Nuôi bồ câu Pháp ở phố

02/02/2016 07:10 GMT+7

Nhờ nuôi bồ câu Pháp, bình quân mỗi tháng gia đình ông Huỳnh Văn Lam (53 tuổi, ở P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định) thu lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Nhờ nuôi bồ câu Pháp, bình quân mỗi tháng gia đình ông Huỳnh Văn Lam (53 tuổi, ở P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn, Bình Định) thu lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Ông Lam cho bồ câu ăn (ảnh dưới) và chia sẻ cách chăm sóc bồ câu với khách - Ảnh: Tiến HuyÔng Lam cho bồ câu ăn (ảnh dưới) và chia sẻ cách chăm sóc bồ câu với khách - Ảnh: Tiến Huy
Gia đình ông Lam vốn sinh sống ở H.Hoài Ân (Bình Định) bằng nghề làm nông, nuôi heo, gà... Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn khiến ông Lam luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Thấy mô hình của một người bạn nuôi bồ câu cho thu nhập khá, ông Lam học hỏi và bàn bạc với vợ quyết định chuyển nhà vào TP.Quy Nhơn để lập nghiệp, để “vừa có đất rộng vùng ngoại thành, vừa có thị trường tiêu thụ lớn”.


Người nuôi bồ câu Pháp phải chú ý hạn chế cho chúng ăn chất béo vì bồ câu mẹ sẽ sinh sản kém, còn bồ câu con thịt có nhiều mỡ, kém ngon

Ông Huỳnh Văn Lam (P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn)

Năm 2004, qua tư vấn, động viên của Hội Nông dân P.Nhơn Phú, cộng với những thông tin tự học hỏi từ sách báo và bạn bè, ông Lam mua 60 cặp bồ câu Pháp thuần chủng về nuôi. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp nên ông đã thành công ngay từ lứa nuôi đầu tiên, tự tin mở rộng mô hình kinh tế của mình.
Hiện ông Lam đang nuôi tổng cộng khoảng 400 cặp bồ câu bố mẹ và luôn có 100 cặp bồ câu giống hậu bị sinh sản để phục vụ nhu cầu con giống. Mỗi tháng, ông xuất bán khoảng hơn 200 cặp bồ câu thịt với giá bình quân khoảng 80.000 - 100.000 đồng/cặp; giá con giống khoảng 220.000 đồng/cặp. Bên cạnh nuôi bồ câu, ông còn nuôi hơn 100 con gà và vịt lớn nhỏ để có thêm thu nhập.
Sẵn sàng chia sẻ bí quyết
Theo ông Lam, để chim bồ câu Pháp mau lớn thì chuồng nuôi phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh ồn ào. Nên làm chuồng bằng lồng sắt, vì lồng bằng tre đan sau vài tháng sẽ bị mục, dễ gãy, tốn thời gian và tiền bạc để thay thế. Chia chuồng thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim: chiều cao 45 cm, chiều sâu 45 cm, chiều rộng 50 cm. Mỗi ô chuồng cần 2 ổ đẻ trứng và ấp trứng đặt ở trên, một ổ nuôi con đặt ở dưới. Máng ăn và máng uống cho chim nên dùng bằng gỗ hoặc chất dẻo, không nên làm bằng kim loại, đảm bảo vệ sinh. Thức ăn thông thường của bồ câu là các loại hạt thực vật như đỗ xanh, đỗ tương, ngô, thóc… “Người nuôi bồ câu Pháp phải chú ý hạn chế cho chúng ăn chất béo vì bồ câu mẹ sẽ sinh sản kém, còn bồ câu con thịt có nhiều mỡ, kém ngon”, ông Lam lưu ý.
Nuôi bồ câu Pháp ở phố

Cũng theo ông Lam, trong các mô hình nuôi chim bồ câu lấy thịt, giống bồ câu Pháp được lựa chọn nhiều nhất bởi đây là giống chuyên thịt nổi tiếng. Bình quân mỗi năm một cặp bồ câu Pháp có thể đẻ 8 - 9 lứa, trọng lượng chim ra ràng (20 ngày tuổi) đạt 550 - 600 gr/con. “Muốn chim mẹ đẻ nhiều phải chọn những con nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đuôi nhọn… khi bồ câu đẻ trứng, ấp khoảng 1 tuần rồi mang trứng ra soi, loại bỏ trứng hư. Hơn nữa, giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, ít rủi ro, tỷ lệ nuôi sống đạt 94 - 99%”, ông Lam chia sẻ.
Điển hình kinh tế giỏi
Theo ông Võ Văn Phong, Phó chủ tịch Hội Nông dân P.Nhơn Phú, mô hình nuôi bồ câu Pháp của ông Huỳnh Văn Lam đem lại thu nhập cao và ổn định, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của phường. Những năm gần đây, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp của ông Lam. “Chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện để ông Lam tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu và quảng bá mô hình này để những nông dân khác có thể học hỏi”, ông Phong nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.