Nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 2: Ớt công nghệ Hà Lan, 100 tấn/ha/năm

15/04/2015 06:49 GMT+7

Công ty TNHH Đà Lạt GAP (Đà Lạt GAP) là đơn vị tư nhân đầu tiên ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2012.

Công ty TNHH Đà Lạt GAP (Đà Lạt GAP) là đơn vị tư nhân đầu tiên ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2012.

Nông nghiệp công nghệ cao: Ớt công nghệ Hà Lan: 100 tấn/ha/nămÔng Lê Văn Cường trong trang trại Đà Lạt GAP - Ảnh: Lâm Viên
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Đà Lạt GAP trước đây chuyên sản xuất giống rau và hoa cúc. Năm 2008, ông mua đất mở trang trại để trồng rau sạch và ớt xuất khẩu. Vì hướng tới xuất khẩu, ngay từ ban đầu ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân hoàn toàn tự động theo công nghệ của Hà Lan với kinh phí trên 2 tỉ đồng/ha. Trang trại của Đà Lạt GAP nằm cách xa khu dân cư, trong các thung lũng giữa rừng thông; tưới bằng nguồn nước ngầm được kiểm định nghiêm ngặt. Không chỉ thế, các loại giống cây trồng được chọn lọc kỹ trước khi đưa vào vườn ươm và chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Năm 2009, sản phẩm rau, củ, quả của Đà Lạt GAP được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) chứng nhận sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) và được chứng nhận đạt chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn châu Âu) đầu tiên ở Đà Lạt.
Từ 6 ha ban đầu, nay trang trại của Đà Lạt GAP mở rộng lên 11 ha, sản xuất gần 30 mặt hàng rau sạch các loại. Đặc biệt, trang trại chuyên sản phẩm ớt ngọt (Capsicum) xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật Bản từ hơn 3 năm qua với số lượng 600 tấn/năm. Ông Cường cho biết, trước khi nhập khẩu, đối tác Nhật Bản qua thị sát, kiểm tra quy trình sản xuất rất gắt gao. Với phương pháp trồng ớt trên giá thể, bón phân, tưới nước được cài đặt tự động qua hệ thống Fertigation (Irrigation Head Stock) kiểm soát lượng phân bón và độ pH của nước tưới cho từng giai đoạn của cây nên phía Nhật Bản đồng ý ngay.
Theo ông Cường, phương pháp canh tác công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng đổi lại hiệu quả kinh tế rất cao, tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng hơn là thu được 100 tấn ớt/ha/năm. Hiện nay, đối tác Nhật Bản đề nghị tăng thêm số lượng xuất khẩu nhưng Đà Lạt GAP chưa thể đáp ứng ngay.
Ông Cường còn có chuyến qua Hà Lan và Tây Ban Nha nghiên cứu, học hỏi quy trình trồng cà chua vô hạn, có thân dài trên 15 m, có thể thu hoạch suốt 9 tháng và năng suất cao gấp 5 lần so với phương pháp canh tác bình thường. Song song đó, Đà Lạt GAP còn sản xuất giống cà chua babi đủ màu sắc (đỏ, vàng, nâu…) chuyên cung cấp cho các nhà hàng khách sạn phục vụ thực khách ăn tráng miệng. Ông Cường cũng thuê các chuyên gia Hà Lan qua Đà Lạt trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật canh tác cà chua và rau sạch. Các loại rau, củ, quả sau thu hoạch đưa về xưởng được sơ chế theo quy trình chế biến tiêu chuẩn HACCP, sau đó được xe chuyên dụng chở đi tiêu thụ ở các đô thị lớn TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với số lượng 3 tấn/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.