Nửa năm, nhập siêu gần 1,5 tỉ USD

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/07/2021 07:59 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch tăng đến 54% so cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo tháng 6 và 6 tháng đầu năm vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy, hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng đồng đều tại các ngành hàng xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng mạnh do “chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm”, theo diễn giải trong báo cáo.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính đạt 54 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tháng 6 ước tính đạt 27,5 tỉ USD, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 26,5 tỉ USD. Như vậy, tháng 6 nhập siêu 1 tỉ USD. Tính lũy kế 6 tháng, cả nước nhập siêu 1,47 tỉ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 5,86 tỉ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỉ USD.
6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỉ USD, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 25,23 tỉ USD, tăng 21,6%; thị trường ASEAN đạt 21 tỉ USD, tăng 49%; Nhật Bản đạt 10,6 tỉ USD, tăng 13%; thị trường EU đạt 8,14 tỉ USD, tăng 17,2% và Mỹ đạt 7,8 tỉ USD, tăng gần 11%.
Bộ Công thương cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 10,3 tỉ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể các mặt hàng sau cần kiểm soát nhập khẩu: nhập khẩu rau quả tăng 17%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng hơn 38%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 67,3% về kim ngạch.
Dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương cho rằng, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm nay, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Còn trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan… bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.