Nông thôn mới nợ nần vì ‘vung tay quá trán’: Đầu tư tiền tỉ rồi bỏ hoang

01/12/2015 05:55 GMT+7

Gánh nợ để đầu tư không ít công trình tiền tỉ, nhưng tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương là công trình dở dang bị bỏ hoang, hoặc hoạt động không hết công năng, gây lãng phí lớn.

Gánh nợ để đầu tư không ít công trình tiền tỉ, nhưng tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương là công trình dở dang bị bỏ hoang, hoặc hoạt động không hết công năng, gây lãng phí lớn.

Trung tâm VHTT đa năng xã Đông Văn (H.Đông Sơn, Thanh Hóa) thường xuyên đóng cửa - Ảnh: Ngọc MinhTrung tâm VHTT đa năng xã Đông Văn (H.Đông Sơn, Thanh Hóa) thường xuyên đóng cửa - Ảnh: Ngọc Minh
Trung tâm văn hóa…đóng cửa
Xã Đông Văn là một trong những xã đầu tiên của H.Đông Sơn (Thanh Hóa) đã về đích trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng một số công trình bạc tỉ được xây dựng để đạt được mục tiêu này đang thể hiện sự lãng phí. Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chắc cho biết việc áp các địa phương phải thực hiện đầy đủ 19 tiêu chí một cách cứng nhắc đã dẫn tới việc lãng phí ngân sách nhà nước và nguồn lực của địa phương. Trong đó, tiêu chí xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao đa năng, tiêu chí xây dựng chợ nông thôn là ví dụ.
Mặc dù trụ sở xã đã được xây dựng khang trang với một hội trường có sức chứa hơn 250 ghế, đáp ứng đủ chỗ ngồi cho những cuộc hội họp lớn, bên cạnh đó còn có một sân vận động chuyên phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao của địa phương, nhưng để đạt 19 tiêu chí xây dựng xã NTM, Đông Văn buộc phải đầu tư xây dựng công trình Trung tâm văn hóa thể thao đa năng trị giá trên 5,5 tỉ đồng, đồng thời phải mở rộng diện tích sân vận động xã theo đúng tiêu chuẩn 120 x 90 m.
Thực tế, sau khi hoàn thành, Trung tâm văn hóa thể thao đa năng của xã chỉ sử dụng ít lần vào dịp kỷ niệm, ngày lễ, còn lại đóng cửa quanh năm. Đặc biệt, những hoạt động nêu trên cũng chỉ được đưa vào tổ chức trong trung tâm khi trời mưa gió, còn bình thường vẫn diễn ra ở sân vận động xã. Trong khi đó, sân vận động cũ đã rộng, giờ được mở rộng lên theo đúng tiêu chuẩn cũng không khai thác hết công năng. Thanh thiếu niên trong xã chỉ sử dụng khoảng 1/4 sân để chơi vài trận bóng đá mi ni mỗi tuần.
Biết bỏ hoang, vẫn phải xây chợ
Thời gian vừa qua, dư luận ở Thanh Hóa “nóng” lên vì rất nhiều chợ nông thôn, trong đó không ít chợ được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM bị bỏ hoang vì không có người đến mua bán. Theo tìm hiểu của PV, mặc dù một số địa phương chưa có nhu cầu nhưng không làm chợ, thì sẽ không đạt các tiêu chí xây dựng NTM.
Theo ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND xã Định Hải (H.Yên Định), xã chỉ cách thị trấn Quan Lào khoảng 3 km, dân cư phân bố rải rác dọc theo tuyến đê sông Mã khoảng 5 km, nhu cầu giao thương hàng hóa ở địa phương không nhiều nên chưa có nhu cầu xây dựng chợ. Nếu đầu tư xây dựng chợ Sét theo quy hoạch của Sở Công thương thì chắc chắn xây xong chợ sẽ bị bỏ hoang vì không có người đến họp. Tương tự, xã Yên Hùng trước đây từng có chợ Quảng Hán nhưng chợ này đã ngưng hoạt động từ nhiều năm nay do người dân chỉ đi chợ Kiểu (một trung tâm kinh tế sầm uất của H.Yên Định). Vì vậy chắc chắn có khôi phục lại chợ Quảng Hán cũng sẽ không có dân đến họp.
Vừa qua UBND H.Yên Định đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin hoãn tiến độ xây dựng chợ nông thôn ở xã Định Hải và xã Yên Hùng vì theo khảo sát của chính quyền địa phương nếu đầu tư sẽ không có người đến họp. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã không chấp thuận, đồng thời yêu cầu huyện chỉ đạo 2 xã Định Hải và Yên Hùng tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng theo đúng quy hoạch. Điều đó, đồng nghĩa với việc muốn về đích trong xây dựng NTM, 2 xã này bắt buộc phải đầu tư 2,5 - 3 tỉ đồng để xây chợ rồi… bỏ hoang.
“Hiện chúng tôi đã hoàn thành 18 tiêu chí, còn mỗi tiêu chí chợ nông thôn sẽ trở thành xã NTM. Giờ cấp trên không cho hoãn xây chợ, chúng tôi buộc lòng phải đầu tư xây dựng. Nhưng xây xong, sau này không có người đến họp, lãng phí ngân sách, lúc ấy, lãnh đạo xã sẽ đối mặt với việc bị cấp trên và người dân địa phương truy cứu trách nhiệm. Xây hay hoãn xây chợ là một quyết định quá khó khăn cho chúng tôi vào lúc này”, ông Trịnh Minh Châu than thở.
Tình trạng chợ bỏ hoang cũng diễn ra ở nhiều nơi khác. Tại Nam Định, xã Hồng Thuận (H.Giao Thủy) đầu tư tiền tỉ xây chợ mới rồi để hoang vì người dân quen đến chợ cũ. Xã Mỹ Tiến đầu tư xây chợ mới hàng trăm triệu nhưng ở xa khu tập trung dân cư nên không hiệu quả...
Theo một cán bộ tại tỉnh Hà Tĩnh thì một thực tế đang diễn ra tại nhiều xã về đích NTM của tỉnh này là có nhiều công trình NTM được xây dựng hoành tráng, “ngốn” hàng tỉ đồng nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả và gây lãng phí. Cũng vì những công trình này mà nhiều xã phải ôm nợ đầm đìa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.