Nông nghiệp cần sự khác biệt

22/09/2018 07:44 GMT+7

Tư duy truyền thống mang tính bảo thủ “xưa bày nay làm” đã cản trở khả năng sáng tạo sản phẩm của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Với nông nghiệp công nghệ cao, yêu cầu những sản phẩm khác biệt lại càng lớn.

Đơn giản, vì ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh mẽ, thậm chí khốc liệt. Thị trường càng lớn, yêu cầu sản phẩm có sự khác biệt càng cao. Như việc trồng rau. Nếu xưa nay bà con nông dân chỉ hay trồng một số loại rau nhất định như rau muống, rau lang, mùng tơi, rau dền… mà ít chú ý tới một số loại rau bản địa khác hiện tại thị trường có nhu cầu, thì việc tiêu thụ sẽ khó khăn, giá cả bấp bênh và thấp, cuối cùng thu nhập từ nghề trồng rau sẽ không cao.
Với nông nghiệp công nghệ cao, tình hình cũng như vậy.
Bán cái người mua cần, bán cái thị trường chưa có mà yêu cầu có, đó chính là bán sự khác biệt trong sản phẩm nông nghiệp.
Ví dụ như H.Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã mạnh dạn trồng măng tây. Đó là một sản phẩm còn khá khác biệt so với thị trường Quảng Ngãi. Nhưng nếu thị trường có nhu cầu, thì đó sẽ là sản phẩm bán chạy, tiêu thụ tốt.
Với người tiêu dùng, cũng cần giới thiệu cho họ những sản phẩm nông nghiệp mới, cho họ làm quen với sản phẩm mới và dần dà ưa thích nó. Như vậy, họ sẽ vui vẻ bỏ tiền ra mua, và khi họ đã “nghiện” những sản phẩm này, thì đầu ra của sản phẩm đã được xác định. Những giá trị khác của sản phẩm: có nguồn gốc đáng tin cậy, mang lại lợi ích về sức khỏe, ngon và lạ miệng...cũng là những giá trị tạo ra sự khác biệt và được thị trường đón nhận.
Sự kiện chuối Laba ở một xã miền núi của tỉnh Lâm Đồng là Đạ K’Nàng được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, là một sự kiện vui và khiến chúng ta phải suy nghĩ. Dù sản phẩm chuối Laba từng có quá khứ nổi tiếng là “chuối tiến vua”, nhưng đã có thời gian rất dài không được chú ý tới. Chỉ tới khi chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu, khảo sát và chấp nhận điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật sản phẩm chuối Laba, thì người dân ở xã miền núi này mới có cơ hội đổi đời.
Vậy thì việc tìm ra sản phẩm khác biệt rất cần có sự góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, của những người chuyên khảo sát thị trường, kể cả người nước ngoài.
Việc này người nông dân không thể tự lực làm được.
Một khi đã phát hiện ra sản phẩm khác biệt, tìm được thị trường tiêu thụ, kể cả những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, thì con đường để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã mở ra. Chuối Laba xuất sang Nhật hiện được mua tại nơi sản xuất là xã Đạ K’Nàng với giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Chuối Laba cho thu hoạch quả quanh năm và với mức giá này có thể lãi 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cà phê.
Như thế là bài toán “trồng cây gì có lợi nhất” đã được giải ở ngay xã nghèo Đạ K’Nàng. Đến nay đối tác phía Nhật đã mua hơn 40 tấn chuối Laba ở Đạ K’Nàng và tiếp tục đặt hàng từ 20 - 30 tấn/tuần.
Chúng ta hay nói tới Cách mạng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp. Nhưng chính việc tìm ra và sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp khác biệt mới là chìa khóa giúp Cách mạng nông nghiệp 4.0 trở thành hiện thực. Và sự khác biệt ấy có thể bắt đầu từ những vùng đất rất nghèo khó, như xã Đạ K’Nàng (H.Đam Rông, Lâm Đồng).
Với một sản phẩm tưởng như khó có sự khác biệt như quả chuối, nhưng khi là “chuối tiến vua”, chuối Laba, thì mọi sự lại rất khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.