Nuôi heo rừng thu lãi cao

02/05/2018 10:14 GMT+7

Cụ Trần Bia (73 tuổi, ngụ P.Ba Láng, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) là một trong những người tiên phong ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi và thành công với mô hình nuôi heo rừng, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Tích cực học hỏi kinh nghiệm
Cụ Bia kể trước đây cụ đầu tư nuôi heo, nhưng đầu ra khá bấp bênh dẫn đến thua lỗ kéo dài nhiều năm. Từ đó, cụ tìm vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế. Năm 2009, qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, biết được mô hình nuôi heo rừng đem lại thu nhập khá nên cụ quyết định mua 15 con giống về nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy heo rừng ít bệnh, nhẹ công chăm sóc, lại được thị trường ưa chuộng nên cụ mua thêm con giống và xây dựng chuồng trại kiên cố để chuyển đổi hoàn toàn từ nuôi heo thường sang heo rừng.
Là người ham tìm tòi, cụ Bia nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật nuôi heo rừng; học hỏi kinh nghiệm thực tế qua các chuyến đi đến trại chăn nuôi heo rừng số lượng lớn. Nhờ đó, cụ rút được những kinh nghiệm hữu ích đem về áp dụng vào đàn heo nhà mình. Sau hơn 1 năm chăm sóc, đàn heo rừng phát triển khỏe mạnh, hiếm khi bị bệnh.
Theo cụ Bia, heo rừng là loài ăn tạp nên ít tốn chi phí thức ăn. Có thể mua các loại rau củ, trái cây dạt về phân loại cho heo ăn và bổ sung thêm cám để kích thích tăng trưởng. Sau 9 năm đầu tư chăn nuôi, đàn heo rừng của cụ hiện lên đến 100 con, gồm heo thương phẩm và heo giống.
Đầu ra ổn định
Cụ Bia cho biết, để nuôi heo rừng đạt hiệu quả cao, khâu chọn giống là quan trọng nhất, quyết định sự thành công của người nuôi. Cụ chủ yếu nuôi giống heo rừng từ Thái Lan do con to, mau lớn. Giống heo này lúc mới đẻ có bộ lông màu nâu đen với 6 sọc vàng rõ nét dọc thân. Khi heo lớn, các sọc này sẽ phai dần và khoảng 3 - 4 tháng tuổi thì mất hẳn. Còn heo hậu bị có vạt lông bạc trắng trên má, phần sống lưng có màu đậm hơn, đoạn chân liền với móng có màu đen.
Do đất nhà không nhiều nên cụ Bia tận dụng khoảng sân nhỏ trồng cây xanh, làm hàng rào che chắn xung quanh, xây chuồng nuôi heo rừng. Chuồng nuôi phải có mái che mưa nắng, luôn giữ cho thông thoáng, sạch sẽ. Heo đực giống được nuôi riêng, chuồng có diện tích từ 5 - 10 m2. Vật liệu làm chuồng heo rừng nên dùng các loại gạch, đá, cát, xi măng… để bảo đảm độ bền và chắc chắn. Vách xây cao khoảng 1,4 - 1,6 m ngăn heo phóng ra ngoài. Nền chuồng nên đổ bê tông để heo rừng không thể dùng mõm đào hang thoát ra.
Heo rừng là loài hoang dã nên khi sinh sản không tốn công chăm sóc, chỉ cần tách ra chuồng riêng, tránh heo mẹ dẫn heo con ra bên ngoài trúng gió, mưa làm heo con bị tiêu chảy và chết. Heo rừng có nhược điểm là bầu sữa rất ít, nên chỉ chọn từ 9 - 10 con, bỏ bớt những con quá nhỏ để tránh bầy heo con bị chậm lớn, èo ọt. Vào khoảng tháng 4 sẽ tiến hành tiêm ngừa để phòng tránh dịch bệnh.
Hiện đầu ra của heo rừng giống và heo rừng thịt khá ổn định, khách hàng chủ yếu đến tận trại của cụ Bia đặt mua, nhiều lúc không đủ bán. Giá heo giống và heo thương phẩm đang dao động khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cụ Bia thu lời trên 100 triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.