi thẳng vào bức xúc DN nêu.
“Chúng tôi đang kiến nghị”, ông Nghiệp trả lời. “Tôi đề nghị chỉ riêng ngành hải quan giải quyết trong khả năng và quyền hạn của mình có được không?”, ông Thăng ngắt lời và cho rằng việc kiểm định tôn thép nhập khẩu này chỉ cần có cái máy tại chỗ kiểm luôn có được không? Sao lại bắt người ta cắt ra mang đi kiểm nghiệm? “Việc bé như cái móng tay, ông làm vậy sao lên cục trưởng được? Hàng hóa nhập trước đã có số liệu kiểm nghiệm rồi đừng bắt người ta cắt nữa”, ông Thăng nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp hứa những vướng mắc liên quan đến hải quan, sẵn sàng xử lý ngay. “Các hiệp hội cứ có văn bản, chúng tôi sẽ trực tiếp giải quyết sớm nhất”, ông Nghiệp nói. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Thăng lại ngắt lời: “Vướng mắc toàn chuyện giảm thuế tại cửa khẩu của hải quan, chứ việc của bộ ngành nào đâu. Tôi đề nghị đúng một tuần sau, những kiến nghị này phải giải quyết dứt điểm”.
Liên quan đến việc thường xuyên gặp gỡ đối thoại với DN, ông Nghiệp cũng thông tin là mỗi năm, hải quan thành phố có 2 lần đối thoại với DN. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng cho rằng như vậy là quá ít. “Phải gặp gỡ thường xuyên để biết vướng đâu gỡ đó chứ cứ quy định một năm hai kỳ là không được”, ông Thăng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, một lần nữa, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin của DN vào nỗ lực đổi mới của lãnh đạo thành phố. “Chính quyền sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các DN đầu tư kinh doanh kể cả trong và ngoài nước. Hiện môi trường đầu tư của TP.HCM đã được cải thiện nhiều, song để đáp ứng nhu cầu hội nhập, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa”, ông Thăng nói và khẳng định các phản ánh của DN hôm nay sẽ được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi đối tượng ngành nghề.
“Đòi hỏi một chính quyền có sự liêm chính và minh bạch, tôi yêu cầu phía DN cũng cần đạt hai yếu tố này. Chính quyền đàng hoàng thì DN cũng phải vậy, DN cũng cần minh bạch và liêm chính, có như vậy chúng ta mới gặp nhau ở một điểm để cùng phát triển được”, ông Thăng kết luận.
Báo cáo tại buổi gặp gỡ, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết tính từ năm 1988 đến 2015, TP.HCM có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng thêm là 40,02 tỉ USD. Năm 2015, TP.HCM đã thu hút 4,5 tỉ USD vốn FDI tăng 38,28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,8% của cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.