“Nữ hoàng” cà phê Việt

29/10/2018 08:15 GMT+7

Dù phải đương đầu với nhiều sóng gió nhưng bà Lê Hoàng Diệp Thảo - đồng sáng lập và sở hữu Tập đoàn cà phê Trung Nguyên - vẫn phát triển thương hiệu King Coffee.

“Tôi yêu cà phê như yêu những người thân trong gia đình và khát khao đưa Việt Nam vào vị trí xứng đáng trên bản đồ cà phê thế giới", bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói. Như đã từng suốt 20 năm qua, bà Diệp Thảo không chỉ ngừng lại ở việc phát triển hệ thống phân phối mà còn quyết liệt muốn thay đổi cục diện thị trường cà phê để "cất lên tiếng nói của một quốc gia có thế mạnh trồng cà phê”. Là một trong những người có ảnh hưởng thực sự với ngành cà phê Việt Nam và thế giới, bà Diệp Thảo không quên vai trò quan trọng của những người nông dân trồng cà phê - những người đang sinh sống tại thủ phủ cà phê trên quê hương Việt Nam mà theo bà, “đây là sự hậu thuẫn rất lớn cho Trung Nguyên International”. Bà đã thành lập Quỹ “Happy Farmer” để thực hiện các chương trình giúp người nông dân có cuộc sống hạnh phúc hơn. Chương trình này có nhiều chuỗi hoạt động nhằm hướng đến sự phát triển bền vững cho người dân trồng cà phê dựa trên các nền tảng: chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân, nâng cao dân trí, hỗ trợ nông dân chuyển đổi canh tác cây trồng theo mô hình mới với hiệu quả cao. Bên cạnh đó, bà cũng tích cực vận động trong ngành cà phê, đặc biệt là các thương hiệu lớn nhất thế giới, hướng sự quan tâm và giúp đỡ tới nông dân, cũng như quan tâm hơn nữa đến các mục tiêu phát triển bền vững cho ngành cà phê. 
Thương hiệu King Coffee với tốc độ phát triển như vũ bão, khát vọng trở thành thương hiệu số 1 trong ngành cà phê Việt Nam và thế giới.
Thành danh từ cà phê khi còn rất trẻ
Năm 1994, khi đang ở tuổi 20, cô gái giàu sang nhan sắc nổi tiếng trong vùng, Lê Hoàng Diệp Thảo đã dành trọn tình yêu cho chàng sinh viên y khoa nghèo Đặng Lê Nguyên Vũ. Cô gái trẻ khi ấy đã nhìn thấy ở người yêu của mình một tư tưởng lớn lao và ý chí vươn lên mạnh mẽ. Cô cũng là người duy nhất dám đón nhận khát vọng cháy bỏng của chàng sinh viên y khoa và tự nhủ sẽ song hành cùng anh suốt cuộc đời này.
Xuất thân từ vùng đất Gia Lai, xứ sở của cây cà phê truyền thống lâu đời của Việt Nam, bà Thảo nhanh chóng nhận ra tiềm năng rất lớn của ngành cà phê và chọn ngành cà phê để cả hai cùng khởi nghiệp với thương hiệu Trung Nguyên. Thị trường cà phê khi ấy chưa có thương hiệu nào lớn mang tầm vóc quốc gia. Các quán cà phê mang tính chất gia đình, quy mô nhỏ, không có chiến lược phát triển dài hạn và đặc biệt nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng. Nhận thấy những cơ hội trên thị trường, sau khi cùng nhau bàn bạc, năm 1996, hộp cà phê Trung Nguyên đầu tiên với slogan “Mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo mới” chính thức ra đời.
Bà Thảo là người gần gũi nhất bên cạnh ông Vũ, song hành cùng ông, dám làm dám dấn thân vì ông để cùng ông mở ra một tầm nhìn mới, một con đường mới.
Một “bước ngoặt” lớn cho cả nữ doanh nhân này và thương hiệu Trung Nguyên là sau khi đám cưới, cả hai chuyển vào TP.HCM. Khởi đầu khó khăn, bằng việc tổ chức kho và sản xuất ngay trong nhà với hơn 15 nhân viên và gia đình của họ. Người phụ nữ trẻ ấy cũng bắt đầu đi học quản lý quán cà phê chuyên nghiệp, vừa học vừa tự nghiên cứu thị trường... Ví dụ áp dụng chiến dịch chiêu thị phục vụ khách uống cà phê miễn phí trong 7 ngày đã gây nên cơn “địa chấn” mới trong giới nghiện cà phê ở Sài Gòn… Thương hiệu Trung Nguyên bắt đầu vang xa, đôi vợ chồng tiếp tục mở thêm quán cà phê Trung Nguyên thứ hai ở góc ngã tư Pasteur - Điện Biên Phủ. Vào thời điểm ấy, đây là một trong những quán cà phê có không gian đẹp, hiện đại và có mô hình cà phê đối chứng đầu tiên tại Việt Nam. Khách hàng được phục vụ thưởng thức cà phê ngay tại chỗ, vừa có thể mua cà phê hạt, cà phê rang xay song song với phục vụ cà phê.
Từ đó Trung Nguyên mở ra một chương mới. Công ty bắt đầu thực hiện mô hình nhượng quyền khắp cả nước. Kết quả chỉ trong hơn 1 năm, từ 1999 - 2000, Trung Nguyên đã có gần 500 quán cà phê trên khắp cả nước.
Nhưng sự nỗ lực của vị nữ doanh nhân không chỉ dừng ở đó. Năm 2001, khi tham dự hội nghị kinh doanh toàn cầu tại Cologne (Đức), viễn cảnh ngành cà phê hòa tan với mấy trăm tỉ USD mở ra trước mắt bà Thảo. Làm thế nào để khách hàng dù bận rộn vẫn có thể uống một ly cà phê Trung Nguyên đúng “gu” với thời gian nhanh nhất? Xưởng sản xuất cà phê hòa tan ở số 204 Bùi Thị Xuân ra đời từ ý tưởng đó. “Khi không đủ thời gian cho Trung Nguyên - hãy chọn G7”, câu slogan đã giúp G7 được biết đến rộng rãi và nhanh chóng. Sản phẩm cà phê hòa tan G7 đã nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu Việt Nam từ năm 2003 - 2011 dựa trên số lượng bán ra.
Người đứng phía sau thành công
Có thể nói Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam đầu tiên được xây dựng và quản lý một cách bài bản và cũng là cái tên thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu đầu tiên ở trong lẫn ngoài nước. Phía sau sự thành công đó là bóng dáng của người phụ nữ Lê Hoàng Diệp Thảo. Thực tế, ngay từ khi thành lập công ty, bà Thảo đã nắm giữ chức vụ phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc thường trực, có thể thay thế tổng giám đốc trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của tập đoàn. Ngoài ra, bà Thảo còn giữ vai trò tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương.
Chính bà cũng nhận ra con đường mở rộng ra khỏi biên giới Việt Nam để đưa thương hiệu Trung Nguyên vươn lên tầm cao mới. Năm 2008, bà Thảo sang Singapore để thành lập Công ty Trung Nguyên International. Quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên mở tại sân bay Changi đã tạo ra dấu ấn cực kỳ tốt cho thương hiệu này bước ra thế giới.
Khi quay trở lại Việt Nam, bà Thảo quyết định tách chuỗi quán cà phê ra riêng và thành lập Trung Nguyên Franchise cũng như thay đổi toàn bộ hình ảnh. Sau này, hệ thống nhận diện thương hiệu của Trung Nguyên Franchise là hình đôi cánh bay lên rất được giới chuyên môn và người tiêu dùng yêu thích.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn đưa Việt Nam vào vị trí quyền lực trên bản đồ cà phê thế giới
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn đưa Việt Nam vào vị trí quyền lực trên bản đồ cà phê thế giới
Với người phụ nữ ấy, dù có phải bán hết của hồi môn để lấy vốn đầu tư vào công ty, bà vẫn vui vẻ chấp nhận. Bà tham gia nhiều hoạt động của công ty từ sáng sớm đến đêm khuya. Niềm vui được nhân lên với đôi vợ chồng trẻ khi Trung Nguyên - cái tên vừa được chọn cho thương hiệu cà phê đã thành công và được chọn cho đứa con trai đầu lòng. Vừa làm việc vừa hoàn thành thiên chức của người phụ nữ, bà sinh cho ông Vũ 4 người con. Gia đình bà như mẫu hình đẹp và thành công mà cả xã hội nhắc đến.
Nếu ở Trung Nguyên, ông Vũ là người đưa ra chiến lược thì bà Thảo chính là người thực thi chiến lược đó một cách hoàn hảo nhất. Ông Vũ có thể bước ra ngoài, truyền ngọn lửa khát vọng cho những người khởi nghiệp, giới trẻ bởi bên trong đã có bà Thảo quản lý tài chính, điều hành công ty, rà soát các lỗ hổng để vá chúng lại thành bức tranh hoàn hảo cho thương hiệu Trung Nguyên.
Sự "đồng thanh tương ứng", thuận vợ thuận chồng đã giúp Trung Nguyên phát triển như vũ bão trong giai đoạn 2006 - 2014. Không chỉ trở thành thương hiệu quốc gia, Trung Nguyên còn phát triển thành công thương hiệu trên thị trường quốc tế. Cụ thể, doanh số tăng trưởng vượt bậc, từ mức 1.223,6 tỉ đồng trong năm 2008 lên mức 4.177 tỉ đồng vào năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên tăng trưởng mạnh mẽ và đạt đỉnh cao 1.193,1 tỉ đồng vào năm 2014, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của tập đoàn từ trước đến nay.
Bà Diệp Thảo mong muốn cùng nông dân Việt phát triển nền nông nghiệp cà phê bền vững
Bà Diệp Thảo mong muốn cùng nông dân Việt phát triển nền nông nghiệp cà phê bền vững
Tái khởi nghiệp với King Coffee
Thế nhưng "ác mộng" bắt đầu ập đến với gia đình họ và Tập đoàn Trung Nguyên vào cuối năm 2013. Nếu như trước đây vợ chồng Trung Nguyên luôn chung tiếng nói, cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn thì giờ đây, bà Thảo và các con muốn gặp người chồng, người cha còn khó. Là người vợ đã song hành cùng chồng suốt 20 năm, bà Thảo không thể gặp được ông Vũ nên không giải quyết bất cứ chuyện gì, từ công việc tới gia đình. Đỉnh điểm là tháng 4.2015, ông Vũ đã đột ngột tước quyền Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên mà bà Thảo vẫn đảm nhiệm hơn chục năm. Là người đồng sáng lập và sở hữu Trung Nguyên nhưng bà không được bước chân vào tập đoàn này và bị “bủa vây” bởi các đơn kiện nhắm vào cá nhân bà...
Buồn, đau nhưng vị nữ doanh nhân ấy muốn viết tiếp câu chuyện cà phê số 1 theo cách mới. Người điều hành Trung Nguyên International một lần nữa khởi nghiệp ở tuổi 44 với King Coffee và bắt đầu bằng cách chinh phục thị trường quốc tế. Năm 2016, King Coffee ra mắt dòng sản phẩm cao cấp tại Mỹ, sau đó nhanh chóng thâm nhập vào các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Nga... với nhiều thể loại từ hòa tan đến rang xay, uống liền hay dạng viên nén. Chỉ gần 3 năm sau khi được giới thiệu lần đầu tiên, đến nay King Coffee đang được phân phối ở 61 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn cầu, nhận được được sự khen ngợi của giới chuyên môn và sự tin yêu của người tiêu dùng. Sau khi thành công ở thị trường nước ngoài, bà lại đưa King Coffee quay về thị trường nội địa với mục tiêu “bùng nổ” hơn 1.000 quán trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chính thức gia nhập thị trường chuỗi quán, vốn khi xưa Trung Nguyên của bà đã xây nên khái niệm này.
Khách hàng thưởng thức cà phê tại quán King Coffee
Khách hàng thưởng thức cà phê tại quán King Coffee
Khát vọng, mục tiêu của nữ tướng Lê Hoàng Diệp Thảo còn được thể hiện qua việc chọn hình ảnh đôi chim đại bàng đội vương miện sải cánh vút bay trên bầu trời làm biểu tượng cho King Coffee. Đại bàng được biết đến là loài chim “chúa tể” thống lĩnh bầu trời suốt hàng nghìn năm vì sự khôn ngoan, sẵn sàng đương đầu với bão tố giống như King Coffee dưới sự điều hành của CEO Diệp Thảo với mục tiêu vươn lên trở thành thương hiệu cà phê số 1 trên thị trường Việt Nam và thế giới. Sự bùng nổ thần tốc trong một thời gian ngắn của King Coffee - Cà phê Vua lại một lần nữa khẳng định bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn là “Nữ hoàng” trong ngành cà phê Việt Nam dù đang phải đương đầu với nhiều rắc rối trong cả cuộc sống gia đình lẫn từ phía Trung Nguyên - đứa con tinh thần bà đã sáng lập hơn 20 năm về trước.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chia sẻ: “Tôi yêu cà phê Việt Nam như yêu những người thân trong gia đình, và tôi khát khao làm được những điều thực sự có ý nghĩa cho cà phê Việt Nam. Người Việt Nam xứng đáng được hưởng những sản phẩm cà phê có chất lượng quốc tế. Sự phát triển của King Coffee đơn giản là được kết tinh từ tình yêu tha thiết với hạt cà phê và ước mong góp phần đưa cà phê Việt chinh phục thế giới. Đó là nhờ được sự hậu thuẫn từ một quốc gia trồng cà phê, điều mà một số thương hiệu cà phê khác trên thế giới tuy cũng mạnh nhưng chưa có được. Việt Nam là quốc gia có chất lượng cà phê Robusta ngon nhất thế giới và có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng hàng thứ nhì toàn cầu”.
Dù đang xây dựng thương hiệu King Coffee nhưng người phụ nữ ấy vẫn đau đáu tình yêu lớn với thương hiệu Trung Nguyên, thương hiệu bà dành cả thanh xuân và tình yêu. Kết quả cho những nỗ lực không mệt mỏi đó, ngày 20.9 vừa qua Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã hủy bỏ quyết định bãi nhiệm đồng thời khôi phục lại chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo tại Trung Nguyên. "Sự trở về có thể còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi vẫn luôn muốn bảo vệ, giữ gìn để tiếp tục phát triển thành quả của gia đình và một thương hiệu cà phê của Việt Nam", bà Thảo tâm sự.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ được mời làm diễn giả tại CEO Forum - World Coffee Portal 2018 vào tháng 11 tới đây tại Los Angeles (Mỹ). Đây là lần đầu tiên nữ doanh nhân của Việt Nam, đại diện cho thương hiệu cà phê Việt phát biểu tại diễn đàn cà phê hàng đầu thế giới. Bà sẽ nói lên tiếng nói của đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ nhì thế giới và quảng bá thương hiệu cà phê Việt trở thành thương hiệu toàn cầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.