Nông sản sạch tiêu thụ trong ngày

20/08/2016 07:17 GMT+7

Đó là tiêu chí cung ứng nông sản an toàn của “3 anh nông dân Pihka”, khi nông sản sạch họ tự trồng sẽ được thu hoạch và giao đến tận tay người dùng chỉ trong 1 ngày.

Câu chuyện bắt đầu với thương hiệu nông sản rất lạ: Pihka. Huỳnh Hải Thiên (33 tuổi), một trong “3 anh nông dân Pihka”, cho biết cái tên này thể hiện ý chí và quyết tâm “khởi nghiệp” bằng nông nghiệp sạch của nhóm. Pihka được ghép bởi 5 chữ cái đầu của: patience (kiên nhẫn), intelligent (thông minh), health (sức khỏe), kind (tử tế) và achievement (thành tựu). “Pihka phát âm theo tiếng Nhật còn có nghĩa là “lóe sáng”. Chúng tôi cùng tin rằng sản phẩm sạch mà chúng tôi xây dựng bằng tâm huyết thực sự sẽ là điểm sáng trong bức tranh nông sản hiện tại, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin”, Thiên lý giải về thương hiệu của mình.
Hải Thiên sau nhiều năm sống, học tập và làm việc ở tập đoàn xây dựng danh tiếng Nhật Bản Tokyu Land, đã quyết định về VN trồng rau sạch. Quyết định này của Thiên không phải ai cũng có thể chấp nhận được, nhất là những người thân. Nhưng “người trong cuộc” chia sẻ: “Tôi làm xây dựng ở Nhật, được đi nhiều qua những vùng nông trại xanh, sạch và hiện đại, thấy người Nhật an tâm sử dụng nông sản do chính tay mình trồng ra. Tôi thực sự bị mê hoặc bởi một nền nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn, hiện đại” và muốn những người thân của mình cũng được sống, thụ hưởng thực phẩm an lành như vậy”.
Ngay khi viết xong dự án rau an toàn tiêu thụ trong ngày, Thiên bắt đầu đi tìm cộng sự và gặp Trần Khắc Hạnh (34 tuổi), Trần Văn Bảy (40 tuổi). Anh Hạnh là kỹ sư nông nghiệp, còn anh Bảy là “một người nông dân thực thụ” với đầy đủ kiến thức nhà nông. “Ba chúng tôi xác lập một thế kiềng 3 chân gồm nhà nông, người kinh doanh, người cung cấp kỹ thuật và khởi nghiệp bằng niềm tin sẽ đưa nông sản sạch đến tận tay người dùng chỉ trong 1 ngày”, anh Hạnh vui vẻ cho biết.
Đặt mục tiêu cung ứng rau sạch trong ngày cho người tiêu dùng, 3 anh nông dân bắt đầu bằng những loại rau củ truyền thống, sản xuất gối đầu trên diện tích gần 4 ha mà nhóm thuê được ở thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang) - một trong những vùng quy hoạch rau sạch của Đà Nẵng. Cứ cuối ngày, anh Hạnh có nhiệm vụ cập nhật đơn hàng cần giao của ngày hôm sau và chuyển cho bộ phận thu hoạch do anh Bảy phụ trách. Căn cứ đơn hàng, vào sáng sớm, tổ thu hoạch (nhóm 5 người dân địa phương tham gia lao động thời vụ) thu hoạch nông sản tươi mang đi giao tận tay người mua, để họ được ăn nông sản sạch trồng ngay tại địa phương. “Vì công việc mới bắt đầu, diện tích canh tác còn nhỏ nên tôi kiêm luôn nhiệm vụ ship sản phẩm, đương nhiên cực hơn làm xây dựng ở Nhật nhiều. Nhưng khi mang nông sản tươi ngon, giữ nguyên vi chất dinh dưỡng trao đến tận tay người dùng, thấy dự án khởi động trơn tru, tôi tin mình đã đi đúng hướng. Nông sản thu hoạch và tiêu thụ trong ngày, không qua tay trung gian phun tẩm bảo quản chính là tiêu chí hoạt động của Pihka. Hiện mỗi ngày chúng tôi giao khoảng 400 kg sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, Thiên tâm sự.
Ăn ngay tại ruộng…
Ngồi tại ruộng dưa leo, anh Hạnh với tay ngắt một quả xanh mướt phủi phủi, bẻ đôi và trao cho chúng tôi ăn thử. “Anh chị ăn đi để cảm nhận ăn nông sản tươi sạch, an toàn ngay tại ruộng là như thế nào. Thú vị lắm. Mỗi thửa đến giai đoạn thu hoạch đều được cách ly quy trình phun thuốc, bón phân nên tuyệt đối an toàn, nước cũng tưới tắm mỗi ngày nên rất sạch, có thể ăn ngay tại ruộng”, Hạnh nhiệt tình giới thiệu.
Khi được hỏi làm thế nào để người ta tin nông sản an toàn, tin sản phẩm được trồng và cung ứng ngay tại Đà Nẵng, cả ba đều cười: “Tin bằng niềm tin, tin vào những người đang ăn ngay sản phẩm của mình bên những vồng đất, chứ không phải rau ăn trồng riêng, rau bán trồng riêng như thiên hạ vẫn truyền tai nhau”. Nói cho vui là vậy, trên thực tế, trong từng quy trình sản xuất, Pihka đều hệ thống lại số thửa của mình và cập nhật “nhật ký nông vụ” với lịch chăm sóc, lộ trình cách ly an toàn, thời gian thu hoạch. “Pihka sẽ cập nhật lịch trình này lên địa chỉ bán hàng qua mạng pihka.vn hay fanpage Pihka - rau an toàn Đà Nẵng và tạo phần mềm phản hồi, thông tin khách hàng để cùng nhau xây dựng sản phẩm chất lượng”, anh Hạnh cho biết. Người tiêu dùng theo đó sẽ biết được mức độ an toàn của rau củ mà họ đang dùng, quy trình thời gian xuống giống, số lô, thửa cũng sẽ được công khai và in trên bao bì... Bên cạnh đó, Pihka cũng sẽ cập nhật thông tin mùa vụ, dự báo thị trường nông sản cho những ngày sau. Giá cả theo đó cũng sẽ linh động, tránh tình trạng dư thừa sản phẩm, người dùng cũng được hưởng lợi khi rau củ được mùa. 
Muốn nhân rộng mô hình ra cộng đồng
Dắt chúng tôi đi thăm vùng quy hoạch rau an toàn rộng 15 ha, nhưng mới chỉ khai thác chừng 6 ha đất của TP.Đà Nẵng, “3 anh nông dân Pihka” tự tin “phác thảo” giấc mơ nông nghiệp sạch. Khi Pihka bắt đầu ổn định thương hiệu, có được thị trường, sẽ nhân rộng mô hình rau củ an toàn với công nghệ phun xoay, tưới nhỏ giọt, thâm canh luống để bà con quanh vùng tự tin thuê đất cùng làm. Thành viên dự án Pihka sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn, thu mua và đưa sản phẩm của bà con vào chuỗi cung ứng nông sản tiêu thụ trong ngày, cho người dân Đà Nẵng và những tỉnh thành lân cận.
“Đất dự án đến gần cả chục héc ta, chúng tôi mong có nhiều người tâm huyết với nông sản sạch tìm đến thuê, đầu tư nông nghiệp sạch và đồng hành với chúng tôi”, anh Bảy mong muốn. Còn Hải Thiên khá quyết tâm: “Từ nơi này, công nghệ sẽ được đầu tư và từng bước hiện đại, từ máy rửa rau, hệ mái vòm leo, máy cày xới, làm cỏ... cho đến hệ thống tưới xoay, tưới nhỏ giọt, dây chuyền thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Giấc mơ về vùng nông sản xanh, sạch, an toàn và hiện đại sẽ không còn là giấc mơ Nhật Bản. Tôi và các bạn của mình sẽ làm nó ngay trên quê hương mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.