Olympic 2018: Chi phí bỏ ra liệu có mang lại lợi ích cho kinh tế Hàn Quốc?

26/02/2018 15:05 GMT+7

Hơn 100 sự kiện, gần 3.000 vận động viên, hơn 300 huy chương và khoản tiền tổ chức 13 tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi Thế vận hội Mùa đông 2018 khép lại, liệu tất cả chi phí này có đáng để Hàn Quốc gánh một gánh nặng tài chính hay không?

Các sự kiện Olympic đã trở nên nổi tiếng với những khoản chi phí tiêu tốn hàng tỉ USD và những lời hứa không thành về lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Chẳng hạn, để tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2014 ở khu nghỉ mát Sochi, Nga đã mất khoản tiền khổng lồ lên đến 50 tỉ USD. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất trong lịch sử tổ chức Olympic là việc Montreal đã phải dành ra ba thập niên để trả nợ sau khi Thế vận hội Mùa hè 1976 bế mạc. Liệu Pyeongchang sẽ chịu số phận tương tự?
Theo CNN, một số nhà phân tích tỏ ra khá lạc quan. Viện nghiên cứu Hyundai của Hàn Quốc dự báo rằng Thế vận hội Mùa đông 2018 tạo ra hoạt động kinh tế khoảng 40 tỉ USD, chủ yếu đến từ chi tiêu của khách du lịch trong suốt thời gian sự kiện diễn ra và những năm tiếp theo. Song có không ít ý kiến từ giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tác động kinh tế này.
“Tôi không nghĩ rằng chính phủ hay ban tổ chức sẽ thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra”, Park Sung-bae, Phó giáo sư khoa Quản lý và Công nghiệp thể thao của Hanyang University, nhận định.
Chi phí tổ chức sự kiện đã tăng vọt khoảng 8 tỉ USD so với dự báo trước đó. Hàn Quốc muốn biến Pyeongchang thành điểm du lịch cho các môn thể thao mùa đông sau kỳ Thế vận hội này nên đã đầu tư xây dựng một số địa điểm thể thao mới. Tuy nhiên, nhiều khả năng nước này sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn cho những kỳ vọng của mình.
Sân vận động Olympic Pyeongchang với sức chứa 35.000 chỗ ngồi được xây dựng chỉ để tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội. Sau khi sự kiện thể thao này kết thúc, nó sẽ được dỡ bỏ một phần và được sửa chữa lại thành nhà tưởng niệm và nhà hát. Điều này có thể vẫn sẽ đem lại lợi ích kinh tế tương đối về sau. Nhưng đối với những công trình phục vụ thi đấu khác thì khả năng cao sẽ bị phá bỏ hoàn toàn vì chi phí để duy trì các địa điểm thể thao mùa đông rất tốn kém, chưa kể chúng chỉ hữu ích tại một thời điểm nhất định trong năm.
Theo ông Park, Pyeongchang sẽ phải vật lộn để thu hút khách du lịch vì khoảng cách địa lý quá xa, thiếu chỗ ở và không có nhiều hoạt động giải trí so với các thành phố lớn như Seoul.
“Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền để tạo ra một sân vận động tuyệt vời, nhưng không ai có thể sử dụng chúng sau đó”, ông Park nói.
Kim Won-young, trợ lý giáo sư khoa Quản lý thể thao tại Wichita State University, cho biết việc duy trì các địa điểm thi đấu Olympic có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến tài chính của chính quyền địa phương huyện Pyeongchang và tỉnh Gangwon, nơi cách biên giới Triều Tiên chỉ 50 dặm và là một trong những vùng nghèo nhất của Hàn Quốc.
“Ước tính việc duy trì các địa điểm thi đấu có thể khiến chính quyền Gangwon mất khoảng 9 triệu USD mỗi năm. Họ có thể cũng phải bỏ ra khoảng 90 triệu USD để làm sạch môi trường sau khi Thế vận hội kết thúc. Nhiều người Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về gánh nặng tài chính tiềm năng”, ông Kim cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ doanh thu mà các địa điểm thể thao này mang lại. Các nhà tổ chức cho biết họ đã bán được hơn 90% số vé có sẵn, nhưng thực tế là họ đã phải đối mặt với khung cảnh khán đài đầy những hàng ghế trống trong một số sự kiện. Tình hình diễn biến có phần xấu đi bởi thời tiết trở nên lạnh lẽo hơn ở thời điểm Thế vận hội bắt đầu. Có những thời điểm gió quá mạnh buộc các quan chức phải hủy một số sự kiện.
Kim Yuk-youm, Phó giáo sư khoa Quản lý thể thao toàn cầu tại Đại học Quốc gia Seoul, cho hay hầu hết người dân Hàn Quốc đều không kỳ vọng cao rằng Thế vận hội Pyeongchang 2018 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế đất nước.
“Có rất nhiều thắc mắc về việc tại sao Hàn Quốc lại đăng cai tổ chức Thế vận hội và sự không chắc chắn về những lợi ích mà sự kiện thể thao này đem lại cho chúng tôi”, ông Kim nói.
Hàn Quốc đã từng tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1988. Vào thời điểm đó, chính phủ muốn thông qua sự kiện này để quảng bá cho các công ty mới nổi trong nước và đưa Hàn Quốc lên sân khấu thế giới. Nhưng hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một đất nước giàu có hơn rất nhiều. Họ có các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Huyndai... Do đó, người dân tại quốc gia Đông Á này nghĩ rằng thời vận của đất nước họ đã đến và Hàn Quốc có lẽ không cần phải nhờ đến những sự kiện thể thao để tìm kiếm cơ hội kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.