Ôm nợ vì cá sấu

30/09/2016 14:57 GMT+7

Từng giúp nhiều hộ nghèo ở Bạc Liêu vươn lên khá giàu nhưng gần đây, giá cá sấu rớt thê thảm khiến hàng ngàn người nuôi phải ôm nợ.

Nợ nần chồng chất
Những ngày qua, ông Huỳnh Thanh Liêm (ngụ ấp Hành Chính, TT.Phước Long, H.Phước Long) vô cùng lo lắng, bởi đàn cá sấu hơn 100 con đã quá lứa nhưng thương lái không mua. Ông Liêm than: “Trước Tết Nguyên đán 2016, thương lái thu mua cá sấu với giá khoảng 160.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg nên người nuôi bị lỗ nặng”.
Vụ cá sấu này ông Liêm đầu tư số tiền khá lớn, chỉ tính riêng tiền mua con giống đã tốn bình quân 450.000 đồng/con, ngoài ra còn chi phí thức ăn, công chăm sóc… “Nuôi kéo dài khoảng 20 tháng để cá đạt trọng lượng từ 15 - 20 kg/con mới xuất bán, tính ra phải bỏ chi phí khoảng 2 triệu đồng/con. Nhưng với giá cá sấu hiện nay nếu xuất bán được thì mỗi con sẽ lỗ trên 500.000 đồng. Đó là chưa tính chi phí xây dựng chuồng trại, điện, nước, thuốc thú y và công chăm sóc”, ông Liêm nói.
Hiện nay, tuy giá đã rớt thê thảm nhưng thương lái chỉ mua loại cá từ 20 kg/con trở xuống, nếu cá lớn hơn thì không mua. Trong khi đó, đàn cá sấu của ông Liêm có nhiều con đã nặng hơn 30 kg. Ông Liêm nói cầm chắc “ôm nợ” trên 100 triệu đồng, bởi gia đình đã đầu tư trên 200 triệu đồng nuôi cá sấu, trong đó có 100 triệu đồng vay ngân hàng. Hiện ông Liêm đang cùng hơn 10 hộ dân trong xóm làm đơn kiến nghị gửi đến ngành chức năng với mong muốn có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ và hỗ trợ một phần khó khăn cho người chăn nuôi.
Dù có thâm niên trên 10 năm nuôi cá sấu nhưng ông Nguyễn Văn Dương (ngụ ấp Long Hải, TT.Phước Long) cũng đang lắc đầu ngao ngán. Bởi từ khi ông bắt đầu nuôi cá sấu đến nay, giá cả tuy có lên xuống nhưng chưa bao giờ bị thua lỗ. Hiện 150 con cá sấu của ông Dương đã tới lứa bán nhưng đang cho “nằm” chờ giá. “Cách đây gần 1 tháng, thương lái đến nhà hỏi mua với giá 100.000 đồng/kg nhưng tôi không bán. Sau đó giá cá sụt xuống 80.000 đồng/kg, nay còn 77.000 đồng/kg nhưng cũng chả thấy ai đến hỏi mua. Như vậy, vụ cá này xem như cầm chắc lỗ gần 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng vay ngân hàng”, ông Dương nói.
Tự lột da cá sấu để dự trữ
Trước áp lực thua lỗ do giá cá sấu giảm, không chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả những trang trại lớn quy mô lên hàng chục ngàn con cũng phải tự tìm đầu ra thay vì trực tiếp xuất bán nguyên con như trước đây. Điển hình là Trang trại nuôi cá sấu Phương Tín (xã Vĩnh Thanh, H.Phước Long) nơi gây nuôi gần 30.000 con cá sấu. Ông Trương Thanh Mai (chủ trang trại) cho biết do thị trường xuất khẩu cá sấu gặp nhiều khó khăn, giá liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại nên trang trại bắt đầu chuyển hướng sang làm thuộc da. Bước đầu, công nhân sẽ lột da cá sấu, sau đó chuyển đến đối tác để thuê gia công. Từ đó sẽ dùng để làm các sản phẩm thời trang như: giày, bóp, thắt lưng... Theo ông Mai, sắp tới trang trại sẽ xây dựng nhà máy thuộc da cá sấu để đảm bảo ổn định đầu ra cho cá sấu nuôi không chỉ của riêng trang trại mà còn bao tiêu cho nông dân trong vùng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh hiện có 1.925 hộ đăng ký gây nuôi động vật hoang dã với tổng đàn trên 220.000 cá thể, chủ yếu là cá sấu. Do cá sấu là động vật hoang dã nên địa phương không khuyến khích phát triển gây nuôi ồ ạt. Thời gian qua, tuy cá sấu có giá trị kinh tế cao nhưng vốn đầu tư lớn, trong khi đa số nông dân nuôi theo kiểu tự phát, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người nuôi phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp nhưng đa số người nuôi cá sấu hiện nay xây chuồng nuôi tạm bợ.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng hiện nay người nuôi cá sấu đang phải chịu lỗ nên số hộ nuôi loài vật này sẽ giảm dần trong thời gian tới. “Nếu người nuôi muốn giữ đàn chờ giá thì cần hạn chế cho cá sấu ăn để tiết kiệm chi phí, bởi cá sấu có thể nhịn ăn trong thời gian dài mà không ảnh hưởng”, ông Lân khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.